| Hotline: 0983.970.780

Vùng đất linh thiêng: Đền Suối Tiên và những điều huyền bí

Thứ Tư 01/10/2014 , 09:15 (GMT+7)

Giữa một vùng núi đất phía Tây sông Chảy nhô lên một hòn núi đá cô đơn, từ dưới chân núi phun ra một dòng suối trong vắt, quanh năm không bao giờ cạn, người dân gọi là Suối Tiên./ Chùa trong hang núi

Không biết tự bao giờ mỗi năm Tết đến mọi gia đình trong vùng đều tới đây cúng tế Tiên Cô đã có công trừ tai hoạ cho nhân dân trong vùng. Phủ quanh đền Suối Tiên là những câu chuyện huyền bí từ chính người dân kể lại...

Đứng trên đỉnh dốc Thắm nhìn xuống xã Tô Mậu, huyện Lục Yên (Yên Bái), giữa một vùng núi đất trập trùng người ta thấy nhô lên một ngọn núi đá, từ chân quả núi phun ra dòng suối trong xanh nhìn thấu tận đáy, người dân gọi là Pó Tiên, dịch từ tiếng Tày nghĩa là Suối Tiên.

Sự tích đền Suối Tiên được người dân kể lại rằng: Xửa xưa, thấy nơi đây cây cối tốt tươi, hoa nở bốn mùa, chim ca, bướm lượn khắp rừng lại thêm dòng suối trong mát chảy ra từ chân núi nên chiều chiều bảy nàng tiên từ trên trời xuống tắm mát đùa vui.

5145622332
Pó Tiên, Suối Tiên chảy từ trong núi ra

Trong bản có chàng Chạ, mồ côi cha mẹ từ nhỏ hàng ngày vào rừng đốn củi thuê, biết các nàng tiên bay lên trời nhờ đôi cánh, nên Chạ đã giấu đôi cánh của nàng Tiên thứ bảy. Do không có cánh nàng Tiên không thể bay về trời được.

Chạ rủ về nhà mình nghỉ, thương cảnh Chạ côi cút nghèo khó nàng Tiên đem lòng yêu thương và họ kết duyên vợ chồng. Sau khi trở thành vợ Chạ, nàng Tiên bày cho dân bản biết khai hoang ruộng nước cấy lúa, trồng bông dệt vải may áo quần, đan lưới bắt cá dưới sông Chảy...

Hai người lấy nhau sinh được hai con. Khi nàng Tiên đi làm thì Chạ ở nhà trông con, thấy con khóc Chạ không dỗ được bèn mang đôi cánh tiên cho hai con chơi và tập bay nên được chúng thích thú, đến khi vợ sắp về Chạ giấu vào dưới gầm bồ thóc.

Khi Chạ đi làm hai con ở nhà với mẹ, thấy con khóc dỗ mãi không nín nàng Tiên hỏi sao ở nhà với bố không khóc mà ở nhà với mẹ lại khóc? Chúng mới chỉ cho mẹ nơi Chạ giấu đôi cánh tiên mà hàng ngày bố chúng thường mang ra cho chúng chơi.

Lúc này nàng Tiên vỡ lẽ ra, một hôm nàng dặn hai con: Mẹ là người nhà trời không thể ở dưới trần gian được, khi nào bị bố đánh thì hai con gọi mẹ, mẹ sẽ thả hai sợi chỉ một đỏ một trắng, các con bám lấy sợi chỉ đỏ mẹ sẽ kéo lên trời với mẹ.

Một hôm vì giận hai con đã chỉ nơi cất giấu đôi cánh tiên nên Chạ quát mắng chúng. Bị mắng chửi, hai đứa trẻ tủi thân khóc ầm lên, chúng nhớ lời mẹ dặn chạy ra ngoài sàn gọi mẹ. Nghe tiếng con khóc nàng Tiên bèn thả hai sợi chỉ xuống, hai đứa trẻ bám vào sợi chỉ đỏ được nàng Tiên kéo lên trời. Thấy vậy Chạ chạy ra vội bám vào sợi chỉ trắng leo lên, sợi chỉ đứt Chạ rơi xuống đất.

