| Hotline: 0983.970.780

Vụ Việt Á điển hình của 'lợi ích nhóm', 'cấu kết tham nhũng có hệ thống'

Thứ Ba 09/01/2024 , 09:48 (GMT+7)

Trong phần luận tội, đại diện VKS nhận định, vụ Việt Á là một điển hình cho 'lợi ích nhóm' và 'thông đồng cấu kết tham nhũng có hệ thống'.

Điển hình của "lợi ích nhóm", cấu kết tham nhũng có hệ thống

Tại phiên tòa xét xử vụ Việt Á, đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử đã trình bày bản luận tội.

Theo đại diện VKS, trong những năm qua, với quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…, công tác phòng, chống tham nhũng đã có những bước tiến mạnh mẽ.

Đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử đã trình bày bản luận tội.

Đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử đã trình bày bản luận tội.

Việc phát hiện, xử lý các vụ án về tham nhũng, kinh tế được thực hiện đồng bộ, triệt để “không có vùng cấm”, góp phần quan trọng trong việc kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi vi phạm, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Nhiều vụ án có quy mô, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp bị phát hiện, nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý về hình sự. Trong số đó, nhiều vụ án hình sự về kinh tế - tham nhũng, chức vụ được phát hiện, xử lý đã chứng minh, làm rõ sự cấu kết, thông đồng của các đối tượng thể hiện “lợi ích nhóm”.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng, sức khoẻ của người dân, Đảng, Chính phủ và toàn dân phải nỗ lực, gồng mình để chống chọi, hạn chế lây lan và ngăn ngừa dịch bệnh thì một bộ phận lãnh đạo cấp cao tại các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã cấu kết thông đồng với doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch bệnh để hưởng lợi ích nhóm, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho tài sản Nhà nước.

Việc này còn xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức và cá nhân, làm cho một bộ phận cán bộ, công chức bị thoái hoá biến chất, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Đại diện VKS chỉ ra rằng, các bị cáo trong vụ án này đã giúp Công ty Việt Á được phối hợp tham gia thực hiện Đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về test xét nghiệm Covid-19 do Bộ KH&CN đại diện chủ sở hữu.

Sau đó, bằng nhiều thủ đoạn, các bị cáo thực hiện chuỗi hành vi sai phạm, biến test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu của Đề tài thuộc sở hữu của Nhà nước thành sản phẩm thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, sản xuất, bán thương mại trái phép trên cả nước với giá đã được nâng khống, thu lợi bất chính đặc biệt lớn.

Xin cho ông Chu Ngọc Anh hưởng mức án bằng thời hạn tạm giam

Cùng bị mức án đề nghị của đại diện VKS từ 3 - 4 năm tù, các luật sư bào chữa cho cựu Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ KH&CN xin giảm án cho hai bị cáo Chu Ngọc Anh, Nguyễn Công Tạc viện lý do “chống dịch cấp bách” để xin giảm nhẹ hình phạt.

Luật sư bào chữa xin giảm án phạt cho bị cáo Chu Ngọc Anh.

Luật sư bào chữa xin giảm án phạt cho bị cáo Chu Ngọc Anh.

Bị cáo Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN) bị truy tố và đưa ra xét xử về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo mức án 3-4 năm tù.

Bào chữa cho ông Chu Ngọc Anh, luật sư đặt vấn đề: Kit test bán ra thị trường của Việt Á là sản phẩm của đề tài hay là sản phẩm của Công ty Việt Á vẫn còn là vấn đề băn khoăn.

Hành vi của bị cáo Chu Ngọc Anh chỉ dừng lại ở đoạn sản xuất ra 20.000 kit test. Sau đó, kit test của Việt Á được cấp phép lưu hành để bán ra thị trường thuộc về trách nhiệm của Bộ Y tế, nằm ngoài hành vi của bị cáo này.

Luật sư bào chữa cho cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, thời điểm xảy ra dịch bệnh, việc chống dịch như chống giặc, trong tình huống cấp bách, chưa có tiền lệ, xử lý việc đúng hay sai rất khó nói.

“Có thể vì dịch bệnh, lúc đó bị cáo hành động như thế là đúng, nhưng sau này soi lại các quy định pháp luật thì lại sai, mong HĐXX xem xét đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo”, luật sư trình bày.

Luật sư cũng cho rằng, không thể coi hành vi của bị cáo Chu Ngọc Anh là “nguy hiểm cho xã hội”, như quan điểm luận tội của đại diện VKS. Theo luật sư, “lỗi này có sai nhưng không đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự”. Luật sư này đề nghị HĐXX cho cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN được hưởng mức án bằng thời hạn tạm giam.

Đối với bị cáo Phạm Công Tạc, tại tòa, cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN cho rằng, bị cáo chỉ nhận 100 triệu đồng chứ không phải 50.000 USD như cáo buộc của VKS và lời khai của Chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt.

Cự Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc bị đề nghị mức án 3 - 4 năm tù.

Cự Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc bị đề nghị mức án 3 - 4 năm tù.

Trong phần luận tội, đại diện VKS đưa ra quan điểm cho rằng, bị cáo Phạm Công Tạc thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, nhưng chỉ thừa nhận đã được Phan Quốc Việt đưa cho 100 triệu đồng.

Nhưng căn cứ vào lời khai của bị cáo Việt, Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN) và Phó TGĐ Việt Á Vũ Đình Hiệp, cùng dữ liệu điện tử, sao kê tài khoản ngân hàng của ông chủ Việt Á, kết quả thực nghiệm điều tra và các tài liệu chứng cứ khác, thấy đủ cơ sở xác định, bị cáo Phạm Công Tạc đã nhận của Phan Quốc Việt 50.000 USD.

Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Công Tạc mức án 3-4 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Bào chữa cho cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN, luật sư cho rằng, thời điểm điều tra, bị cáo Việt có nhiều lời khai không thống nhất về số tiền đã đưa cho ông Tạc. Trong đó lời khai ban đầu của Phan Quốc Việt nói rằng chỉ đưa cho ông Phạm Công Tạc 100 triệu đồng - trùng khớp với lời khai của bị cáo Tạc.

Vẫn theo luật sư, những lời khai còn lại của bị cáo Việt rằng đã đưa cho ông Tạc 50.000 USD là không có cơ sở. Và các dữ liệu điện tử cũng không nói lên được việc Phan Quốc Việt đưa cho cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN bao nhiêu tiền.

Bên cạnh đó, biên bản thực nghiệm cũng không thể hiện việc trong túi quà Phan Quốc Việt đưa cho ông Tạc có bao nhiêu nên không thể lấy đó để chứng minh cho việc bị cáo Tạc đã nhận từ Việt Á 50.000 USD...

Xem thêm
Cảnh báo nạn trộm cắp cà phê đầu vụ thu hoạch

GIA LAI Một số vùng trồng cà phê tại Tây Nguyên đã xuất hiện tình trạng bẻ cành, hái trộm cà phê chín sớm khi vụ thu hoạch đang cận kề và giá cao hơn nhiều năm.

Phát hiện người đàn ông treo cổ tại rừng thông

Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa xác minh được danh tính người đàn ông treo cổ tử vong tại rừng thông do không mang theo giấy tờ tùy thân.