| Hotline: 0983.970.780

Vụ sầu riêng 'sản sinh' nhiều tỷ phú

Thứ Tư 03/01/2024 , 08:57 (GMT+7)

Đắk Lắk 2023 là năm đại thắng của ngành sầu riêng Đắk Lắk khi giá trị kinh tế thu được trên 15.000 tỷ đồng. Hàng trăm nông dân trở thành tỷ phú sau một vụ mùa.

Bà Trần Thị Tươi (ngụ huyện Cư M'gar) vui mừng khi vườn sầu riêng được mùa, được giá. Ảnh: Quang Yên.

Bà Trần Thị Tươi (ngụ huyện Cư M'gar) vui mừng khi vườn sầu riêng được mùa, được giá. Ảnh: Quang Yên.

Những tỷ phú sầu riêng

Vụ sầu riêng năm 2023 đã giúp hàng trăm nông dân trồng sầu riêng Đắk Lắk có nguồn thu nhập lớn khi giá bán tăng gấp đôi những năm trước, nhiều tỷ phú xuất hiện trong thời gian ngắn.

Bài liên quan

Phấn khởi vì 2ha sầu riêng của gia đình thu được hơn 20 tấn với giá bán 76.000 đồng/kg, bà Trần Thị Tươi (ngụ xã Ea Tar, huyện Cư M'gar) sau khi trừ hết chi phí có lãi khoảng 1,5 tỷ đồng. Theo bà Tươi, năm nay giá cao gần gấp 2 lần so với mùa sầu riêng năm 2022. Thời tiết ủng hộ nên gia đình cũng như nhiều nông dân khác đạt năng suất, được mùa.  

“Bà con rất phấn khởi, tích cực đầu tư chăm sóc, nâng cao chất lượng cho cây sầu riêng mùa tới. Đây là năm đầu tiên sầu riêng có giá cao kỷ lục như vậy, với thu nhập này rất khó có loại cây nào bằng”, bà Tươi vui mừng.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Tòng (ngụ huyện Krông Pắc) vui vẻ cho biết, so với vụ năm ngoái thì giá sầu riêng năm nay đã tăng lên gần gấp đôi. Vụ vừa qua, chi phí thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc tăng cao nhưng ông vẫn dồn sức đầu tư chăm sóc, bám sát vườn cây nên vườn sầu riêng đạt năng suất. 

Ông Tòng có tổng cộng 4 ha trồng sầu riêng, trong đó có 2 ha trồng chuyên canh đang ở giai đoạn cho thu hoạch. Vụ này, ông Tòng thu về 27 tấn quả với giá bán 80.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu cho gia đình khoảng hơn 2 tỷ đồng.

“Việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc được các thương lái dự báo là giá sẽ tăng nhưng không nghĩ tăng cao như vậy. Trước đây sầu riêng chỉ là cây trồng xen trong vườn nay trở thành cây cho thu nhập lớn. Với nông dân cầm vài tỷ sau mùa sầu riêng thật sự rất sướng”, ông Tòng nói thêm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Giao, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M'gar, địa phương có diện tích sầu riêng trồng thuần là 2.565 ha, trồng xen quy thuần là 2.766 ha, trong đó diện tích sầu riêng kinh doanh là 1.501 ha, năm 2023 sản lượng sầu riêng đạt 26.345 tấn.

Nhiều nông dân Đắk Lắk trở thành tỷ phú nhờ sầu riêng. Ảnh: Quang Yên.

Nhiều nông dân Đắk Lắk trở thành tỷ phú nhờ sầu riêng. Ảnh: Quang Yên.

“Kể từ khi Trung Quốc cho phép trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch, người sản xuất sầu riêng hết sức phấn khởi và đã đầu tư chăm sóc cây đảm bảo chất lượng, đồng thời thực hiện đúng quy trình, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm.

Năm 2023 sầu riêng của huyện đạt năng suất cao, được các doanh nghiệp đánh giá chất lượng sản phẩm rất tốt, nên giá bán cao, tùy theo thời điểm và chất lượng từng vườn, chốt giá từ 65.000 - 90.000 đồng/kg. Nhờ giá cao mà hàng trăm nông dân tại địa phương có thu nhập tiền tỷ”, ông Giao chia sẻ.

Xây dựng nhãn hiệu sầu riêng

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, vụ sầu riêng năm 2023 tại địa phương đã kết thúc với thành công chưa từng có về sản lượng, giá trị ước đạt trên 15.000 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần kỳ vọng.

Hiện nay, Đắk Lắk là địa phương có diện tích, sản lượng lớn nhất cả nước với diện tích khoảng 30.000 ha, sản lượng ước đạt 225.642 tấn, là loại nông sản có kim ngạch xuất khẩu lớn, chỉ đứng thứ 2 sau cà phê.

Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã công nhận được 12 cây đầu dòng sầu riêng, hai giống DONA và Ri6 là hai giống chủ lực được trồng với diện tích 27.892 ha, chiếm 97,3% diện tích sầu riêng toàn tỉnh. Trong đó, diện tích trồng giống DONA chiếm 84,1%; diện tích trồng giống Ri6 chiếm 13,2% và diện tích trồng giống khác (địa phương, Musang king, Chín Hoá..) chiếm 2,7%.

Trong năm qua, địa phương này cũng đang từng bước xây dựng thương hiệu sầu riêng Đắk Lắk và khuyến khích các địa phương xây dựng nhãn hiệu tập thể để quảng bá sản phẩm. Đến nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xây đương được nhãn hiệu sầu riêng Krông Pắc, nhãn hiệu sầu riêng Cư M’gar và đang chờ công nhận 3 nhãn hiệu tại 3 huyện Krông Năng, Krông Búk và Ea H'leo.

Sầu riêng mang lại giá trị kinh tế hơn 15.000 tỷ đồng cho Đắk Lắk trong năm 2023. Ảnh: Quang Yên.

Sầu riêng mang lại giá trị kinh tế hơn 15.000 tỷ đồng cho Đắk Lắk trong năm 2023. Ảnh: Quang Yên.

Việc sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là thành công lớn. Tuy nhiên, đây vừa là thời cơ, vừa là thách thức bởi muốn xuất khẩu trái sầu riêng, các bước chuẩn bị phải làm rất kỹ càng, từ khâu liên kết xây dựng, thiết lập vùng trồng, thiết lập cơ sở đóng gói cho đến quá trình sản xuất, đóng gói sản phẩm, kiểm soát sinh vật gây hại…

Để ngành sầu riêng Đắk Lắk phát triển, các Sở, ngành, địa phương cùng doanh nghiệp, HTX đã tích cực quảng bá, liên kết, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sầu riêng; công tác chế biến sầu riêng sau thu hoạch, đa dạng sản phẩm từ sầu riêng cũng được chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực.

Công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và trao đổi kỹ thuật đã được UBND tỉnh Đắk Lắk quan tâm chỉ đạo. Trong năm qua, địa phương này đã tổ chức được hai đoàn công tác tại Ấn Độ và Thái Lan để tìm hiểu thị trường, học hỏi về quản lý ngành hàng sầu riêng và tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, với mục tiêu phát triển bền vững cây sầu riêng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, tăng giá trị xuất khẩu, thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp, địa phương đã có chủ trương cho xây dựng Đề án Phát triển ngành hàng sầu riêng, bơ và Đề án Mã số vùng trồng các cây trồng chủ lực phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Trong thời gian tới, Đắk Lắk sẽ rà soát diện tích sầu riêng hiện có, không chạy theo phát triển về diện tích và sản lượng mà tập trung vào khâu quản lý chất lượng, sản xuất phải theo chứng nhận và quản lý được chất lượng thu hoạch sầu riêng. Mở rộng và duy trì diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ,…) và cấp mã số vùng trồng đạt trên 20% diện tích. Tập trung ở các huyện Ea Hleo, Cư M’gar, Krông Năng, Krông Pắc, Krông Búk và thị xã Buôn Hồ.

Đắk Lắk xây dựng nhãn hiệu sầu riêng tại các địa phương để ngành hàng phát triển bền vững. Ảnh: Quang Yên.

Đắk Lắk xây dựng nhãn hiệu sầu riêng tại các địa phương để ngành hàng phát triển bền vững. Ảnh: Quang Yên.

Cơ cấu tỷ lệ diện tích thu hoạch chính vụ 80% diện tích, rải vụ thu hoạch 20% diện tích. Đẩy mạnh sử dụng các giống mới chất lượng, rải vụ thu hoạch, thuận lợi cho tiêu thụ. Xây dựng hệ thống vườn cây đầu dòng, nhân giống sầu riêng phục vụ sản xuất. Áp dụng đồng bộ biện pháp kỹ thuật thâm canh, tưới nước tiết kiệm, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, xử lý ra hoa rải vụ thu hoạch.

Theo ông Dương, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng nhập khẩu và nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát duy trì các diện tích cây ăn quả đã được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk: “Vấn đề quan trọng nhất, tuy khó nhưng phải kiên trì thực hiện đó là tuyên truyền, giáo dục đi đôi với các chính sách, chế tài cần thiết để nâng cao ý thức, nhận thức và trình độ của người sản xuất sầu riêng và các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sầu riêng về tính trung thực, trách nhiệm vì lợi ích chung của cả cộng đồng, của ngành hàng sầu riêng Việt Nam. Việc này sẽ giúp tạo dựng được uy tín, thương hiệu sầu riêng của Đắk Lắk cũng như Việt Nam trên trường quốc tế, đó là giải pháp căn cơ nhất, hiệu quả nhất để sầu riêng Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả”.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.