Sau khi vợ Chạ về trời, nhớ công lao của nàng, dân bản lập đền thờ ngay cạnh Pó Tiên, gọi nàng là: Hoàng y Tiên cô, hay Nàng Tiên áo vàng núi Thắm.

Lại có người kể rằng: Trên núi Thắm có một con yêu quái đầu rắn mình rồng. Hàng năm dân bản phải cúng tế cho nó một trai tân, gái trinh. Nếu năm nào không cúng tế thì con yêu quái kia nổi giận gây ra mưa bão, lụt lội, dịch bệnh, mất mùa... cuộc sống của người dân vô cùng điêu linh, khốn khổ.

Tiếng kêu than của người dân thấu tới Thiên Đình, Ngọc Hoàng mới phái nàng Tiên thứ bảy xuống giúp dân làng diệt trừ yêu quái. Nhớ công ơn nàng, người dân lập đền thờ dưới chân núi cạnh Pó Tiên.

6145622464
Đàn cá thần có trong Suối Tiên

Hàng năm vào những ngày lễ, Tết người dân trong vùng mang lễ vật tới đây cúng tế, cầu mong những điều tốt lành. Ban đầu ngôi miếu được dựng bằng tre nứa, người dân bắc sạp bày lễ vật lên các sạp dưới chân núi.

Bà Vũ Thị Lý 65 tuổi, công nhân lâm trường Lục Yên đã nghỉ hưu kể lại rằng: Năm 1970, khi gia đình tôi vào đây khai hoang thấy bên mó nước này có hai tàu cọ che hai bát hương cắt bằng tre đặt trên một tảng đá. Hỏi ra mới biết đây là Pó Tiên, dân bản hàng năm vẫn vào đây cúng tế...

31456229
Bà Vũ Thị Lý kể lại nơi người dân trước đây đặt lễ thờ cô Tiên

Do nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng và đời sống tâm linh của người dân, năm 2002 những công nhân Lâm trường Lục Yên là các bà: Vũ Thị Lý, Phạm Thị Thảo, Phạm Thị Thanh, Hoàng Thị Đủ và ông Lý Quang Cổ tự nguyện hưng công, quyên góp tiền của xây dựng đền. Sư trụ trì chùa Tháp Bảo là Thích Đàm Hạnh Thường được mời tới đặt móng và bốc bát hương.

Ông Phùng Thu Công, nguyên cán bộ Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam tỉnh Yên Bái kể rằng: "Vợ chồng tôi thường đi lễ đền lễ chùa. Năm 2003, vợ tôi là Phạm Thị Mùi, cán bộ Cty Quản lý đường bộ II Yên Bái lên Tô Mậu kiểm tra việc bảo dưỡng đường được cô Vũ Thị Hoà dẫn vào làm lễ trong đền Suối Tiên.

Khi quay ra thấy một đàn bướm rừng mấy trăm con chúng bay lượn như múa rồi đậu trên tảng đá giữa suối trên đường vào đền xếp hình như hoa rừng vô cùng sặc sỡ, như sự linh ứng nào đó.

4145622182
Vợ chồng ông Công - bà Mùi kể chuyện quyên góp tiền xây dựng đền

Được biết ngôi đền quá nhỏ bé vợ chồng tôi đi quyên góp được 30 triệu đồng lên Tô Mậu xin phép chính quyền địa phương xây dựng lại đền. Buổi sáng làm lễ động thổ trời mưa như trút, mọi người ướt hết quần áo còn vợ tôi đứng làm lễ thì không ướt mới lạ chứ(!?). Khi đang xây dựng dở dang thì xã đình chỉ xây dựng, tôi mang số tiền còn lại cung tiến đúc chuông chùa Vạn Thắng...".

