Huyền Như có lợi dụng chức vụ, quyền hạn hay không?
Trong vụ án này, để chiếm đoạt số tiền hơn 1.000 tỉ tại các tài khoản của các Cty cổ phần chứng khoán Phương Đông, Cty Hưng Yên, Cty cổ phần chứng khoán SaigonBank Berjara (SBBS), Cty bảo hiểm Toàn Cầu và Cty An Lộc mở tại Ngân hàng Công thương, bị cáo Huyền Như đã lợi dụng chức vụ quyền trưởng phòng giao dịch kiêm kiểm soát viên làm các lệnh chi giả chuyển tiền ra khỏi tài khoản của các công ty này ở Vietinbank để chiếm đoạt.
Như vậy, nếu không phải là trưởng phòng giao dịch kiêm kiểm soát viên với thẩm quyền duyệt chi lên đến 50 tỉ đồng, thì bị cáo Huyền Như không thể chiếm đoạt được số tiền này. Nên có căn cứ vững chắc để khẳng định, bị cáo Huyền Như đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản.
Huyền Như chiếm đoạt tài sản của ai? Tài sản này có thuộc trách nhiệm quản lý của Huyền Như hay không? Phạm vào tội gì?
Như phân tích ở phần trên, số tiền hơn 1.000 tỉ tại các tài khoản của các Cty cổ phần chứng khoán Phương Đông, Cty Hưng Yên, Cty cổ phần chứng khoán SaigonBank Berjara (SBBS), Cty bảo hiểm Toàn Cầu và Cty An Lộc mở tại Vietinbank thuộc trách nhiệm quản lý, bảo quản của Vietinbank theo quy định, nên Huyền Như đã chiếm đoạt của Vietinbank số tiền này.
Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi bởi khoản 2, Điều 1 Luật Hình sự sửa đổi năm 2009 quy định: “1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm….”.
Đối chiếu với quy định nêu trên, việc Huyền Như lợi dụng chức vụ quyền trưởng phòng giao dịch kiêm kiểm soát viên (với thẩm quyền duyệt chi mỗi lần lên đến 50 tỉ) làm các lệnh chi giả chuyển tổng số tiền hơn 1.000 tỉ đồng ra khỏi tài khoản của các công ty nêu trên do Vietinbank đang quản lý, bảo quản để chiếm đoạt rõ ràng có dấu hiệu phạm vào tội “tham ô tài sản”.
Tòa án cấp phúc thẩm có được xem xét các phần không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án sơ thẩm?
Điều 241 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định về Phạm vi xét xử phúc thẩm như sau: “Tòa án cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án”.
Theo quy định nêu trên, ngay cả khi không bị kháng cáo, kháng nghị, nếu xét thấy cần thiết thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án sơ thẩm.
Trong vụ án Huyền Như, nhiều bị hại trong vụ án kháng cáo cho rằng mình không bị Huyền Như chiếm đoạt tài sản, mà người bị chiếm đoạt tài sản chính là Vietinbank. Nếu yêu cầu kháng cáo này được chấp thuận, thì Tòa án cấp phúc thẩm có quyền xem xét các phần khác tuy không bị kháng cáo, kháng nghị, nhưng có liên quan trực tiếp đến yêu cầu kháng cáo được chấp thuận.
Cụ thể, nếu Tòa án cấp phúc thẩm chấp thuận đề nghị của bị hại là các Cty cổ phần chứng khoán Phương Đông, Cty Hưng Yên, Cty cổ phần chứng khoán SaigonBank Berjara (SBBS), Cty bảo hiểm Toàn Cầu và Cty An Lộc về việc xác định Huyền Như không chiếm đoạt tiền của họ, thì hành vi của Huyền Như chiếm đoạt số tiền hơn 1.000 tỉ tại các tài khoản của các công ty trên mở tại Vietinbank có dấu hiệu phạm vào tội tham ô tài sản, bị hại là Vietinbank nên Tòa án cấp phúc thẩm có quyền quyết định hủy toàn bộ bản án sở thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại theo quy định.