| Hotline: 0983.970.780

'Vua chuối' cũng lao đao

Thứ Tư 06/10/2021 , 08:05 (GMT+7)

Sở hữu 500ha chuối, có năm anh lãi hơn 20 tỷ đồng. Nhưng 2 năm nay, ảnh hưởng dịch Covid-19, vườn chuối 'thổi bay' của anh 6 tỷ đồng mỗi năm.

Khu trang trại trồng chuối của anh Lý Văn Cường ở trên núi Yên Định. Ảnh: Đào Thanh.

Khu trang trại trồng chuối của anh Lý Văn Cường ở trên núi Yên Định. Ảnh: Đào Thanh.

100 nghìn chia đôi

Rạp cưới còn chưa kịp dỡ, anh chị đã nhận được hung tin ông bác anh bị tai nạn nhập viện vì chấn thương sọ não. Nhà bác nghèo, bao nhiêu tiền mừng cưới chị đưa anh gửi tiền về giúp đỡ cũng chẳng đủ. Chị đưa luôn cho anh cả chiếc dây chuyền vàng bố mẹ cho trước khi cưới chồng làm của hồi môn.

Một tuần sau ngày cưới, anh xuôi về thăm bác, chị ngược lên đơn vị làm việc. Lúc ấy, tài sản của anh chị chỉ vỏn vẹn 100 nghìn. Anh chị chia đôi mỗi người một nửa để phòng thân đi đường. Anh Lý Mạnh Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Phát triển nông, lâm nghiệp Hà Giang bảo rằng: Kỷ niệm gian khó ấy như sợi dây vô hình gắn chặt vợ chồng tôi vượt qua gian nan.

Anh Cường và vợ mình đều là người quê gốc ở tỉnh Tuyên Quang. Anh vốn là một sĩ quan quân đội, còn chị là nhân viên bưu điện. Nhưng cái máu làm giàu và đam mê nông nghiệp đã kéo anh chị ra khỏi cơ quan nhà nước rồi lên vùng cao nguyên đá Hà Giang lập nghiệp.

Vợ chồng 'vua chuối' Lý Mạnh Cường luôn đồng hành vượt qua khó khăn. Ảnh: Đào Thanh.

Vợ chồng "vua chuối" Lý Mạnh Cường luôn đồng hành vượt qua khó khăn. Ảnh: Đào Thanh.

Lên cao nguyên Hà Giang, anh chọn cây chuối để khởi nghiệp vì nó gần gũi nhất với người nông dân Việt Nam. Cây chuối ai cũng biết, chỉ cần hướng dẫn là có thể nắm bắt được kỹ thuật rất nhanh. Mất một năm khảo sát đất, nghiên cứu địa hình xem đường kéo điện, kéo nước, đường vận chuyển chuối xuống núi…, năm 2015 anh bắt đầu trồng chuối. Đến năm 2016 chuối cho thu hoạch vụ đầu tiên. Năm 2017, anh có lãi rồi tiếp tục mua xe tải chở hàng, mua thêm đất để mở rộng vườn chuối lên tới 500ha tại các huyện Bắc Mê, Xín Mần, Bắc Quang. Từ đó anh được mệnh danh là “vua chuối” ở vùng cao nguyên đá.

Tôi hỏi, để sở hữu vườn chuối cả trăm ha, anh lấy đâu nhiều tiền để mua đất như thế? "Tôi đi vay", anh đáp.

Thời kỳ cao điểm nhất anh vay ngân hàng 25 tỷ. Nhưng số tiền vay ngân hàng đó chưa đủ để cầm cự chờ đến khi vườn chuối 500ha được thu hoạch. Bán hết những mảnh đất, ngôi nhà ở quê hương Tuyên Quang, ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cũng chưa đủ, anh vay thêm bên ngoài 15 tỷ nữa với lãi suất trung bình 1 tỷ là 1 triệu/ngày. Một tháng anh phải trả 450 triệu tiền lãi vay ngoài.

Anh bảo, mình liều vay như vậy vì có cơ sở. Bởi nắm chắc trong tay chuối chuẩn bị cho thu hoạch, ước tính giá trị thu khoảng 30 tỷ.

Ông Giang Đức Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Giang cho biết, mô hình trồng chuối của anh Lý Mạnh Cường là mô hình lớn nhất tỉnh Hà Giang. Anh Cường cũng là một trong những doanh nghiệp làm nông nghiệp tiên phong của địa phương.

Khu nhà xây khang trang của gia đình anh Cường. Ảnh: Đào Thanh.

Khu nhà xây khang trang của gia đình anh Cường. Ảnh: Đào Thanh.

Thuận vợ, thuận chồng, “vua chuối” thu lãi 20 tỷ đồng

Đứng trên đỉnh núi Yên Định mà nhìn xuống là cả bạt ngàn chuối xanh mơn mởn. Xen lẫn vào rừng chuối là những cung đường mềm như sợi bún, như đuổi bắt nhau dẫn lối cho xe tải đến tận đỉnh mây mù. Từ đây, chỉ vài giờ đồng hồ, chuối được các xe chở hàng ùn ùn vận chuyển đến cửa khẩu Thanh Thủy rồi xuất sang Trung Quốc.

Chiếc xe bán tải đi chầm chậm rồi dừng lại. Người phụ nữ da trắng, dáng người mảnh mai mở cửa xe bước xuống rồi nhẹ nhàng cất giọng chào chúng tôi. Anh Cường giới thiệu: Đây là vợ tôi! Người phụ nữ 2 giờ đêm vẫn một mình hăng hái lên xe bán tải rồi nhấn ga, nhả côn chinh phục những con dốc gấp khúc nhất, cua nhất trên đỉnh núi Yên Định mà tôi vừa kể với các anh.

Chị Thủy không chỉ lái xe bán tải giỏi, chị còn giỏi cả kỹ thuật trồng chuối cũng như kết nối thông thương. Chị cùng anh bắt tay khống chế bệnh héo rũ vàng lá do nấm Panama gây hại, bằng cách nhập phôi giống F1 từ vùng người ta mới trồng, đất còn sạch, mầm còn sạch. Chị cùng anh thuê chuyên gia Thái Lan ăn nghỉ tại trai trạng, nghiên cứu cách tách phôi từ cây giống ban đầu nhằm giảm chi phí mua giống mà vẫn đảm bảo chất lượng. Chị cùng anh đi lo thủ tục làm mã vườn, mã xuất khẩu chuối để đến nay Công ty của anh là đơn vị duy nhất ở tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang có các mã này.

Chuối giống được nhập từ Trung Quốc, sau đó được nhân giống theo phương pháp tách phôi tại khu trang trại của gia đình 'vua chuối' Lý Mạnh Cường. Ảnh: NVCC.

Chuối giống được nhập từ Trung Quốc, sau đó được nhân giống theo phương pháp tách phôi tại khu trang trại của gia đình "vua chuối" Lý Mạnh Cường. Ảnh: NVCC.

Thuận vợ, thuận chồng nên trung bình mỗi ha, 2.000 gốc chuối cho năng suất đạt 40 tấn. Trừ tiền thuê nhân công chăm sóc, giống phân bón, vận chuyển, thủ tục xuất nhập khẩu, 1kg chuối bán giá 4.500 đồng công ty anh sẽ hòa vốn. Năm 2018, 2019, vườn chuối 500ha của gia đình anh cho tổng sản lượng 5.000 tấn/năm. Với giá bán từ 10.000 đến 20.000 đồng/kg, trừ chi phí anh thu lãi 20 tỷ đồng.

Không có nhà làm ma cho con

Sở hữu rừng chuối rộng lớn cho thu lãi tiền tỷ nhưng “vua chuối” Lý Mạnh Cường lại quên mất việc sắm một ngôi nhà do mình đứng tên chính chủ.

Năm 2018, là năm vườn chuối cho anh nguồn thu đạt đỉnh lợi nhuận. Nhưng cũng năm ấy, bão lòng cũng ập đến lấp kín mọi niềm hân hoan của vợ chồng anh. Đứa còn trai lớn chưa đầy 13 tuổi của anh bị tai nạn giao thông qua đời.

Câu chuyện ấy như vết dao sắc đẽo gọt vào lòng anh mãi chẳng lành. Nỗi đau chồng lên nỗi đau khi anh nhận ra mình chẳng có nổi căn nhà để làm ma cho con. Ngôi nhà vẫn đón bao nụ cười, giữ bao kỷ niệm của thằng bé với gia đình lại là ngôi nhà thuê của người ta. Sợ điềm không may, chủ nhà không cho gia đình anh làm ma trên đất của họ. Anh phải chuyển thi hài con về tận huyện Bắc Quang, rồi đưa về huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang để lo hậu sự cho cháu.

Năm 2018, 2019 anh Cường thu lãi từ 15 đến 20 tỷ đồng từ trồng chuối. Ảnh: NVCC.

Năm 2018, 2019 anh Cường thu lãi từ 15 đến 20 tỷ đồng từ trồng chuối. Ảnh: NVCC.

Con trai mất hơn 1 tháng, anh quyết định mua khu đất ở thành phố Hà Giang rồi làm nhà định cư tại đây. Anh nói giọng trầm buồn: Lúc đó mình không nghèo nữa, trong tài khoản đã có cả chục tỷ đồng. Chỉ muốn dành tiền đó quyết tâm đầu tư mở rộng phát triển trồng chuối. Nói rồi anh lấy tay vụng về gạt giọt nước mắt rơi vội vã.