Năm 2012 trong một lần lên Lục Yên công tác, ông Công vào đền Suối Tiên thắp hương. Qua sự chắp mối của ông với một số nhà thầu xây dựng và các Cty khai thác đá trắng huyện Lục Yên, đền Suối Tiên được xây dựng lại trên nền đất cũ.

1145710210
Đường vào đền Suối Tiên

Ông Nguyễn Quang Long, Phó Trưởng phòng Văn hoá huyện Lục Yên, thuật lại: Cạnh đền Suối Tiên có một dòng suối nhỏ chảy từ chân núi Thắm ra, nước ở đây không nhiều, người ta quan sát khi nào dòng suối chuyển sang màu vàng là khi đó trong xã có nhiều người ốm đau và gặp tai nạn, toàn là những thanh niên trẻ khoẻ, như: Tai nạn xe máy, đột tử hay té ngã do đá núi xô...
Sau khi đền được xây dựng thì mọi chuyện mới yên ổn, trong xã cũng không còn lục đục nữa. Nghe người dân nói vậy, thực hư không rõ thế nào. Nhưng người dân ở đây cảm thấy hài lòng khi xây dựng đền Suối Tiên...

Ông bảo: "Như là người có cơ duyên nên Tiên Cô chọn vợ chồng tôi làm người chắp mối xây dựng lại đền. Sau đó đền Suối Tiên được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử - Văn hoá...".

Mọi chuyện ông Công kể, tôi cũng biết vậy. Không biết thực hư ra sao.

Mọi người còn kể nhiều chuyện ly kỳ nữa.

Đó là, khi tiến hành xây đền, bà H có đất cạnh đền mè nheo vì chuyện đền bù, lễ rằm tháng hai năm nay, sau khi lễ tạ xong mọi người đang thụ lộc thì cô Quách Thị Dung là người có căn số nặng đột nhiên nói: Tôi là D đây (ông D là chồng bà H đã mất) chỉ vào bà H: Tôi chưa siêu thoát được là bởi Tiên Cô trong đền giữ lại hai vía là tại bà còn mè nheo chuyện đền bù đất cát. Bà cũng sắp đi rồi đấy. Các người ăn uống mà không mời tôi...

Mọi người hoảng hốt, bởi cô Dung có uống rượu bao giờ đâu, vậy mà hôm ấy uống 5-6 chén rượu mọi người mời, rồi hút mấy điếu thuốc lào, miệng vẹo sang một bên.

Điệu bộ y như khi ông D lúc còn sống. Sau hôm đó bà H ốm liệt giường rồi mất.

Chuyện này thì nhiều người kể, đầu năm 2014, một cán bộ có chức sắc của huyện Lục Yên đưa vợ tới thăm đền phát tâm công đức đôi cây đèn thờ.

Bà Hoàng Thị Đủ sau khi làm lễ xong, mọi người ra khỏi đền, thì vợ của vị cán bộ kia cứ quỳ trong đền cười khanh khách.

Biết là Tiên Cô nhập vào người đó, bà Đủ mới thắp hương xin cho, sau đó thì chị ta lăn đùng ra đất mặt tái mét như người bị cảm...

Xem thêm
Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình

Báo Nông nghiệp Việt Nam giới thiệu bài viết của Thủ tướng Phạm Minh Chính đầu năm mới 2025, cùng mong muốn đất nước phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng.

Xuất khẩu gạo lập kỳ tích vượt 9 triệu tấn và 5 tỷ USD

Xuất khẩu gạo gây ấn tượng mạnh mẽ cả về lượng và kim ngạch trong năm 2024 khi thiết lập những cột mốc lịch sử cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Một ngư dân mất tích khi đang đánh cá trên biển

Quảng Trị Trong lúc thả neo, ngư dân Nguyễn Văn Tuấn bị dây neo vướng vào chân, rơi xuống biển mất tích. Các thuyền viên đã tích cực tìm kiếm nhưng đến nay vẫn chưa thấy.