Nuôi thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long. |
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản giảm so với tháng 10/2018 do xuất khẩu sang hầu hết các thị trường lớn giảm. Chẳng hạn, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong tháng 10 giảm 19,7%, sang EU giảm 13,8%, sang Hàn Quốc giảm 16,9%…
Trong 10 thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam, trong tháng 10, chỉ có Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc là có sự tăng trưởng.
Trong đó, nếu như Nhật Bản và Đài Loan chỉ tăng nhẹ, thì Trung Quốc lại tăng rất mạnh, với mức tăng tới 36,3% so với tháng 10/2018.
Nhờ tăng trưởng như trên, Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 10/2019, đạt 145,07 triệu USD. Các thị trường lớn tiếp theo trong tháng 10/2019 gồm Nhật Bản, Mỹ, EU, Hàn Quốc…
Không chỉ tăng mạnh trong tháng 10, trong Top 10 thị trường lớn nhất, Trung Quốc cũng đang là thị trường có sự tăng trưởng tốt nhất về giá trị thủy sản xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm nay, với mức tăng 16,9% và đạt 976 triệu USD.
Sự tăng trưởng của thị trường Trung Quốc bỏ xa mức tăng của những thị trường đứng tiếp theo như Đài Loan (tăng 9,8%), Nhật Bản (7,6%), Úc (6,8%)…
Đặc biệt, sự tăng trưởng tốt như trên của thị trường Trung Quốc càng có ý nghĩa khi hàng loạt thị trường quan trọng trong Top giảm về giá trị xuất khẩu thủy sản trong 10 tháng đầu năm: Mỹ giảm 7,2%; EU giảm 12,8%; Hàn Quốc giảm 8,7%; Canada giảm 5,3% và Hồng Kông giảm 13,5%.
Nhờ vậy, xuất khẩu thủy sản 10 tháng tuy giảm so với cùng kỳ 2018, nhưng mức giảm không nhiều. Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu thủy sản đạt 7,06 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sơ chế thủy sản. |
Theo bà Lê Hằng, Phó giám đốc VASEP PRO, các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra và cá ngừ đang có nhiều cơ hội tăng trưởng tốt về xuất khẩu sang Trung Quốc trong những tháng cuối năm nay.
Về tôm, từ tháng 5/2019 đến nay, nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc từ Việt Nam cao hơn trước đó. Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng đã bắt kịp những quy định, yêu cầu mới từ Trung Quốc, nên xuất khẩu tôm sang thị trường này đã liên tục đạt được các mức tăng trưởng dương.
Trong tháng 10 vừa rồi, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt mức tăng trưởng tới 20,4% (đạt 56,3 triệu USD). Đây là mức tăng trưởng tốt nhất trong số 6 thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam. Qua đó, đưa giá trị xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 438,6 triệu USD trong 10 tháng đầu năm, tăng 8,7% so với cùng kỳ.
Nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc đang tiếp tục tăng lên để phục vụ Tết Nguyên đán, do đó, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc dự báo duy trì được mức tăng trưởng tốt trong những tháng cuối năm.
Nhu cầu nhập khẩu cá tra của Trung Quốc cũng sẽ tăng trong những tháng cuối năm. Từ đầu năm đến hết tháng 10, giá trị cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc – Hồng Kông đã tăng 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt trên 550 triệu USD. Dự kiến trong cả năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường này có thể tăng 20% so với nằm 2018.
Nếu tiếp tục giữ được đà tăng trưởng tốt trong thời gian còn lại của năm, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc trong năm nay hoàn toàn có thể vượt kỷ lục 1,2 tỷ USD trong năm 2018.
Và với giá trị xuất khẩu đã đạt gần 1 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, chắc chắn năm nay, Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường tỷ đô của thủy sản Việt Nam, bên cạnh các thị trường Mỹ, Nhật Bản và EU.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, sau khi đã ổn định lại được việc xuất khẩu sang Trung Quốc theo các quy định mới và đẩy mạnh chính ngạch, trong thời gian tới, giá trị xuất khẩu thủy sản sang nước này có thể vượt mốc 2 tỷ USD.