Phía sau là cả trăm gia đình

Nhà Lý Văn Khấu giờ đây to đẹp nhất làng Tả Mò, xã Yên Định, huyện Bắc Mê. Ngày trước bản Tả Mò của Khấu nghèo lắm. Những ngôi nhà ngày nắng ánh sáng lọt qua mái nhà như trải mành, ngày mưa phải khuân giường khắp nhà chạy dột…

Anh Khấu thật thà kể: Cái nghèo của dân bản bị đánh cắp kể từ khi thằng người dưới xuôi Lý Mạnh Cường nó đem cây chuối về đây. Nó bảo theo nó trồng chuối sẽ có cái ăn, sẽ đủ tiền để làm cái nhà chắc chắn như cây lim, cây nghiến chẳng sợ gió bão. Nghe nó, mình và người bản theo nó làm thuê tính công nhật. Sáng đi làm chiều có vài chục đến cả trăm nghìn đồng nhét túi, ai cũng mừng lắm.

Nhưng cứ làm công nhật thì tiền vừa đến tay đã lọt qua bầu rượu mà chảy hết vào bụng, nghèo vẫn cứ nghèo. Nó bảo mình làm khoán cho nó, trồng chuối ăn theo sản lượng. Mình nghe và giờ có cả ngôi nhà xây to chắc như cây nghiến, cây lim giữa rừng, chẳng sợ mưa gió bão bùng; đám con thì được đi học, mang được nhiều cái chữ vào đầu. Ở bản mình giờ không còn ai sợ đói nữa, gạo ăn hàng ngày không hết, nhiều hộ còn mua được cả xe ô tô to như cái nhà để chở hàng hóa nữa.

Khu trang trại chuối của anh Cường hiện giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Ảnh: NVCC.

Khu trang trại chuối của anh Cường hiện giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Ảnh: NVCC.

Khu trang trại chuối của anh Cường hiện có khoảng 100 người làm được chia làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là làm công nhật đến cuối buổi trả tiền; nhóm thứ hai là những làm trả lương theo tháng và nhóm làm khoán ăn theo sản phẩm. Những người đến nương làm công cho anh đều được anh hỗ trợ gạo, thịt, thức ăn. Người có vợ chồng ở lại coi nương được cho điện, cho nước, hỗ trợ chỗ ở…

Khi thuận thì việc lo ăn, lo thu nhập cho 100 người làm chẳng thể làm khó được anh. Nhưng 2 năm nay, Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả. Nhu cầu và các thủ tục xuất khẩu chuối sang Trung Quốc không mắc nhưng di chuyển qua các địa phương phía Trung Quốc bị ách tắc. Trước kia vận chuyển từ cửa khẩu Thanh Thủy đến chợ Chiết Giang, Trung Quốc chỉ mất 2 ngày thì nay lên đến 10 ngày. Trước kia người ta chỉ kiểm dịch hàng hóa theo lô, theo tấn, giờ họ kiểm dịch theo thùng. Chi phí phát sinh cho các dịch vụ kiểm dịch hàng hóa bị nâng cao, giá chuối xuất khẩu xuống 2.000 đồng/kg, càng xuất khẩu anh càng lỗ.

Anh bảo, gian khó như thế nhưng đến nay anh chưa một lần được hưởng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn. Tôi hỏi anh: Sao anh không xin hỗ trợ giảm lãi xuất cho vay và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng bởi Covid-19?

Anh trầm ngâm một lúc rồi đáp: Giờ có phải bán tài sản trả nợ, rồi giải thể chuyện làm ăn mình vẫn không nghèo. Nhưng đằng sau mình là bao nhiêu gia đình với hàng trăm cái miệng ăn theo…, áp lực lắm. Rồi anh im lặng với những suy tư, trăn trở của riêng mình.

Giá chuối xuống thấp, trong khi các chi phí như tiền trả hàng tháng cho nhân công, tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lãi ngân hàng mỗi tháng anh phải trả 500 triệu đồng. 2 năm nay, mỗi năm vườn chuối “thổi bay” của anh khoảng 6 tỷ đồng.

Xem thêm
Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình

Báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu bài viết của Thủ tướng Phạm Minh Chính đầu năm mới 2025, cùng mong muốn đất nước phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.

Xuất khẩu gạo lập kỳ tích vượt 9 triệu tấn và 5 tỷ USD

Xuất khẩu gạo gây ấn tượng mạnh mẽ cả về lượng và kim ngạch trong năm 2024 khi thiết lập những cột mốc lịch sử cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nữ sinh viên Lào Cai hiến tạng của mẹ để cứu sống nhiều người bệnh

Sau khi mẹ ngã giàn giáo và chết não, nữ sinh viên Trường Cao đẳng Lào Cai đã quyết định hiến toàn bộ tạng của mẹ để cứu sống các bệnh nhân khác.