| Hotline: 0983.970.780

Vùng trồng đào thiệt hại gần 165 tỷ đồng, nhà vườn cụt vốn đầu tư

Thứ Tư 18/09/2024 , 06:42 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Sau bão số 3, sơ bộ đã có gần 1,9 triệu cây cảnh, cây hoa ở Hải Phòng bị hư hại, trong đó người trồng đào thiệt hại rất nặng nề.

Mất cả làng

Là làng nghề truyền thống trồng hoa - cây cảnh lâu đời bậc nhất ở Hải Phòng nhưng đến những người cao niên nhất ở xã Đặng Cương (huyện An Dương) cũng bất ngờ về sức tàn phá khủng khiếp của bão số 3. Hàng chục năm trở lại đây, cùng lắm là mưa lớn gây ngập hoặc có năm thời tiết ấm, đào nở sớm khiến người dân thất thu một phần nhưng chưa bao giờ đứng trước nguy cơ mất trắng như lần này.

Đào cảnh đổ la liệt tại xã Đặng Cương, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Đào cảnh đổ la liệt tại xã Đặng Cương, huyện An Dương. Ảnh: Đinh Mười.

Tại khu vực trồng đào tập trung ở thôn Tự Lập (xã Đặng Cương), dù đã quá trưa nhưng ông Lê Đình Thắng vẫn quanh quẩn bên những gốc đào cổ thụ bị bật gốc nằm la liệt. Khuôn mặt hốc hác, dính đầy bùn đất, quần ống cao ống thấp, ông Thắng cứ ngó nghiêng lặp đi lặp lại hết cây này đến cây khác.

Vườn đào ghép của gia đình ông Thắng năm nay có tới 500 gốc, do những năm gần đây làm có lãi khá nên năm nay ông tăng số lượng cây với kỳ vọng sẽ có nguồn thu lớn hơn vào dịp Tết năm 2025. Số lượng cây lớn kéo theo chi phí cũng tăng vọt, mới đến tháng 9 nhưng số tiến anh Thắng bỏ ra để “nuôi” cây đã vài trăm triệu đồng.

Khi những cây đào đang xanh mướt và đã là đợt mày cuối cùng, sự đầu tư cũng không cần nhiều nữa thì cơn bão ập đến, sau 2 lần quần thảo kéo dài 12 tiếng với đủ các hướng, vườn đào tiền tỷ này đã không thể chống đỡ nổi, đồng loạt nghiên ngả, đổ rạp.

Theo tính nhẩm của ông Thắng, cả vườn có khoảng 50% gốc bị đổ và 40% gãy cành, dập lá. Những cây đổ coi như hỏng, những cây không đổ thì cành cũng bị gãy, lá bị dập tơi tả. Hi vọng nguồn thu vào dịp Tết coi như hết.

Anh Lê Đình Thắng cố cứu một cây đào may mắn chỉ dập lá và gãy cành. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Lê Đình Thắng cố cứu một cây đào may mắn chỉ dập lá và gãy cành. Ảnh: Đinh Mười.

“Nhìn vườn đào nằm la liệt mà đau xót quá chú ạ. Kinh nghiệm trồng đào mấy chục năm nay của tôi nhìn là biết, hỏng hết cả, may ra giữ được gốc cho năm sau nhưng cũng chỉ được 50% số cây. Vụ này coi như trắng tay, giờ phải dọn dẹp, cắt cành rồi trồng lại những cây còn khả năng cứu được”, ông Thắng bùi ngùi chia sẻ.

Sát vườn của gia đình ông Thắng, vườn đào “khủng” của gia đình anh Nguyễn Đình Công cũng thiệt hại nặng nề. Ở xã Đặng Cương, đây là một trong số các nhà vườn có tiếng với nhiều cây đào giá trị cao. 200 gốc đào nhiều năm tuổi được tuyển chọn kĩ càng từ khu vực trung du, miền núi phía Bắc để ghép mắt nên có giá cao ngất ngưởng, có gốc vào dịp Tết cho thuê đến cả trăm triệu đồng.

Anh Công cho biết, bão số 3 đã khiến 30% gốc đào bị gãy đổ, còn lại khoảng 50% bị gãy cành, dập lá. Dù có kinh nghiệm nhiều năm, đã chằng chống cẩn thận nhưng hàng loạt cây vẫn đổ la liệt. Với những cây bị gãy cành, dập lá sẽ tìm mọi cách để khắc phục nhưng những cây bật gốc thì coi như bỏ.

“Bão năm nay to quá, tàn phá hết cả, không chừa một ai, tôi chưa bao giờ bị ảnh hưởng lớn như thế này. Hiện tại gia đình đang tập trung dọn dẹp và chăm sóc những cây còn lại. Năm nay thất thu lớn nên việc tái đầu tư cho năm mới sẽ rất khó khăn”, anh Công bộc bạch.

Một cây đào lớn trị giá hơn 30 triệu đồng bị đổ và khả năng cứu lại gốc chỉ 50%. Ảnh: Đinh Mười.

Một cây đào lớn trị giá hơn 30 triệu đồng bị đổ và khả năng cứu lại gốc chỉ 50%. Ảnh: Đinh Mười.

Tại xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy, anh Vũ Mạnh Dương trú tại thôn Đức Phong chia sẻ, gia đình anh trồng hơn 1.000 cây đào, bão số 3 với sức gió mạnh khủng khiếp đã khiến cây bị quật đổ, gãy cành, đứt rễ nên không còn cứu vãn được và xác định mất trắng.

“Tôi đã đầu tư vào vườn đào gần 1 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng nhiều. Bây giờ không biết đến cuối năm lấy gì để trả tiền vay, trong khi ruộng phải đi thuê”.

