| Hotline: 0983.970.780

Vùng hạn mặn ĐBSCL và bài toán chuyển đổi đất lúa?

Thứ Ba 21/03/2017 , 08:01 (GMT+7)

Trong cái nắng oi ả của mùa khô ĐBSCL, tôi tìm về các huyện vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, nơi từng gánh chịu hậu quả nặng nề của đợt hạn mặn lịch sử hồi năm ngoái...


Biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, gia tăng xâm nhập mặn đang gây ra những thách thức to lớn với nghề trồng lúa buộc nông dân phải chuyển đổi sản xuất để thích ứng
 

Trong cái nắng oi ả của mùa khô ĐBSCL, tôi tìm về các huyện vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, nơi từng gánh chịu hậu quả nặng nề của đợt hạn mặn lịch sử hồi năm ngoái, làm hàng chục ngàn ha lúa bị mất trắng. Những hộ nông dân nơi đây đang gượng dậy, khôi phục sản xuất để giải quyết nợ nần.
 

Một năm mất mùa, ba năm trả nợ

Ông Danh Mỹ, ở xã Nam Yên, huyện An Biên, có 10 công đất lúa bị thiệt hại trong mùa khô năm rồi, ôm cục nợ tiền đầu tư mua giống, phân, thuốc BVTV hơn 20 triệu đồng. Năm nay thời tiết thuận lợi hơn, vụ lúa đông xuân đã thu hoạch xong, đất đã được cày ải, đang chờ mưa để làm vụ hè thu.

Anh Mỹ tâm sự: “Ở đây làm lúa 2 vụ mà cứ nơm nớp lo sợ, vì phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Cả gia đình chỉ trông chờ vào mảnh ruộng. Năm nào thời tiết thuận lợi thì đủ ăn. Còn hạn, mặn vào sớm là cầm chắc thua lỗ, thậm chí trắng tay. Vì vậy, để trả được món nợ cũ là cả vấn đề”.

Trưởng phòng NN-PTNT An Biên Ngô Trấn Hỷ cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi hơn, trời có mưa đều, cộng với việc chủ động đắp đập tạm ngăn mặn nên hầu hết diện tích đất lúa của huyện đều đã thu hoạch xong. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ phải tính tới việc chuyển đổi mới mong mang lại hiệu quả.

Tại huyện An Minh, sau đợt hạn, mặn lịch sử vừa qua, nhiều xã ven biển như: Đông Hòa, Thuận Hòa, Tân Thạnh... nông dân không thể lấp lại vụ lúa trong mô hình lúa – tôm. Làm theo mô hình này, ông dân rất cần có lúa để cải tạo môi trường nhưng mặn đã thấm sâu vào đất, lúa không sống nổi.

Ông Huỳnh Văn Khoa, ở ấp Mười Biển, xã Thuận Hòa, cho biết: “Cả vùng không nhà nào thu hoạch được lấy vài bao lúa. Trong khi trước đây cắt lúa cứ tính tấn. Gọi là mô hình lúa – tôm nhưng giờ thành chuyên thủy sản nước lợ rồi, chủ yếu là tôm sú và cua biển”.

Để thích ứng, huyện An Minh đã phải chuyển đổi hàng ngàn ha đất ven biển từ luân canh 1 vụ tôm, 1 vụ lúa thành đất chuyên nuôi trồng thủy sản.

Còn tại vùng Tứ giác Long Xuyên, khi đào kênh, thoát lũ, tỉnh Kiên Giang đã nỗ lực ngọt hóa vùng này càng nhiều càng tốt. Chính vì vậy, các cống thoát lũ, ngăn mặn đều được đưa ra sát biển, nhằm lấy nước ngọt làm lúa 2 vụ. Tuy nhiên, đến nay phải tính đến chuyện chuyển đổi.

Ông Đào Xuân Nha, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòn Đất cho biết, huyện đã có kế hoạch chuyển đổi 3.950 ha đất lúa ở các xã ven biển Bình Giang, Bình Sơn, Lình Huỳnh, Thổ Sơn sang mô hình luân canh lúa – tôm.

Cụ thể, năm 2016 đã có khoảng 1.000 ha được nông dân chuyển đổi sang mô hình này. “Việc chuyển đổi không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn mà còn đảm bảo bền vững hơn trước thách thức của biến đổi khí hậu. Vì vậy, nông dân rất hào hứng chuyển đổi”, ông Nha nói.
 

Cần hết sức cẩn trọng

Sau mùa hạn mặn năm 2015 – 2016, tình hình xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất lúa tại Cà Mau đã đến mức báo động. Hàng ngàn ha đất chuyên trồng lúa (làm hai vụ lúa/năm) tại các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình, U Minh và TP Cà Mau, với diện tích hơn 36.000 ha đã bị ảnh hưởng năng suất.

16-54-03_1-bien-doi-khi-hu-lm-nuoc-bien-dng-gi-tng-xm-nhp-mn-dng-gy-r-nhung-thch-thuc-to-lon-voi-nghe-trong-lu-buoc-nong-dn-phi-chuyen-doi-sn-xut-de-thich-ung-2
Biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, gia tăng xâm nhập mặn đang gây ra những thách thức to lớn với nghề trồng lúa buộc nông dân phải chuyển đổi sản xuất để thích ứng
 

Hiện trạng thủy lợi của tỉnh này, cơ bản chỉ có vùng ngọt hóa thuộc huyện Trần Văn Thời, với diện tích lúa khoảng 26.000 ha là đảm bảo được điều kiện ngăn mặn giữ ngọt để phát triển trồng hai vụ lúa. Diện tích đất còn lại chưa được khép kín, mặn ngọt theo hai mùa mưa nắng vẫn ảnh hưởng khá nặng nề tới khoảng 10.000 ha đất sản xuất lúa của bà con. Để thích nghi với điều kiện thực tế, tại một số địa phương người dân đã tự ý đưa nước mặn vào thực hiện mô hình tôm-lúa, với hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần.

