Quảng Bình là địa phương chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng do thời tiết khắc nghiệt nên sản lượng nông sản hàng năm không cao. Với diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 70% diện tích đất tự nhiên, tỉnh luôn xác định việc ứng dụng khoa học công nghệ vào xây dựng nền nông nghiệp để có năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, Quảng Bình tập trung đưa ứng dụng công nghệ cao vào một số lĩnh vực sản xuất. Nhân rộng các mô hình vào thực tiễn sản xuất, qua đó, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người nông dân, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình, nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đã đưa lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với canh tác truyền thống.
Điển hình như mô hình liên kết sản xuất trồng mít ruột đỏ trên vùng đất gò đồi sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel với quy mô 6 ha tại huyện Bố Trạch. Mô hình nhà lưới sản xuất rau an toàn tại 6 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với quy mô diện tích gần 1000m2.
Lĩnh vực thủy sản cũng có nhiều cơ sở nuôi trồng áp dụng công nghệ cao như nuôi trong nhà kính, không dùng kháng sinh, hóa chất, ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý môi trường ao nuôi và xử lý nước thải sau sản xuất. Xây dựng nhà có mái che để gieo giống tôm giai đoạn nhỏ, sử dụng điện năng tự động...
“Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã có 2 doanh nghiệp được Bộ NN-PTNT công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Đó là Công ty CP Thanh Hương có diện tích mặt nước nuôi 20 ha tại xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) với sản lượng tôm thương phẩm khoảng từ 400 - 500 tấn/năm và Công ty CP Đức Thắng có diện tích mặt nước nuôi 11,2 ha tại xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới) với sản lượng tôm thương phẩm từ 300 - 400”, ông Hải nói thêm..
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất làm giảm công lao động mà năng suất cây trồng cao. Ông Võ Minh Sáng, một trong các hộ thực hiện mô hình sản xuất rau, quả trong nhà lưới ở thị xã Ba Đồn cho biết, so với sản xuất truyền thống, sản xuất rau, quả trong nhà lưới cây trồng ít sâu bệnh, ít chịu tác động của khí hậu.
“Trong đó, dưa lê, dưa lưới có trọng lượng trung bình từ 1,5-2 kg/quả; dưa leo, mướp đắng cũng cho quả to hơn trồng truyền thống với trọng lượng 0,2-0,3 kg/quả. Mỗi vụ thu lợi nhuận tăng thêm so với sản xuất truyền thống là trên trên 35 triệu đồng”, ông Sáng bộc bạch.
Theo ông Trần Thanh Hải, thành công từ các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp bước đầu đã làm thay đổi tư duy sản xuất cho người nông dân. “Sản phẩm được người tiêu dùng đánh giá cao. Thu nhập tăng cao đã tạo đà cho người nông dân có cơ hội, tự tin nhân rộng các mô hình”, ông Hải nói.
Tuy nhiên, hiện nay số cơ sở nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh chưa nhiều, lĩnh vực hoạt động còn đơn giản, số lượng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn ít; chưa có các vùng, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung.
Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian tới, UBND tỉnh Quảng Bình sẽ tập trung nguồn lực xây dựng, hình thành vùng sản xuất. Theo ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, phát triển các cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với sản xuất sản phẩm theo quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng vào quy trình kỹ thuật sản xuất theo hướng sản xuất hữu cơ, tuần hoàn gắn với chuỗi giá trị cho các đối tượng cây trồng chủ lực, lợi thế của từng địa phương.
Qua đó, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
“Trên đồng ruộng, các địa phương chú trọng đưa công nghệ, thiết bị phục vụ cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản và chế biến sâu một số sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản chủ lực. Hiệu quả là nâng cao năng suất, hiệu quả lao động, góp phần giảm nghèo bền vững tại các vùng trong tỉnh”, ông Đoàn Ngọc Lâm nhìn nhận.