Trong khi 5 đơn vị được tòa phúc thẩm xác định VietinBank có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và gửi lời cảm ơn tòa phúc thẩm thì ngược lại, ACB và NaviBank không đồng tình với việc luận tội của công tố, cho rằng VietinBank “vô can” trong thiệt hại của họ.
Bên cạnh đó, với đề nghị truy tố thêm tội danh “Tham ô tài sản”, Huyền Như có nguy cơ đối diện mức án nặng hơn, đến tử hình.
ACB và NaviBank đồng quan điểm
Bảo vệ quyền lợi cho ACB, luật sư Lưu Văn Tám cho rằng VKS bác kháng cáo của ACB và NaviBank, là có sự “phân biệt đối xử”.
Theo luật sư Tám, mặc dù ACB ủy thác cho 19 nhân viên của mình gửi tiền vào VietinBank (hưởng chênh lệch lãi suất) là sai, vi phạm pháp luật (một số vị nguyên là lãnh đạo của ACB trong giai đoạn đó đã bị phạt tù trong vụ án bầu Kiên) nhưng bản chất của vấn đề là tiền của ACB đã được gửi vào VietinBank (cũng như tiền của 5 công ty nói trên) và VietinBank phải chịu trách nhiệm khi để Huyền Như chiếm đoạt.
Luật sư Tám lập luận: Hồ sơ vụ án cho thấy, 19 nhân viên của ACB mở tài khoản tại VietinBank là thật (chỉ hồ sơ mở tài khoản của 2 người bị Huyền Như làm giả, nhưng tài khoản thật – 50 tỉ đồng), tiền của ACB chuyển vào các tài khoản VietinBank là thật.
Trong quá trình Huyền Như chiếm đoạt, dù có sự sai phạm của ACB, sự thiếu sót của các nhân viên ACB, nhưng bản chất của vấn đề, cũng giống như trường hợp của 5 công ty nói trên, nghĩa là các nhân viên của ACB cũng bị Huyền Như dẫn dụ mở tài khoản và chuyển tiền vào VietinBank rồi sau đó mới bị Huyền Như giả giấy tờ chiếm đoạt.
Tương tự ACB, luật sư bảo vệ quyền lợi của NaviBank cũng không đồng tình với bản án sơ thẩm, kết luận VietinBank vô can trong việc mất 200 tỷ của đơn vị này. Theo luật sư, số tiền của 4 nhân viên NaviBank tại VietinBank là thật, từ hợp đồng, chữ ký, con dấu, tài khoản thật, số tiền gửi, hạch toán, sử dụng thật đến số dư.
Những gì sai sót đối với NaviBank, về cơ bản là giống với trường hợp của ít nhất 3/5 đơn vị mà VKS cho là Như tham ô tiền của khách tại tài khoản VietinBank nên VietinBank có trách nhiệm bồi thường.
Từ những sai trái của VietinBank đến những hợp pháp, hợp lệ đối với 5 công ty cũng đều giống với NaviBank. Nhưng không hiểu sao VKS lại kết luận hai hậu quả pháp lý trái ngược nhau như vậy?.
Từ đó, luật sư đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại theo hướng có hành vi tham ô 200 tỷ đồng là tài sản của ViettinBank thay vì lừa đảo 4 nhân viên NaviBank, buộc VietinBank trả lại 4 nhân viên NaviBank 200 tỷ đồng tiền gốc và tiền lãi tiền gửi hợp pháp, hợp lệ của khách hàng.
Huyền Như có nguy cơ đối diện án tử
Trong phiên tòa ngày 24/12, ngoài tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, VKS đề nghị hủy một phần bản án sơ thẩm, truy tố Huyền Như thêm tội danh “Tham ô tài sản”. VKS lập luận cho rằng bị cáo đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, sử dụng các con dấu, chữ ký giả để chiếm đoạt số tiền 1.085 tỷ đồng của 5 đơn vị.
Theo Khoản 4, Điều 278, Bộ luật Hình sự: “Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 20 năm, tù chung thân đến tử hình”.
Như vậy, nếu tòa chấp thuận đề nghị thay đổi tội danh đối với Huyền Như của VKS, thì với số tiền chiếm đoạt như trên, Huyền Như có thể sẽ phải đối mặt với mức án cao nhất là tử hình.
Trả lời HĐXX tại tòa, Huyền Như nói: “Bị cáo chỉ xin HĐXX xem xét hành vi phạm tội. Trong xâu chuỗi hành vi của bị cáo đã dẫn dắt khách hàng, và xuất phát từ sự đồng thuận của khách hàng. Bị cáo bản thân không có chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản”.