| Hotline: 0983.970.780

Đề nghị ngân hàng cho người trồng đào, quất vay vốn khôi phục sản xuất

Thứ Ba 17/09/2024 , 09:17 (GMT+7)

HÀ NỘI Quận Tây Hồ sẽ sớm làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội để đề nghị cho người trồng đào, quất cảnh bị thiệt hại do bão lũ vay vốn khôi phục sản xuất.

Đến vườn đào Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) những ngày này, thay vì không khí tất bật chăm bón cây chuẩn bị cho dịp Tết, nay người dân phải tự tay chặt bỏ những gốc đào, dọn dẹp vườn sau lũ.

Gắn bó với nghề trồng đào hơn 35 năm, nhưng đây là lần đầu tiên ông Trần Hùng Khanh thấy lũ sông Hồng lên cao như năm nay. “Ngay sau khi bão tan, tôi ra vườn dựng đào, về nghỉ trưa quay lại thì thấy nước đã dâng cao. Không ai kịp trở tay, mọi thứ diễn ra quá nhanh. Người dân ở đây sống nhờ cây đào, giờ coi như trắng tay", ông Khanh thở dài.

Bà Trần Thị Chinh thất thần bên vườn đào đã bị chết do ngập nước. Ảnh: Hùng Khang.

Bà Trần Thị Chinh thất thần bên vườn đào đã bị chết do ngập nước. Ảnh: Hùng Khang.

Còn nước còn tát, ở những vườn trũng còn ngập nước, ông Khanh cố gắng dùng máy bơm để hút nước trong vườn ra. Ông nói nếu trời nắng gắt, đào sẽ khó sống sót, thôi thì cứu được cây nào hay cây đó. Gần 1.000 cây đào của gia đình ông đến nay đã chết trắng, vợ chồng ông phải thuê người để chặt bỏ, thiệt hại ước tính hàng tỷ đồng.

Dẫn chúng tôi ra ruộng đào đang bắt đầu chết, bà Trần Thị Chinh ngậm ngùi nói: “Vất vả 4 năm chăm sóc mới được vườn đào thế cây nào cũng đẹp, giờ đứng nhìn đào chết mà không có cách gì cứu tôi suy sụp mấy ngày nay, không muốn ra đến vườn”. Thời gian từ nay tới dịp Tết đã cận kề nên người trồng đào ở Nhật Tân cũng không biết phải trồng cây gì, nhiều người đã tính đến việc bỏ đất hoang.

Với những cây đào còn xanh ở phần ngọn do nước chưa ngập đến, người dân cũng không hi vọng nhiều bởi gốc đào đã úng nước, nắng lên đào sẽ sớm héo, khó cứu vãn.

Những vườn đào chết trắng như bị phun thuốc diệt cỏ. Ảnh: Hùng Khang.

Những vườn đào chết trắng như bị phun thuốc diệt cỏ. Ảnh: Hùng Khang.

Dọc con đường bê tông trải dài, chúng tôi xuống vựa quất của quận Tây Hồ. Làng quất Tứ Liên khắp nơi là những đống quất cao quá đầu người được người dân chặt bỏ, khuôn mặt ai cũng thất thần vì thành quả lao động cả năm trời giờ tan hoang theo bão lũ.

“Mới tuần trước vườn quất vẫn xanh mơn mởn, đều quả, giờ chết sạch, phải tự tay đi chặt bỏ chứ làm gì có tiền để thuê công nhân nữa cháu, thôi chặt dọn được ít nào hay ít đó, năm nay xác định mất Tết rồi”, ông Nguyễn Văn Sỹ nói.

Là người Hưng Yên đến phường Tứ Liên thuê đất để trồng quất, bà Thắm ngao ngán khi nhìn của cải biến thành rác. Bà thở dài: "Nợ nần chồng chất, sắp tới gia đình phải vay ngân hàng để đầu tư làm lại từ đầu, Tết năm nay thì trắng tay rồi”.

Những vườn quất của người dân phường Tứ Liên bị vùi dập trong bùn đất. Ảnh: Hùng Khang.

Những vườn quất của người dân phường Tứ Liên bị vùi dập trong bùn đất. Ảnh: Hùng Khang.

Nước lũ ngập cao đến 2m, khu vực trồng quất của gia đình bà Thắm gần như mất trắng. Sau bão lũ, việc dọn quất chết đòi hỏi mất nhiều thời gian vì rễ quất cắm chắc trong chum. Ba ngày nay hai vợ chồng bà phải chủ động thu dọn vì không có tiền thuê người làm.

Sau lũ, người dân trồng đào và quất tại hai làng nghề nổi tiếng của Hà Nội trắng tay vì cả năm chỉ có một vụ Tết. Nhiều chủ vườn khó khăn trong việc khôi phục lại sản xuất do vốn liếng hạn hẹp, nhiều chủ vườn đã tính đến chuyện cho thuê lại đất.

Quả quất bị chết héo. Ảnh: Hùng Khang.

Quả quất bị chết héo. Ảnh: Hùng Khang.

Theo báo cáo sơ bộ của UBND quận Tây Hồ, tính đến thời điểm này, thiệt hại về cây trồng trên địa bàn quận ước tính khoảng 161ha, giá trị thiệt hại khoảng hơn 132 tỷ đồng. Trong đó 80ha đào Nhật Tân và 35ha quất Tứ Liên bị ảnh hưởng nặng nề. Để hỗ trợ người dân, chính quyền địa phương đang sớm làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội để có phương án hỗ trợ người dân vay vốn, tái thiết sản xuất.

Xem thêm
Nuôi bò thịt tuần hoàn, giảm ô nhiễm môi trường, lợi nhuận tăng 29%

AN GIANG Nuôi bò thịt tuần hoàn đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa  góp phần giảm ô nhiễm môi trường còn mang lại lợi nhuận tăng 29% so với phương pháp nuôi truyền thống. 

Cho vịt ở… khách sạn

THANH HÓA Chăn nuôi vịt an toàn sinh học mang lại lợi ích kép cho người chăn nuôi bởi vừa hạn chế dịch bệnh lại góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).