| Hotline: 0983.970.780

Vựa lợn Thái Bình sẵn sàng nếu được xuất đi Trung Quốc

Thứ Ba 03/12/2019 , 08:55 (GMT+7)

Thái Bình đang từng bước khôi phục ngành chăn nuôi lợn và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu nếu được Trung Quốc đồng ý nhập khẩu.

Ngay từ đầu năm, dịch tả châu Phi đã tàn phá đàn lợn ở Thái Bình khiến tăng trưởng chăn nuôi toàn tỉnh không đảm bảo do tỉ lệ lợn trong chăn nuôi rất lớn, chiếm đến 65%.

Xuất hiện từ ngày 12/2, đến ngày 30/4 toàn bộ 281 xã, phường, thị trấn có chăn nuôi lợn của tỉnh bị nhiễm dịch, chỉ có 5 phường không chăn nuôi mới không xuất hiện dịch. Đến nay, Thái Bình có trên 370.000 con lợn, tương đương gần 19.000 tấn lợn hơi bị tiêu hủy.

Đối mặt với tình trạng trên, ngay từ tháng 4/2019, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tham mưu cho Sở NN-PTNT Thái Bình và UBND tỉnh ban hành quyết định số 1040, định hướng phát triển chăn nuôi với kịch bản dịch tả lây lan trên diện rộng.

Theo đó, các địa phương sẽ phát triển các vật nuôi khác phù hợp với điều kiện như gia cầm hay trâu bò để thay thế thịt lợn trên thị trường. Mục tiêu của tái cơ cấu ngành chăn nuôi là phát triển đàn gia cầm, trâu bò và ổn định lại đàn lợn.

Cụ thể, đến nay, đàn trâu bò thương phẩm của Thái Bình đạt 61.000 con tăng 11% và sản lượng đạt 9.200 tấn thịt hơi, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, đàn gia cầm đạt 14,5 triệu con, tăng 11,35% và sản lượng đạt trên 61.500 tấn, tăng đến 16% so với cùng kỳ năm 2018.

Riêng đàn lợn chỉ đạt 750.000 con, tương đương 75% so với cùng kỳ 2018 với sản lượng thịt hơi vào khoảng 164.000 tấn, bằng khoảng 80% so với năm ngoái.

Hiện nay, do thiếu lợn giống cũng như quá trình tái đàn chưa nhiều, người dân sẽ phải làm quen dần với các loại thịt khác như gia cầm hay trâu bò. Dự đoán, đến cuối tháng 1, đầu tháng 2/2020, Thái Bình mới có đàn thịt thương phẩm đến tuổi xuất chuồng trở lại.

Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình. Ảnh: Tùng Đinh.

Tái đàn thận trọng

Theo ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình, sau khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, số lợn nái bị tiêu hủy của tỉnh lên đến 50% và lợn đực giống chỉ còn 530 con.

Để đảm bảo an toàn, không cho dịch quay trở lại việc hạn chế tái đàn được thực hiện nghiêm ngặt, nhiều đàn lợn nái chỉ được phối giống bằng nước cất để qua giai đoạn động dục. Thậm chí, một số trại có lợn con ra đời trong thời gian có dịch phải tiêu hủy sau thời gian cai sữa.

Từ 28/10 đến nay, các địa phương công bố hết dịch ở Thái Bình bắt đầu tái đàn, đi kèm với đó là thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là nguồn giống hạn chế, thiếu hụt, đa số chỉ các trang trại lớn mới có lợn con và gần như không bán ra ngoài cho các hộ nuôi nhỏ lẻ.

Vấn đề đặt ra hiện nay là giá lợn thịt tăng cao, nhiều gia đình có tiền đền bù tiêu hủy lợn trong dịch sẽ tìm cách mua con giống từ các địa phương khác về nuôi, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trở lại dù vẫn có các giấy tờ kiểm định, kiểm dịch. Bên cạnh đó, việc vận chuyển lợn thịt qua Thái Bình để đi các nơi khác hoặc đến Thái Bình tiêu thụ cũng kéo theo nhiều rủi ro.

Đối phó với những nguy cơ trên, ông Nhương cho biết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh vẫn phối hợp với các cơ quan khác, lập các đội kiểm tra lưu động liên ngành để kiểm tra, kiểm soát việc nhập lợn và xử lý kịp thời khi có vi phạm.

Bên cạnh đó, Chi cục cũng thực hiện kế hoạch vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên diện rộng để đảm bảo an toàn cho chăn nuôi. Trong đó, từ 1/11-1/12, đơn vị đã tham mưu cho tỉnh, xuất 25 tấn hóa chất cho các địa phương làm vệ sinh, phục vụ công tác tái đàn.

Ngoài ra, mẫu đất, nước thải, côn trùng ở các trang trại cũng được thu gom, gửi ra những đơn vị chuyên môn ở trung ương để xét nghiệm. Theo ông Nhương, trong số hơn 300 mẫu gửi đi, đến nay chỉ có 1 mẫu dương tính với dịch tả châu Phi và rơi vào nơi chưa qua 30 ngày không xuất hiện bệnh.

Đàn lợn trong một trang trại ở Thái Bình. Ảnh: Tùng Đinh.

Sẵn sàng nếu được xuất đi Trung Quốc

Trước đây, Thái Bình có thể coi là vựa lợn của miền Bắc, trong đó đặc biệt mặt hàng lợn sữa rất được thị trường Trung Quốc, Hồng Kông ưa chuộng vì đặc điểm có nhiều mỡ, quay không bị vỡ da mà vẫn đảm bảo được độ giòn.

Sau khi Trung Quốc không cho nhập khẩu tiểu ngạch, mặt hàng lợn sữa của Thái Bình chủ yếu được xuất đi thị trường Hồng Kông rồi có thể từ đó quay ngược về Malaysia. Bên cạnh đó, một số tiểu thương ở các tỉnh vùng biên vẫn duy trì việc đưa nhỏ giọt lợn sữa sang Trung Quốc nhưng không đáng kể.

Tuy nhiên, trong nửa năm trở lại đây, mặt hàng này ngày càng khan hiếm do dịch tả châu Phi và việc hạn chế tái đàn được áp dụng triệt để, chưa kể đến giá lợn giống tăng cao nên gần như không còn lợn sữa để bán.

Về lợn thịt, trước đây Thái Bình chỉ tiêu thụ khoảng 40% sản lượng, còn lại chủ yếu xuất đi Hà Nội, Hải Phòng và đặc biệt là Quảng Ninh để đưa đi Trung Quốc thông qua các thương lái.

Sau khi xảy ra dịch tả châu Phi, lượng thịt lợn của Thái Bình rơi vào tình trạng cung không đủ cầu, kết hợp với Trung Quốc cấm nhập khẩu nên việc xuất đi các nơi cũng theo đó mà giảm sút.

Trong tương lai, ông Nhương cho rằng, việc đảm bảo an toàn sinh học, cấp mã số vùng nuôi là cái đích hướng đến, không chỉ để đáp ứng yêu cầu của phía Trung Quốc nếu có mà còn phục vụ thị trường trong nước và đảm bảo an toàn cho chính người chăn nuôi.

Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình, sau dịch tả châu Phi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có thể sẽ chuyển hướng. Trong khi đó, các đơn vị có tiềm lực tài chính, nắm vững kỹ thuật và có khả năng đảm bảo an toàn sinh học sẽ có cơ hội chuyển mình và đáp ứng được các yêu cầu từ phía Trung Quốc.

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất