| Hotline: 0983.970.780

Vùng quế chẳng lo đầu ra

Thứ Tư 10/11/2021 , 16:00 (GMT+7)

Giữa lúc các loại nông sản khác chật vật tìm đầu ra trong mùa dịch thì người trồng quế ở ATK Định Hóa yên tâm lớn vì đã có đơn vị thu mua hết.

Chủ trương đột phá

Ông Lương Văn Lành, nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Định Hóa (Thái Nguyên), được coi là "kiến trúc sư" của chương trình đưa cây quế vào ATK Định Hóa.

Xuất phát của chủ trương đột phá nói trên được ông Lành chia sẻ: Là vùng đất chiến khu, được coi là phên dậu “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, Định Hóa có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, có tiềm năng phát triển kinh tế đồi rừng, song do việc quy hoạch chưa hợp lý, người dân chưa được hưởng lợi nhiều từ rừng nên đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Chủ trương trồng quế được nhen nhóm từ cách đây cả một thập kỷ, từ những năm 2010. Trải qua cả một nhiệm kỳ, huyện đã cắt cử nhiều đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm tại vùng quế Yên Bái.

Với mô hình trồng quế, ông Bùi Văn Hanh (xóm Hồng Lương, xã Trung Lương, Định Hóa) là gương nông dân phát triển sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Với mô hình trồng quế, ông Bùi Văn Hanh (xóm Hồng Lương, xã Trung Lương, Định Hóa) là gương nông dân phát triển sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Về địa phương, cùng với mời gọi doanh nghiệp, các phòng chức năng và cả đội ngũ chuyên gia lâm sinh cùng nhau trồng, cùng nhau đúc rút, khảo nghiệm. Cái cách chọn trồng cây gì, nuôi con gì được Định Hóa cẩn trọng dò từng bước với quan điểm chậm phải chắc.

Cây quế bén rễ đất chiến khu, quá trình sinh trưởng và phát triển, cây đặc biệt phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại đây. Các chuyên gia phân tích còn khẳng định, các chỉ số hàm lượng, số lượng tinh dầu ở từng thời điểm, từng giai đoạn phát triển của cây rất tốt, thậm chí còn cao hơn các vùng trồng khác.

Cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học là nền tảng ra đời quyết sách. Tuy nhiên, để có bước phát triển ổn định, bền vững, Định Hóa đề nghị doanh nghiệp trồng và chế biến xây dựng lộ trình tiêu thu, tránh tình trạng đồng bào phá quế để trồng cây trồng khác.

Hỗ trợ khó khăn thời dịch bệnh

Nghị quyết chuyên đề về cây quế được huyện Định Hóa triển khai. Xác định cây quế là loại cây lâm nghiệp chủ lực, huyện phấn đấu đến năm 2030 diện tích quế đạt 10 nghìn ha, hàng năm toàn huyện trồng trên 500 ha quế, nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 60% vào năm 2025.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Định Hóa đang triển khai thực hiện chính sách khuyến khích người dân trồng rừng sản xuất gắn với phát triển các cơ sở chế biến lâm sản, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Thiết thực hỗ trợ mục tiêu nói trên, UBND huyện đã liên kết với Công ty TNHH Vũ Hoa (trụ sở tại thị trấn Chợ Chu, Định Hóa) thực hiện Dự án trồng quế. Phía doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu (gồm cây giống, phân bón) và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế cho người dân đồng thời cam kết sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm quế để chế biến tinh dầu tại địa phương.

Khuyến khích người dân tham gia dự án, huyện đã trích ngân sách trên 10,6 tỷ đồng hỗ trợ toàn bộ chi phí mua cây quế giống cho người dân. Hàng năm, ngành Kiểm lâm đều có cấp cây giống, phân bón cho bà con nhân dân trên địa bàn, có cán bộ xuống tận xóm thôn hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc rừng theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm cây đạt tỷ lệ sống cao nhất. Các phòng ban, chủ lực là phòng nông nghiệp, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp được phân giao việc quản lý, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho bà con.

Sau 5 năm triển khai, dự án trồng quế được triển khai đến tất cả các địa bàn, toàn huyện đã trồng được trên 2.300ha quế, tập trung chủ yếu ở các xã: Quy Kỳ, Linh Thông, Điềm Mặc, Sơn Phú, Bình Thành, Tân Thịnh, Tân Dương, Bảo Cường, Bảo Linh…

Thời điểm hiện tại của năm 2021, diện tích quế trên mảnh đất chiến khu ATK Định Hóa ước đạt xấp xỉ 3000 ha. Hiện nay, một số diện tích quế đủ 5 năm tuổi được đã bắt đầu cho khai thác làm cỏ, tỉa thưa, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con.

Định Hóa bước đầu đã hình thành vùng nguyên liệu quế tập trung nhằm phục vụ nhà máy chiết xuất tinh dầu quế tại địa phương.

Chủ trương đột phá đưa cây quế vào địa bàn đã và đang khẳng định hiệu quả bền vững tại Định Hóa. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Chủ trương đột phá đưa cây quế vào địa bàn đã và đang khẳng định hiệu quả bền vững tại Định Hóa. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Ông Lương Văn Nhơn (xóm Nà Lang, xã Phượng Tiến) cho biết, gia đình ông có 3,6 ha rừng quế được trồng từ năm 2015. Năm trước, thực hiện kỹ thuật khai thác làm cỏ, tỉa thưa, gia đình ông thu được 35 triệu đồng từ bán cành lá quế. Năm nay, mới qua 1 ha đầu tiên, với giá bán 1.400 đồng/kg tại chân đồi, gia đình ông đã thu được 25 triệu đồng. Ông Nhơn nhẩm tính, nếu làm hết 3,6 ha, gia đình ông sẽ có ngót nghét trăm triệu.

Theo đánh giá của người dân, ít có loại cây trồng nào ở miền núi lại có giá trị kinh tế cao như cây quế. Từ vỏ, cành, thân đến lá đều có thể sử dụng và bán được với giá cao, lợi ích kinh tế của cây quế đem lại hoàn toàn vượt trội so với các loại cây lâm nghiệp khác.

Ông Phạm Văn Giang (thôn Thâm Yên, xã Tân Thịnh) tính toán, mỗi ha cây keo, sau 7 - 10 năm mới cho thu hoạch 70 - 80 triệu đồng. Trồng quế, từ năm thứ 6 đến năm thứ 10, cầm chắc mỗi năm 15 - 25 triệu chỉ từ việc bán cành lá. Kết thúc chu kỳ vào năm thứ 15, việc khai thác trắng cho giá trị từ 300 - 400 triệu.

Là một trong những địa phương triển khai sớm và có diện tích lớn quế lớn nhất của Định Hóa hiện nay, ông Luân Đức Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ, cho biết, xã hiện có gần 700 ha cây quế. Trong đó, có 250 ha quế cho thu hoạch từ khai thác làm cỏ, tỉa thưa. Nhiều rừng quế tốt của bà con hứa hẹn cho thu nhập cao gấp 7 - 8 lần so với trồng keo.

Đặc biệt, trong thời điểm các loại hàng hóa nông sản khác đang chật vật tìm đầu ra hoặc bị rớt giá thì do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 thì các sản phẩm từ quế vẫn được thu mua với giá ổn định.

Có thể thấy, chủ trương trồng quế được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, đúc kết qua thực tiễn đã và đang khẳng định tính đúng đắn, thực sự là chủ trương lớn mang lại hiệu quả to lớn trong phát triển kinh tế, xã hội cho đồng bào.

Ông Hoàng Văn Thắng, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng ATK Định Hóa) cho biết, ngoài hỗ trợ bước đầu cho chương trình, những khó khăn do dịch bệnh Covid - 19 ảnh hưởng đã được lãnh đạo địa phương quan tâm tháo gỡ và có chính sách hỗ trợ đối với người trồng rừng cũng như đối với doanh nghiệp bao tiêu nguyên liệu, phục vụ các mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững.

Nhà máy "thèm" nguyên liệu

Ông Phạm Văn Vũ, Giám đốc Cty TNHH Vũ Hoa, huyện Định Hóa, cho biết, công ty chính là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện trồng rừng quế tại Định Hóa.

Công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm quế đến các nước thuộc khu vực Trung Đông, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc...

Để đáp ứng nhu cầu thu mua ngày càng lớn của khách hàng, công ty đã phối hợp với các hộ dân để triển khai. Hiện nay, công ty có xưởng sản xuất, chế biến quế với công suất tối đa 50 tấn cành lá/ngày. Tuy nhiên, diện tích quế trên địa bàn huyện chưa đáp ứng đủ nguyên liệu cho hoạt động.

Do vậy, Công ty TNHH Vũ Hoa hiện vẫn đang phải thu mua cành, lá, thân, vỏ quế từ các địa phương lân cận về huyện để chế biến. May mắn là các cơ quan chức năng của địa phương đã đôn đốc sát sao việc khai thác của người dân để cung ứng hết sản lượng cho doanh nghiệp.

Ngược lại, các phòng ban chức năng cũng giúp đỡ doanh nghiệp các thủ tục thu mua nguyên liệu cũng như xuất khẩu được thuận lợi nhất. Đảm bảo những cam kết với địa phương cũng như lộ trình phát triển, sắp tới, công ty đang triển khai xây dựng nhà máy chế biến, chiết xuất tinh dầu quế tại địa bàn huyện.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất