| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 06/08/2022 , 08:19 (GMT+7)
Thái Hạo

Thái Hạo

08:19 - 06/08/2022

Vụ thí sinh ngủ quên: Không chỉ có đúng và sai

Sự việc một thí sinh ngủ quên trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT ở Cà Mau đã làm tốn nhiều giấy mực của cả báo chí lẫn dư luận trên mạng xã hội.

Vụ thí sinh ngủ quên: Không chỉ có đúng và sai. Ảnh mang tính minh họa.

Vụ thí sinh ngủ quên: Không chỉ có đúng và sai. Ảnh mang tính minh họa.

Sự việc một thí sinh ngủ quên dẫn tới bị 0 điểm môn Anh văn trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT vừa qua ở Cà Mau đã làm tốn nhiều giấy mực của cả báo chí lẫn dư luận trên các diễn đàn mạng xã hội. Rất nhiều ý kiến được đưa ra, nhưng tựu chung cũng chỉ có 2 luồng chính: giám thị đúng hoặc giám thị sai. Từ hai quan điểm này, các thái độ, cách lý giải và những đề xuất cũng được đưa ra.

Vấn đề dường như ngày càng bị khoét sâu hơn khi hai “phe” theo đuổi lý lẽ của mình và không tránh khỏi những va chạm. Tuy nhiên hình như nhiều người quên mất rằng, cuộc sống xã hội thì không đơn giản như vậy. Giữa hai màu đen và trắng thì còn rất nhiều màu khác nữa; cũng thế, ngoài đúngsai thì còn có nên hay không nên, được hay không được, phải hay không phải, cần hay không cần; rồi cần hay phải; nên hay buộc; đẹp, xấu, hay, dở, thiện, ác v.v. Nghĩa là bên cạnh những vấn đề có thể dễ dàng xác định được trắng đen, phải trái thì còn vô vàn những điều khác là không thể xếp hẳn vào một loại nào. Câu chuyện của thí sinh ngủ quên cũng là một trường hợp như thế.

Chính ở những chỗ là ranh giới hay ngoại biên này của pháp luật mà văn hóa, đạo đức, tinh thần nhân bản được dùng đến và sẽ phát huy sức mạnh của nó, cái sức mạnh nhiều khi còn lớn hơn cả đúng/sai, phải/trái. Và cũng chính nó sẽ làm nên vẻ đẹp của cuộc sống này.

Có những ý kiến quả quyết rằng các vị giám thị này đã vi phạm quy chế khi còn 15 phút làm bài nhưng đã không thông báo cho thí sinh như trong quy định. Thực ra nhận định này là thiếu cơ sở, và hoàn toàn có thể bác bỏ được. Nhiệm vụ của giám thị là thông báo chung cho cả phòng thi biết chứ không phải là đi đến từng em một để nhắc thời gian. Còn nếu nói rằng riêng đối với những em đang ngủ thì cần phải lại tới nơi và gọi dậy để nhắc thì thí sinh ấy mới có thể nhận được thông báo, là cũng không thuyết phục. Ai dám chắc rằng những em đang thức và miệt mài làm bài cũng nghe thấy lời nhắc của giám thị? Và cũng thế, ai dám chắc rằng những em đang gục xuống bàn kia là đang ngủ và không nghe được? Nếu các em ấy chỉ đang gục xuống chứ không hề ngủ và vẫn tiếp nhận thông tin một cách bình thường thì sao? Tóm lại về mặt lý thì việc cố gán cho giám thị một cái tội là vi phạm quy chế sẽ là miễn cưỡng và không thỏa đáng. Đó là chưa nói tới việc thí sinh được quyền ngủ trong phòng thi mà không ai có quyền can thiệp!

Nói những điều này không phải để dung túng cho sự vô cảm, nhưng cũng là để thấy rằng không thể áp đặt một cách thô bạo. Những giám thị này không phạm “tội” nhưng chắc chắn có lỗi, cái lỗi thuộc về văn hóa.

