Từ tháng 10/2021 đến nay, thế giới ghi nhận nhiều đợt bùng phát dịch cúm gia cầm có sức càn quét khủng khiếp. Dịch xuất hiện tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, hệ quả làm hàng trăm triệu con gia cầm chết hoặc bị tiêu hủy. Virus thậm chí lây lan sang cả động vật có vú, điều này khiến các chuyên gia e ngại về nguy cơ biến chủng và bùng phát thành đại dịch.
Thực tế dịch cúm gia cầm đã khiến nhiều nước lao đao, tại Mỹ khoảng 50,5 triệu con gia cầm nhiễm bệnh, qua đó giảm đến 30% tổng đàn gà đẻ trứng, giảm nghiêm trọng doanh thu xuất khẩu mặt hàng này; tại Canada có 7,2 triệu con gia cầm bị chết và tiêu hủy, con số này tại Nhật Bản tăng lên 17 triệu con, số lượng quá lớn nhưng thiếu không gian xử lý nên việc tiêu hủy thực sự gian nan…
Việt Nam được xem là điểm nóng của cúm gia cầm. Virus thể độc lực cao A/H5N1 đã lưu hành trên đàn gia cầm nước ta từ đợt dịch đầu tiên vào năm 2003, từ đấy đến nay gây thiệt hại trên 20% tổng đàn gia cầm (45 triệu con bị chết hoặc tiêu hủy). Hiện ghi nhận 3 chủng virus độc lực cao A/H5N1, A/H5N6 và A/H5N8 gây bệnh.
Đặt ra mục tiêu kiểm soát, khống chế kịp thời, không để dịch cúm gia cầm xảy ra và lây lan trên diện rộng, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt, ban hành 2 Quyết định số 1116/QĐ-UBND và 1620/QĐ-UBND làm bàn đạp thực hiện.
Một mặt luôn nêu cao tính chủ động trong mọi tình huống, đặc biệt là tập trung ngăn chặn, không để các nhánh, các chủng virus mới, nguy hiểm xâm nhiễm và lây lan. Để làm được đòi hỏi sự nhập cuộc quyết liệt của tất cả các bên liên quan, nhất là ý thức của chủ thể trực tiếp chăn nuôi. Bên cạnh đó phải làm tốt công tác tiêm phòng, phấn đấu đạt tối thiểu 80% tổng đàn.
Từ định hướng chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An và Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã thể hiện tốt vai trò đầu tàu, góp phần triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch năm 2023.
Chi cục đã tổ chức 6 đợt lấy mẫu giám sát chủ động lưu hành vi rút tại các chợ và điểm thu gom chuyên buôn bán gia cầm trên địa bàn 7 huyện (Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Nghi Lộc và thị xã Hoàng Mai). Qua phân loại có 560 mẫu Swab hầu họng và mẫu phân, sau gộp thành 112 mẫu. Kết quả có 15 mẫu dương tính với CGC A/H5N1 (chiếm 13,39%)…
Khi dịch xảy ra, lãnh đạo Sở NN-PTNT, Chi cục Thú y vùng 3, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra các ổ dịch và phối hợp với UBND cấp huyện, UBND xã khẩn trương triển khai các giải pháp chống dịch theo đúng quy trình kỹ thuật. Qua thống kê, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp 91.600 liều vacxin cúm gia cầm và 938 lít hóa chất để các huyện chống dịch, nhờ đó tạo chuyển biến căn cơ trong năm 2023.
Bằng chứng, xuyên suốt cả năm toàn tỉnh chỉ ghi nhận 4 ổ dịch cúm gia cầm, rải rác tại thành phố Vinh, huyện Yên Thành và Hưng Nguyên, số lượng chết và hủy khoảng 6.800 con, tỷ lệ cực kỳ “nhỏ giọt” so với tổng đàn hơn 33 triệu con mà Nghệ An đang có.
Đánh giá khách quan công tác quản lý và xử lý dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn Nghệ An đang đi đúng hướng, tình hình cơ bản luôn trong tầm kiểm soát. Ngược lại vẫn tồn tại những rào cản nhất định đến từ sự tắc trách của người nuôi (chủ yếu chăn nuôi nông hộ, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh; người nuôi chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho đàn gia cầm, đặc biệt là tiêm phòng vắc xin; phổ biến tình trạng mua gia cầm giống không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch). Đáng lưu ý, một số sơ cở cấp huyện, xã chưa làm tròn nhiệm vụ, vô hình trung tạo ra áp lực lên cơ quan chuyên ngành.