"Tôi chưa từng nghe khái niệm luật lưỡng tính"
Với quan điểm của VKS là tài khoản tiền gửi thanh toán là “lưỡng tính”, hoạt động này vừa là gửi - giữ tài sản, vừa là hoạt động đi vay.
Theo đó, ngân hàng là bên đi vay, khách hàng là bên có tài sản cho vay, theo điều 472 BLDS, khi bên vay nhận tài sản thì tài sản thuộc sở hữu của bên vay và khi mất tài sản thì là mất tài sản của bên vay, luật sư Trương Xuân Tám (bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank) đã phản đối quyết liệt và nêu quan điểm: “Trong 1/4 thế kỷ hành nghề luật sư, tôi chưa hề nghe đến khái niệm pháp luật lưỡng tính. Chỉ có động vật, thực vật lưỡng tính chứ chưa nghe đến có pháp luật lưỡng tính bao giờ”.
Luật sư bảo vệ cho công ty An Lộc đã cho rằng, công ty An Lộc mở tài khoản tại Vietinbank (chi nhánh TP.HCM) là hoàn toàn hợp pháp.
Nhưng, luật sư bảo vệ cho Vietinbank lại cho rằng không hợp pháp. Biên bản làm việc giữa công ty An Lộc và Vietinbank không hề có một dòng chữ nào Vietinbank thừa nhận tài khoản của công ty An Lộc mở tại Vietinbank là hợp pháp. Tài khoản của công ty An Lộc mở không phải là do ý chí của công ty An Lộc mà hoàn toàn thực hiện theo sự sắp xếp của ngân hàng Tiên Phong.
Tiếp đó, luật sư Nguyễn Thị Hòa đưa ra các quan điểm đối đáp với các luận cứ mà luật sư bảo vệ quyền lợi cho công ty Bảo hiểm Toàn cầu và đề nghị HĐXX cần xem xét rõ mục đích mở tài khoản của công ty này và giữ nguyên quan điểm của mình trong phần bào chữa.
Bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank, luật sư Nguyễn Thị Bắc trích dẫn nhiều điều luật của Luật TTHS và cho rằng việc VKS đề nghị “hủy một phần bản án” là trái quy định.
Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 30/12, luật sư Phan Trung Hoài bảo vệ quyền lợi cho Hoàng Hương Giang (nguyên nhân viên phòng giao dịch Vietinbank) và Võ Anh Tuấn (nguyên phó giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè) cho rằng “có lỗ hổng trong quy định pháp lý” và “so sánh”: Đối với bị cáo Võ Anh Tuấn, bản án sơ thẩm đã không giải thích được vì sao buộc bị cáo Tuấn là đồng phạm của Huyền Như mà Như lại làm giả chữ ký của Tuấn trong các hồ sơ. Bên cạnh đó, trong án sơ thẩm, HĐXX đã xem xét đến tình tiết giảm nhẹ cho Phạm Anh Tuấn (nguyên Tổng giám đốc Công ty Thái Bình Dương), nhưng lại không xem xét tình tiết giảm nhẹ với Võ Anh Tuấn. Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX cân nhắc, xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho Võ Anh Tuấn.
Đối với Hoàng Hương Giang, theo luật sư, quan điểm của VKS chỉ đưa ra “giữ nguyên quan điểm giống bị cáo Vũ Nguyễn Xuân Tiên” mà không phân tích kỹ. Luật sư cho rằng hành vi, sự kiện của Hoàng Hương Giang không giống bị cáo Tiên.
Về ý kiến của VKS cho rằng các công ty Hưng Yên, SBBS không chịu trách nhiệm vì họ không biết các hợp đồng ký với Huyền Như là giả mạo. Tuy nhiên LS Trung lại phản bác rằng, các nguyên đơn dân sự không biết là giả vì họ tin Huyền Như, họ tin Huyền Như vì họ đã thỏa thuận ngầm với Huyền Như về lãi suất vượt trần và họ nhận được tiền lãi ngay khi ký hợp đồng.
Phiên tòa Huyền Như ngày 30/12.
Luật sư Vietinbank đề nghị khởi tố 3 ngân hàng
Trong phần đối đáp ngày 30/12, luật sư Trương Xuân Tám của Vietinbank đã đề nghị HĐXX khởi tố vụ án cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với 3 ngân hàng là Navibank, Tiên Phong và Hàng Hải.
Trước đó, luật sư Nguyễn Văn Trung (bảo vệ cho Vietinbank) cho rằng, việc ACB kháng cáo yêu cầu hủy án và đề nghị truy tố Huyền Như về tội tham ô, là vi phạm tố tụng. Bởi lẽ ACB là nguyên đơn dân sự chỉ có quyền kháng cáo về phần bồi thường thiệt hại.
Luật sư Trung cũng cho rằng việc VKS đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm nhằm truy tố Huyền Như về tội tham ô, cũng là vi phạm tố tụng. “Đề nghị của VKS về việc hủy một phần bản án sơ thẩm có liên quan đến 1085 tỷ đồng của 5 công ty Phương Đông, SBBS, Bảo hiểm Toàn cầu, Hưng Yên, An Lộc để điều tra, truy tố Huyền Như về tội danh tham ô nhằm buộc Vietinbank phải chịu trách nhiệm bồi thường, là vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự, vượt quá quyền hạn của kiểm soát viên được phân công giữ quyền công tố tại phiên tòa”, luật sư Trung khẳng định.
Luật sư Trung chỉ ra, trong hồ sơ điều tra vụ án, kết luận điều tra và qua phần tranh luận tại tòa cho thấy 2 ngân hàng này không khác gì Navibank và ACB. Chỉ khác ở chỗ, Ngân hàng Hàng Hải và Tiên Phong ủy thác cho nhóm 5 công ty kể trên, còn ACB và Navibank thì ủy thác cho nhân viên của họ.
Từ kết luận điều tra và lời khai của bị cáo Huyền Như, thấy rõ 5 công ty trên là “sân sau” của 2 Ngân hàng Tiên Phong và Hàng Hải được ủy thác gửi tiền vào Vietinbank. Số tiền 5 công ty này gửi vào Vietinbank cũng chính là số tiền của 2 ngân hàng trên.
Do đó, 2 ngân hàng này không phải là nguyên đơn dân sự thì cũng phải là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án này. Các luật sư Vietinbank cho rằng nếu không xem xét đến vai trò, trách nhiệm của 2 Ngân hàng Hàng Hải và Tiên Phong, là không làm rõ sự thật khách quan, chỉ xét cái ngọn mà không xem cái gốc, xét hình thức giao dịch dân sự mà không xét đến bản chất hình sự.
Luật sư của Vietinbank cũng lập luận, sỡ dĩ VKS đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm nhằm truy tố Huyền Như về tội tham ô là nhằm buộc trách nhiệm Vietinbank phải bồi thường cho các nguyên đơn dân sự, nghĩa là liên quan trực tiếp quyền lợi Vietinbank và vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự. Do đó, việc nêu lên điều này là để bảo vệ quyền lợi cho Vietinbank, mà trước hết là bảo vệ pháp luật tố tụng hình sự chứ không phải bảo vệ Huyền Như.