Nhà vườn cụt vốn để tái đầu tư

Cũng như anh Thắng, anh Công, hàng loạt hộ dân trồng đào khác tại xã Đặng Cương cũng đang trong hoàn cảnh tương tự. Điều mà các hộ trồng đào lo lắng hiện nay là tiền để tái sản xuất vụ mới.

Anh Nguyễn Văn Sơn, nhà vườn có 50 gốc đào bị đổ và 90% bị dập nát cho biết, những cây bị táp lá sẽ không còn lên được mày, Tết sẽ không có hoa, nếu có thì cũng không đẹp. Với những cây đã bật gốc thì không còn hi vọng, nếu cao tay thì may ra còn cứu được gốc, còn không coi như mất.

Gia đình anh Sơn có 250 gốc đào ghép, toàn cây cổ thụ, từ đầu năm đến nay anh đã đầu tư khoảng 400 triệu đồng vào vườn đào, trong đó có những cây chi phí lên đến hơn 30 triệu đồng. Số tiền này là từ nguồn tích lũy vụ trước và vay mượn, do đó khi bị thiệt hại và không có nguồn thu vào cuối năm thì việc tái đầu tư vẫn đang bỏ ngỏ.

Anh Nguyễn Văn Sơn xót xa kiểm tra từng gốc đào bị bật gốc. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Nguyễn Văn Sơn xót xa kiểm tra từng gốc đào bị bật gốc. Ảnh: Đinh Mười.

“Tôi đã đầu tư công cán, chi phí vào đây mấy trăm triệu rồi, giờ thế này coi như mất. Khó khăn nhất với chúng tôi bây giờ là vốn đầu tư, vì thông thường cứ bán được năm nay sẽ đầu tư cho lứa mới. Tiền thu được năm ngoái giờ đầu tư hết rồi, cuối năm không có thu thì sang năm không còn gì để đầu tư”, anh Sơn lo lắng.

Ông Nguyễn Xuân Trưởng – Chủ tịch UBND xã Đặng Cương cho biết trên địa bàn xã có 130ha trồng đào, quất, đến nay thống kê sơ bộ đã có gần 100ha bị thiệt hại nặng. Đào bị bật gốc, gãy cành và táp lá, sau bão, người dân tập trung khắc phục. Những cành nào hồi phục được thì để, còn cành nào gãy thì cắt đi, cây nào sống được sẽ chằng chéo để cuối năm cắt đi trồng lại.

“Người trồng đào ở Đặng Cương thiệt hại rất nặng nề, gần như hộ nào cũng bị. Sau bão, chính quyền địa phương đã cùng người dân tập trung khắc phục hậu quả, trước mắt là tiêu thoát nước để không bị ngập úng. Hiện một số diện tích vẫn đang ngập, mấy hôm nữa nắng lên, khô ráo nhìn cây héo hoặc úa lá thì lúc đó mới xác định được thiệt hại cụ thể”, ông Trưởng chia sẻ.

Tại huyện An Dương, diện tích trồng đào và hoa - cây cảnh bị ảnh hưởng không chỉ có ở xã Đặng Cương mà còn xảy ra ở hầu khắp các địa phương khác như Đồng Thái, Lê Lợi, Hồng Thái, Quốc Tuấn, thị trấn An Dương, Tân Tiến... với tổng thiệt hại khoảng gần 165 tỷ đồng.

Đào không như những cây trồng khác, nếu bị ngập nước trong 3 ngày thì gần như cây sẽ bị chết. Ảnh: Đinh Mười.

Đào không như những cây trồng khác, nếu bị ngập nước trong 3 ngày thì gần như cây sẽ bị chết. Ảnh: Đinh Mười.

Thống kê sơ bộ của Phòng NN-PTNT huyện An Dương cho thấy, cả huyện có tới 580ha hoa - cây cảnh bị nghiêng, gãy đổ, bật gốc, tước cành lá do bão gồm: Đào 365ha, quất 80ha, hoa - cây cảnh các loại 135ha. Trong đó, đào có hơn 514 nghìn cây cùng các diện tích quất cảnh bị thiệt hại hoàn toàn (trên 70%); hoa - cây cảnh các loại hơn 400 nghìn cây bị thiệt hại từ 30 - 50%.

Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Dương cho biết, hậu quả của bão số 3 để lại trên địa bàn huyện nặng nề, nhất là các nhà vườn trồng đào ở xã Đặng Cương và xã Đồng Thái với tổng diện tích hơn 200ha. Hàng năm, nguồn thu từ cây đào ở 2 địa phương này lên đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng hiện đang đứng trước nguy cơ thất thu nghiêm trọng.

Ngoài diện tích hoa - cây cảnh, trên địa bàn huyện An Dương còn có một số cây trồng khác cũng bị thiệt hại nặng. Trong đó diện tích rau màu bị thiệt hại hoàn toàn 356ha; diện tích cây lâu năm bị ảnh hưởng 194ha, cây ăn quả tập trung bị ảnh hưởng 65ha...

Xem thêm
Trở thành chủ trại gà sau một cú… chết hụt

HÀ NỘI Thoát chết sau một tai nạn, anh Cận thuyết phục vợ bỏ nghề thợ xây, về nhà chăn nuôi bởi làm nông tuy mạo hiểm về kinh tế nhưng ít mạo hiểm về tính mạng.

Kiểm soát dịch bệnh gặp khó do vắng thú y cơ sở

ĐBSCL Thiếu vắng hệ thống thú y cơ sở khiến công tác phòng chống dịch, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y gặp nhiều khó khăn.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.

Bình luận mới nhất