Trước tình hình trên, Cà Mau đang xem xét cho thực hiện chuyển đổi đất lúa sang làm một vụ lúa, một vụ tôm. Cụ thể, tỉnh này đặt mục tiêu đến năm 2020 diện tích loại hình tôm-lúa có thể tăng từ 45.000 ha hiện tại lên khoảng 50.000 – 55.000 ha. Tuy nhiên, theo phân tích của ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, để chuyển đổi diện tích trồng lúa, sang thực hiện mô hình tôm-lúa cũng phải rất cẩn trọng.

Cà Mau đang phải đối mặt với thực tế khó, diện tích đất tôm-lúa đang bị thu hẹp và đẩy dần từ biển vào nội địa. Nguyên nhân, mô hình trên thiếu ngọt cũng không thực hiện được, mà thiếu mặn cũng không thực hiện được. Diện tích đất gần biển của tỉnh đang làm mô hình này bị mặn xâm nhập ngày càng cao, cây lúa không thể phát triển. Nhiều năm liền, bà con không thể triển khai vụ lúa trên đất nuôi tôm, buộc người dân phải chuyển qua mô hình nuôi tôm quảng canh, thả tôm quanh năm và hiệu quả nuôi giảm dần, mất đi tính bền vững của mô hình tôm-lúa.

Muốn giữ được hiệu quả chuyển đổi, ngoài phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên (lượng nước mưa phục vụ cho rửa mặn trồng lúa) cái cần hiện nay là thủy lợi. Thủy lợi phải đảm bảo cung cấp đủ nước mặn mùa nuôi tôm và thuận lợi rửa mặn ở vụ trồng lúa mới đáp ứng được yêu cầu.

“Mô hình tôm-lúa đã chứng minh được hiệu quả ở địa phương. Chúng tôi cũng muốn chuyển đổi để tăng hiệu quả kinh tế cho người dân, nhưng sẽ xem xét tính khả thi của từng vùng. Nơi nào đảm bảo điều kiện mới cho thực hiện chuyển đổi”, ông Sử nói.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cho biết, để phát triển nông nghiệp bền vững, An Giang thí điểm liên kết theo phương châm “4H” (hợp tác – hiện đại – hài hòa – hiệu quả). Tỉnh đã đề ra 4 định hướng tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo An Giang, gồm: Xây dựng và ổn định vùng sản xuất lúa giống 22.000 ha theo hướng thương mại giống lúa xác nhận, phục vụ nhu cầu giống cho các tỉnh ĐBSCL.

Quy hoạch vùng sản xuất lúa gạo phục vụ xuất khẩu tập trung với quy mô 80.000 ha, có liên kết DN tiêu thụ; Sản xuất 148.000 ha lúa hạt dài theo yêu cầu của DN để xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; Phát triển và bảo tồn 600 ha lúa đặc sản Nàng Nhen và 200 ha lúa mùa nổi. 

Để thực hiện các định hướng này, An Giang sẽ quy hoạch lại vùng sản xuất chuyên canh hiện đại và đáp ứng yêu cầu xây dựng thương hiệu gạo, tổ chức lại sản xuất theo hướng đáp ứng các điều kiện hình thành chuỗi liên kết – tiêu thụ, đẩy mạnh ứng dụng có hiệu quả khoa học – công nghệ và công nghệ cao vào sản xuất. Đồng thời, tăng cường hình thức hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp.

Biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, gây gia tăng xâm nhập mặn đang đặt ra bài toán buộc ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phải chuyển đổi sản xuất để thích ứng. Nhiều địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi từ đất 2 vụ lúa/năm sang mô hình tôm – lúa hoặc chuyên nuôi trồng thủy sản.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân: Sản lượng lúa của An Giang đạt trên 4 triệu tấn

Trên con đường phát triển, An Giang vẫn dựa vào phát triển nông nghiệp, luôn xem đây là bệ đỡ của nền kinh tế. Ở khu vực nông thôn, hiện vẫn còn gần 46% hộ gia đình sống bằng nghề nông. Trong sản xuất nông nghiệp, cây lúa giữ vị trí quan trọng, chiếm 90% diện tích đất canh tác và đóng góp trên 45% giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. 

An Giang từng tạo đột phá trong đổi mới nông nghiệp. Từ một tỉnh đứng trước ngưỡng thiếu lương thực với sản lượng lúa khoảng 848.000 tấn (năm 1986) đến có dư thừa để xuất khẩu, đạt trên mức 2 triệu tấn lần đầu tiên vào năm 1996. Hiện nay, sản lượng lúa của An Giang đạt trên 4 triệu tấn, là một trong những tỉnh có sản lượng lúa đứng đầu cả nước.

 

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Những mốc son của hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Nghệ An

Giai đoạn 2016 - 2024, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Nghệ An đạt được nhiều thành tích vang dội, được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.