| Hotline: 0983.970.780

Vùng cao ẩn chứa nhiều rủi ro dịch bệnh

Thứ Ba 09/04/2024 , 07:30 (GMT+7)

Thói quen chăn thả đã ăn sâu, điều kiện địa hình bất thuận, nhận thức và tiềm lực còn hạn chế là những rào cản trong lĩnh vực chăn nuôi tại vùng cao Nghệ An.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin cho vật nuôi thấp là nguyên nhân chính dẫn đến lây lan dịch bệnh. Ảnh: Việt Khánh.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin cho vật nuôi thấp là nguyên nhân chính dẫn đến lây lan dịch bệnh. Ảnh: Việt Khánh.

Nghệ An đất rộng người đông, địa hình phân chia 3 vùng riêng biệt (núi cao, đồng bằng và miền biển). Trong đó, khu vực miền núi tụt lại khá xa so với mặt bằng chung. Vùng này giao thông, địa hình bất thuận, trình độ và tiềm lực của số đông đồng bào còn nhiều hạn chế, thành thử đời sống thường nhật còn lắm vất vả, gian nan.

Không nghề ngỗng ổn định, lại thiếu đất canh tác trầm trọng nên chăn thả gia súc là lựa chọn hàng đầu. Dù vậy, nghề này thực sự bấp bênh khi đối diện quá nhiều rào cản, riêng dịch bệnh luôn là mối đe dọa thường trực.

Đây là vấn nạn chung của vùng cao Nghệ An, đặc biệt là các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong. Dù ngành NN-PTNT, cơ quan thú y chuyên ngành và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều phương án hòng sớm tháo gỡ nút thắt, tuy nhiên rất khó để đảo chiều chỉ trong ngày 1 ngày 2.

Diễn biến dịch bệnh mới đây tại huyện Kỳ Sơn là minh chứng rõ nét nhất. Nội trong 2 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận bệnh tụ huyết trùng tại bản Xốp Xằng (xã Mường Ải), bản Phia Khoáng, Huồi Lau (xã Bảo Nam). Bệnh lở mồm long móng tại bản Na Mỳ (xã Mường Típ). Dịch tả lợn Châu Phi tại bản Hạt Tà Vén, Huồi Khuôn 1 (xã Keng Đu).

Dịch bệnh ập đến làm chết con bò 650kg của ông Moong Bá Hon, tương tự là các hộ Moong Bá Đầm, Hoa Văn Sung, Moong Phò Bu, nhà nào cũng có 1 con bò chết. Riêng nhà Moong Hoài Dũng chết đến 3 con dê, nhà Moong Văn May chết 1 con dê, nhà Hoa Phò Điểm 1 con trâu…

Đồng bào miền núi tại địa bàn Nghệ An vẫn duy trì thói quen thả rông gia súc trong rừng. Ảnh: Việt Khánh.

Đồng bào miền núi tại địa bàn Nghệ An vẫn duy trì thói quen thả rông gia súc trong rừng. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn thừa nhận thực trạng khốn khó: “Đặc thù của Kỳ Sơn khác với những địa bàn khác, đồng bào nơi đây chuyên thả rông gia súc, các trang trại lại nằm xa khu dân cư, tít trong rừng sâu, do đó thường không phát hiện dịch bệnh kịp thời. Tựu chung công tác xử lý gặp nhiều khó khăn, đàn này trà trộn đàn kia kéo theo nguy cơ lây lan trên diện rộng rất lớn.

Để tháo gỡ nút thắt không thể trông cả vào cơ quan chuyên môn, nhất là trong bối cảnh thiếu hụt biên chế sau nhiều lần tách, nhập, ngược lại cần sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các bên liên quan nhằm chia sẻ gánh nặng.

Về yếu tố khách quan, lớp thanh niên vốn là lao động chính đa phần đi làm xa, người già ở nhà quán xuyến nhưng sức khỏe lại không đảm bảo, không thể vào rừng thường xuyên để kiểm tra diễn biến tổng đàn, rủi ro tăng cao phần nhiều từ đây mà ra”.

Ông Thò Bá Rê thông tin thêm, bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn thực thi của cơ quan thú y, huyện Kỳ Sơn đã tập trung triển khai các biện pháp chuyên môn, bao gồm tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi. Tuy nhiên, do nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, lực lượng thú y và cán bộ chính quyền cấp xã chưa thực sự quyết liệt nên tỷ lệ tiêm phòng chưa cao.

Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, việc người dân chưa chú trọng tiêm phòng cho vật nuôi là một nhẽ, thực tế cho thấy nhu cầu vacxin được cấp vốn dĩ như muối bỏ bể. “Vừa yếu lại vừa thiếu”, nói nghề chăn nuôi ở miền núi Nghệ An chông chênh như “đánh bạc” quả thực không sai.

Ông Nguyễn Viết Lương, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An) nói rõ thực trạng: “Ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng được 30 - 40% vacxin tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm miền núi, kéo theo nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh rất cao, đặc biệt là lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục. Tại khu vực miền núi, thói quen thả rông gia súc trên rẫy rất đáng lo, đôi khi chỉ một con phát bệnh có thể phát sinh ra cả đàn”.

Điều kiện nuôi nhốt chưa đảm bảo khiến công tác chăn nuôi tại khu vực vùng cao Nghệ An gặp muôn vàn khó khăn, thách thức. Ảnh: Tâm Phùng.

Điều kiện nuôi nhốt chưa đảm bảo khiến công tác chăn nuôi tại khu vực vùng cao Nghệ An gặp muôn vàn khó khăn, thách thức. Ảnh: Tâm Phùng.

Đánh giá tổng quan công tác quản lý và phòng chống dịch bệnh chăn nuôi trên địa bàn và toàn vùng, ông Lê Đình Huệ, Chi Cục trưởng Chi cục Thú y vùng III khẳng định, giải pháp tốt nhất, đồng thời mang tính dài hơi là tiến tới áp dụng quy trình an toàn sinh học, xây dựng các chuỗi liên kết khép kín. Xét tình hình trước mắt, tiêm phòng vacxin là ưu tiên số 1.

Theo ông Huệ, hiện tại một số bệnh truyền nhiễm đã có vacxin phòng chống, hiệu quả thực tế khá tốt, tuy nhiên tỷ lệ tiêm phòng tại các địa phương còn thấp, nhất là khu vực vùng cao. Điều này phần lớn đến từ ý thức chấp hành của người dân, đan xen quá trình chỉ đạo thiếu quyết liệt của các cấp chính quyền địa phương.

Xem thêm
Bảo toàn đàn vật nuôi giữa nắng nóng kỷ lục

BÌNH ĐỊNH Đang trong giai đoạn nắng nóng cao độ kỷ lục, người chăn nuôi tại Bình Định áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo toàn sức khỏe đàn vật nuôi.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.