| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Quảng Trị bủa ra đồng chăm sóc lúa xuân trong giá rét

Thứ Năm 02/02/2023 , 16:15 (GMT+7)

Ngay từ ngày mùng 3 Tết Nguyên Đán, nông dân Quảng Trị đã ra đồng chăm sóc lúa đông xuân. Năm nay, thời tiết đẹp, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt.

Tranh thủ những ngày nắng đẹp, ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão, nông dân Quảng Trị đã tập trung ra đồng chăm sóc lúa đông xuân.

Bà Dương Thị Quế, thôn 5, xã Thanh An, huyện Cam Lộ, cho biết, vụ đông xuân năm nay, gia đình bà gieo 4 sào lúa theo đúng khung lịch thời vụ. Nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, xen kẽ giữa những ngày mưa rét có nắng ấm nên cây lúa bén rễ, hồi xanh, phát triển tốt. Hiện tại, trên cây lúa chưa xuất hiện sâu bệnh gây hại.

Empty

Nông dân Quảng Trị tập trung chăm sóc lúa đông xuân. Ảnh: Võ Dũng.

Dịp Tết, nông dân xã Thanh An vẫn duy trì việc thăm đồng, chăm sóc lúa bởi đây là thời điểm cây lúa sinh trưởng, đẻ nhánh mạnh. Bà con ở đây đã ra đồng từ ngày mùng 3 Tết. Công việc của nông dân trong những ngày này chủ yếu là lấy nước vào ruộng để giữ ấm; một số hộ tỉa dặm, bón phân thúc cho cây lúa.

“Vừa tỉa dặm lại để đảm bảo mật độ kết hợp kiểm tra sâu bệnh, tôi vừa điều chỉnh lại mực nước trong ruộng để giữ ấm cho cây lúa. Năm nay, thời tiết thuận lợi, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hi vọng nông dân Quảng Trị sẽ có một vụ mùa bội thu”, bà Quế phấn khởi.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, tại một số vùng của huyện Cam Lộ và các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh có một số diện tích lúa bị chết rét hoặc ngập úng khiến cây lúa phát triển kém. Nông dân đang tích cực tìm mạ cấy lại để khép kín diện tích.

Bà Phan Thị Linh, thôn Định xá, xã Cam Hiếu (huyện Cam Lộ) có 5 sào lúa gieo thì cả 5 sào đều bị chết rét. Đến ngày 31/1, gia đình bà đã tập trung nhân lực đi xin mạ về cấy lại để khỏa lấp diện tích.

“Ruộng gia đình tôi sâu trũng nên bị ngập úng, cây lúa bị chết không thể khắc phục được. Vài ngày nữa toàn bộ diện tích này sẽ được cấy lại”, bà Linh chia sẻ.

Theo thống kê, đến thời điểm này, toàn huyện Cam Lộ đã gieo cấy được trên 1,7 nghìn ha lúa (100% kế hoạch). Những cây trồng khác như sắn, ngô, rau màu các loại… cũng được gieo trồng đúng tiến độ.

Empty

Một số diện tích lúa đông xuân bị chết rét và ngập úng được cấy lại. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Bùi Như Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Định (huyện Hải Lăng) cho biết, mưa lớn kết hợp với nước sông dâng cao đã làm việc tiêu thoát nước trên đồng ruộng bị ảnh hưởng.

Trước tình hình đó, các HTX đã tăng cường máy bơm để tiêu úng, tập trung máy móc để đẩy nhanh tiến độ làm đất nhằm đảm bảo gieo cấy tập trung theo lịch thời vụ. Đến trước Tết Nguyên Đán, toàn xã cũng chỉ mới gieo cấy được hơn 575ha lúa, đạt 74% tổng diện tích, tập trung chủ yếu ở các HTX Phước Điền và Trung Đơn. Còn khoảng 200ha tại các HTX Thiện Tây và Tiền Phong Đông do ngập úng sâu nên sau Tết Nguyên Đán nông dân mới tập trung tiêu úng, làm đất để xuống giống nhằm đảm bảo tiến độ đề ra.

Từ trước Tết Nguyên Đán, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo phòng nông nghiệp các địa phương tham mưu UBND các huyện hướng dẫn, tuyên truyền để nông dân gieo trồng đúng khung lịch thời vụ, thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại đúng quy trình.

Trong những ngày Tết Nguyên Đán, các xã, thị trấn đã chỉ đạo các HTX cử cán bộ duy trì lịch kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh như chuột, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá, rầy lưng trắng… trên cây lúa và bệnh khảm lá trên cây sắn. Đây những loại sâu bệnh đáng chú ý nhưng đến thời điểm này chưa phát sinh gây hại.

Empty

Nông dân Quảng Trị làm đất gieo trồng vụ đông xuân đảm bảo tiến độ và kế hoạch đề ra. Ảnh: Võ Dũng.

Hiện nay, tranh thủ thời tiết nắng ấm, nông dân các địa phương trên địa bàn tỉnh đang đồng loạt ra đồng dặm tỉa, làm cỏ, bón phân thúc đẻ nhánh cho cây lúa, chăm sóc hoa màu để đảm bảo phát hiện và phòng trừ sớm các loại sâu bệnh gây hại.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị, tính đến ngày 31/1/2023, địa phương này đã hoàn thành gieo cấy gần 25,5 nghìn ha lúa (100% kế hoạch). Các địa phương cũng đã gieo trồng được 1,6 nghìn/4 nghìn ha ngô; 670ha/3 nghìn ha lạc; 5,7 nghìn/10,5 nghìn ha sắn… Với diện tích cây trồng vụ đông còn lại, nông dân hiện đang tập trung làm đất để gieo trồng.

“Sáng nay chúng tôi vừa đi thăm đồng. Cây lúa phát triển tốt. Sợ nhất là bệnh đạo ôn nhưng thời điểm này chưa có, kể cả giống mẫn cảm nhất. Thời điểm này, nông dân cần bón phân thúc đẻ sớm và tỉa dặm để đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Nông dân cũng cần thường xuyên thăm đồng để sớm phát hiện sâu bệnh phòng trừ kịp thời”, ông Bùi Phước Trang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị khuyến cáo.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, những ngày gần Tết Nguyên Đán, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa trên diện rộng, gây ngập úng khoảng 540ha lúa, kết hợp với trời rét đậm đã làm diện tích này sinh trưởng và phát triển chậm. Đến nay, nông dân Quảng Trị đang huy động lực lượng tiêu úng, gieo lại trên diện tích bị thiệt hại.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.