Đối với các vấn đề thuộc về đạo đức và văn hóa mà chưa được luật hóa thì không thể dùng luật để xử. Xã hội có những công cụ khác cho những phạm vi này, đó là sự phê phán, lên án và thái độ ứng xử không thân thiện mà họ buộc phải đối diện.

Sau tất cả những điều ấy, sự việc này là một bài học lớn cho xã hội. Thứ nhất, nó là một biểu hiện điển hình về căn bệnh vô cảm, lạnh lùng trong quan hệ của con người với nhau. Giám thị hoàn toàn có thể thăm nắm tình hình của thí sinh và gọi em ấy dậy nếu họ có sự nhạy cảm, quan tâm và lo lắng. Tiếc thay, họ đã không làm thế. Ở đây, câu hỏi tại sao là rất quan trọng, vì nó khiến ta phải đi tìm nguyên nhân trong đời sống xã hội để biết được cái gì đã khiến nên một lối ứng xử thiếu nhân văn như thế. Và tình trạng lạnh nhạt vô cảm này đã phổ biến đến mức độ nào, làm sao để khắc phục được nó?

Thứ hai, không một bộ luật nào, dù là ở quốc gia tiến bộ nhất, có thể bao phủ hết được muôn mặt cuộc sống. Chính vì thế, sẽ luôn còn và cần sự nhạy cảm, tinh thần trách nhiệm, sự cảm thông và mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người. Giả sử, nếu trên thế giới này có một bộ luật hoàn hảo làm nguyên tắc cho tất cả mọi trường hợp, và ai cũng áp dụng nó một cách trọn vẹn, thử hỏi chúng ta có dám chắc về một xã hội tốt đẹp sẽ được sinh ra từ đó? Lúc ấy e rằng, ngoài việc giữ được trật tự thì con người dường như sẽ hành động như những cỗ máy, khô khan và xơ cứng. Tất cả những gì vi tế, mong manh, đẹp đẽ khó mà tìm được mảnh đất để sinh tồn nữa khi mà cuộc sống đã được lập trình 100%. Đó chỉ là là nói giả sử, chứ trên thực tế sẽ không bao giờ có được một bộ luật nào như vậy cả; nghĩa là “chất người” sẽ luôn luôn cần được dùng tới. Cũng có nghĩa là nếu trong một xã hội mà cái chất người ấy không còn nữa hay chỉ còn sót lại rất ít thì đó là một thảm họa, biến cuộc sống trở thành một sa mạc khô cằn.

Thứ ba, mỗi người đều phải tự chịu trách nhiệm về việc làm của bản thân mình, dù cố tình hay vô ý. Học sinh không may ngủ quên, em sẽ chịu hậu quả vì sự cố ấy; giám thị không nhắc và gọi thí sinh dậy, giám thị bị dư luận chỉ trích và chịu sự phán xét của lương tâm.

Sự cố này đối với em học sinh là một tai nạn thật sự. Tuy nhiên, em vẫn còn cơ hội rất lớn để làm lại; thậm chí nếu nhìn ở những góc độ khác nhau thì chưa hẳn nó đã trầm trọng như chúng ta nghĩ. Điều mà ta cần lo lắng và phải thấy bất an nhiều nhất chính là cái câu hỏi Có chăng đang hiện hữu một sự đổ vỡ lớn trong xã hội ta về mối quan hệ giữa con người với con người ở giai đoạn này. Thực tế, với rất nhiều những biểu hiện ngày càng trở nên rõ rệt và nghiêm trọng trên mọi mặt của đời sống phải khiến chúng ta không thể nghĩ rằng nó không tồn tại.

Nếu ta nhận thức rằng sự việc của em học sinh ngủ quên nhưng không được đánh thức này chỉ là một biểu hiện trong muôn vàn những biến thái của một tình trạng sa sút nghiêm trọng về văn hóa thì lúc ấy ta mới có thể khắc phục và phòng bị được những “tai nạn” phức tạp trong cả cho hiện tại lẫn tương lai. Còn một khi ta cố lờ nó đi để chỉ gán vấn đề cho một vài cá nhân cụ thể thì có nghĩa là ta đã không thật lòng giải quyết điều gì cả.