Tất bật chăm sóc lúa
Những ngày giáp Tết trên các cánh đồng sản xuất lúa đông xuân ở tỉnh Phú Yên đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh, nông dân tất bật ra đồng cấy dặm, bón phân và phòng trừ sâu bệnh hại.
Nông dân Đặng Trừ, ở thôn Phước Bình Bắc, xã Hòa Thành (thị xã Đông Hòa) cho biết, vụ đông xuân năm nay, ông gieo sạ 1,5 ha lúa. Sau hơn 1 tuần gia đình huy động các thành viên ra đồng cấy dặm đến nay cơ bản đã thực hiện xong. Tuy nhiên qua thăm đồng, ông phát hiện ruộng lúa của gia đình bị chuột cắn phá, ốc bươu vàng gây hại nhẹ.
Trước tình hình trên, để chủ động phòng trừ, ông dùng các bẫy kẹp để đánh chuột, đồng thời dùng bao vây quanh ruộng ở những nơi gần đường đi của chuột. Ngoài ra, ông còn dùng thuốc để diệt chuột, trị ốc bươu vàng và bệnh bọ trĩ nhằm giúp cây lúa phát triển tốt.
Tương tự, nông dân Nguyễn Văn Đông, ở xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa, những ngày này cũng liên tục ra đồng chăm sóc và phòng trừ chuột cắn phá ruộng lúa nhà mình.
Ông Đông cho biết, vừa qua nhiều luống lúa của gia đình trong giai đoạn đẻ nhánh bị chuột cắn phá. Vì vậy nếu ông không tìm mọi cách diệt chuột, nguy cơ sẽ ảnh hưởng đến năng suất.
“Mấy ngày qua, ngoài làm hàng rào nilon bao quanh ruộng, tôi còn kết hợp bẫy kẹp và nhiều biện pháp sinh học để ngăn phá hoại”, ông Đông chia sẻ.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh gieo sạ hơn 26.500ha lúa. Hiện cây lúa đang bị các tác nhân gây hại. Trong đó, chuột gây hại tổng diện tích hơn 370ha, ốc bươu vàng gây hại hơn 47ha, bọ trĩ gây hại hơn 150ha, sâu cuốn lá nhỏ và tuyến trùng rễ gây hại 5,7ha…
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, để quản lý tốt dịch bệnh, chi cục đã có văn bản hướng dẫn các địa phương chăm sóc và phòng chống sinh vật gây hại cây trồng. Đồng thời, Sở NN-PTNT cũng khuyến cáo nông dân khi phun thuốc trừ sâu bệnh không nên pha trộn với các loại phân bón lá nhằm hạn chế bệnh bộc phát. Khi sử dụng thuốc hóa học, nông dân nên phun luân phiên các loại thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn như: Beam 75 WP, Flash 75 WP, Filia 525 SE… tránh sử dụng liên tục một loại thuốc sẽ làm cho bệnh kháng thuốc.
Không lơ là đồng ruộng
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên mới đây đã có văn bản hướng dẫn chăm sóc và phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Trong đó, đối với công tác chăm sóc cây lúa, Chi cục đề nghị phòng NN-PTNT hoặc phòng Kinh tế và Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn và vận động nông dân tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ tại chỗ (đã ủ hoai mục) để bón ruộng, cải tạo độ phì nhiêu của đất, lượng bón 5 - 10 tấn/ha; hoặc sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ vi sinh theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Đồng thời, khuyến cáo nông dân sử dụng tro bếp để bón ruộng, vừa cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây, vừa tăng khả năng chống rét cho cây lúa.
Bón phân cân đối, hợp lý, kết hợp cấy dặm, làm cỏ và phòng, chống sinh vật gây hại. Khi trời lạnh, nhiệt độ xuống thấp, ngoài việc bón thúc phân khi trời nắng ấm, giữ ruộng luôn có nước, có thể sử dụng các loại phân bón qua lá để tăng khả năng chống chịu rét.
Khi cây lúa được 30 - 32 ngày, có thể tháo cạn nước để hạn chế đẻ nhánh vô hiệu, giải thoát khí độc trong đất, kích thích rễ ăn sâu ...
Bên cạnh đó, các địa phương và cơ quan chuyên môn cần tăng cường kiểm tra, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống sinh vật gây hại. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các chương trình Quản lý sinh vật gây hại tổng hợp (IPM), Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), “Ba giảm ba tăng”, “Một phải năm giảm”, “Công nghệ sinh thái”.
Tập trung quản lý cỏ dại, chuột và ốc bươu vàng ngay từ đầu vụ; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp diệt cỏ, chuột và ốc bươu vàng hiệu quả để nông dân biết, thực hiện.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa, các đối tượng sinh vật gây hại để chủ động quản lý kịp thời, hiệu quả. Các địa phương vận động nông dân thường xuyên thăm đồng giai đoạn trước, trong và sau Tết.