Nhóm sản phẩm thủy sản tươi sống, đông lạnh và ướp lạnh cắt giảm 33,33% chỉ tiêu kiểm tra và chi phí. |
Với mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp trong việc kiểm tra chuyên ngành đối với động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam, mới đây, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT 25/12/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ NN-PTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản và đã cắt giảm rất nhiều nội dung về kiểm dịch sản phẩm thủy sản nhập khẩu theo nguyên tắc phân loại sản phẩm, trên cơ sở mức độ nguy cơ rủi ro đối với sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu.
Theo đó, tần suất kiểm tra được cắt giảm. Đối với sản phẩm thủy sản có nguy cơ thấp (đã qua chế biến) và sản phẩm động vật thủy sản có nguy cơ cao (sản phẩm ở dạng sơ chế, tươi sống, đông lạnh, ướp lạnh) nhập khẩu để tiêu thụ nội địa đã cắt giảm 80% số lô hàng phải lấy mẫu để kiểm tra (cứ 5 lô hàng thì chỉ lấy mẫu 1 lô hàng), chi phí kiểm tra giảm 80%.
Đối với việc kiểm tra sản phẩm thủy sản nhập khẩu để tiêu thụ nội địa cũng đã cắt giảm rất nhiều chỉ tiêu kiểm tra, xét nghiệm so với trước đây theo từng nhóm sản phẩm động vật thủy sản, cụ thể:
Nhóm sản phẩm thủy sản tươi sống, đông lạnh và ướp lạnh đã cắt giảm 33,33% chỉ tiêu kiểm tra và chi phí. Nhóm sản phẩm thủy sản sơ chế, cắt giảm gần 43% chỉ tiêu kiểm tra và chi phí. Nhóm sản phẩm thủy sản chế biến, đã cắt giảm 50% chỉ tiêu kiểm tra và chi phí. Đối với sản phẩm thủy sản đã chế biến chín, đóng bao bì kín khí, có nhãn mác theo quy định và sử dụng để ăn ngay thì không phải kiểm dịch nữa.
Cắt giảm lệ phí và phí kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu để tiêu thụ nội địa. Đối với lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch nhập khẩu đã cắt giảm 43% (chỉ còn 40.000đ/giấy). Phí kiểm dịch đã cắt giảm 67%/01 lô hàng.
Lệ phí và phí kiểm dịch đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu để gia công, chế biến xuất khẩu được cắt giảm 43% (chỉ còn 40.000đ/giấy). Các lô hàng không phải lấy mẫu kiểm tra.
Về việc quy đổi lô hàng sản phẩm thủy sản nhập khẩu thành container để thu phí cao hơn, các cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu khẳng định không có việc quy đổi lô hàng thành container để thu phí theo như phản ánh của các doanh nghiệp nhập khẩu.