| Hotline: 0983.970.780

Vườn sầu riêng quả căng tròn, múi to, hạt nhỏ

Thứ Tư 29/05/2024 , 06:01 (GMT+7)

BÌNH DƯƠNG Vườn sầu riêng hơn 7ha của ông Khương cho trái to, căng tròn, hạt nhỏ, cơm ráo, màu sắc vàng nhẹ bắt mắt, vị ngọt dịu, bùi, ăn mãi không chán...

Vườn sầu riêng hơn 7 ha của ông Đinh Ngọc Khương. Ảnh: Trần Phi.

Vườn sầu riêng hơn 7 ha của ông Đinh Ngọc Khương. Ảnh: Trần Phi.

Cây khỏe, quả múi to, vị ngọt bùi

Nhắc đến sầu riêng, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ tới là sản vật của vùng miền Tây sông nước, hay vùng đất đỏ Tây Nguyên. Thế nhưng, hiện nay sầu riêng đã rất bén duyên với vùng miền Đông đất xám, trong đó có huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Hòa giữa màu xanh của những rừng cao su bạt ngàn là những miệt vườn sầu riêng xanh ngát đang đem lại thu nhập không nhỏ cho nông dân nơi đây.

Theo chân cán bộ Phòng Kinh tế huyện Phú Giáo, chúng tôi thật sự mãn nhãn với vườn sầu riêng “khủng” rộng hơn 7ha của gia đình ông Đinh Ngọc Khương tại xã An Bình (huyện Phú Giáo). Dẫn chúng tôi đi xem vườn, ông Khương phấn khởi giới thiệu cho chúng tôi quy trình canh tác để tạo ra những quả sầu riêng thơm ngon, mang đậm hương vị địa phương.

“Thiên nhiên khá ưu đãi với Phú Giáo bởi nơi đây có vùng đất bazan xám được bồi đắp bởi phù sa vô cùng màu mỡ, loại đất này làm cho thịt sầu riêng rất khác biệt, không nơi nào có được. Theo đó, sầu riêng Bình Dương cơm ráo hơn, ngọt dịu, không gắt, màu sắc vàng nhẹ bắt mắt, vị ngọt bùi ăn mãi không chán….”, ông Khương chia sẻ.

Nhờ canh tác tốt, sầu riêng của ông Khương luôn cho năng suất cao, chất lượng tốt. Ảnh: Trần Phi.

Nhờ canh tác tốt, sầu riêng của ông Khương luôn cho năng suất cao, chất lượng tốt. Ảnh: Trần Phi.

Cầm trên tay quả sầu riêng căng tròn giống Ri6 trong giai đoạn sắp thu hoạch, tỏa hương thơm lừng, ông Khương cho chia sẻ: Trước đây trồng sầu riêng cực lắm, ngày nào cũng phải làm luôn tay. Chăm sóc cây sầu riêng như chăm con nhỏ vậy, phải theo dõi “sức khỏe” của nó mỗi ngày. Mỗi công đoạn, từ lúc đặt gốc cho tới lúc cây ra hoa, thu trái… đều đòi hỏi kỹ thuật cao. Chỉ cần thấy cây chớm có dấu hiệu “không khỏe” là phải xử lý ngay, nếu không thì thua.  

Từ khi được chính quyền địa phương hỗ trợ, thêm bản thân tự mày mò nghiên cứu, áp dụng những kỹ thuật canh tác từ các nước có nền nông nghiệp phát triển, giờ đây việc chăm sóc sầu riêng của ông Khương đã nhàn hơn trước rất nhiều.

Hiện toàn bộ vườn sầu riêng của gia đình ông Khương đều được đánh mã số cây để theo dõi trái cho đến khi thu hoạch, quản lý sâu bệnh cũng như quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ sinh họ nên hạn chế được sâu bệnh, thân cây khỏe, năng suất duy trì ổn định.

Theo tính toán của ông Khương, mỗi ha sầu riêng với số lượng 250 cây từ năm thứ 7 trở đi sẽ cho năng suất dao động từ 20 đến 25 tấn nếu được đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Với mức giá bình quân 35.000 - 50.000 đồng/kg như hiện nay, thu nhập mỗi ha sầu riêng có thể lên tới cả tỷ đồng/năm.

Toàn bộ vườn sầu riêng của gia đình ông Khương được đánh mã số cây để theo dõi trái cho đến khi thu hoạch. Ảnh: Trần Phi.

Toàn bộ vườn sầu riêng của gia đình ông Khương được đánh mã số cây để theo dõi trái cho đến khi thu hoạch. Ảnh: Trần Phi.

“Lâu nay nhiều người cho rằng sử dụng các loại thuốc hóa học, chất kích thích cây mang lại lợi nhuận cao hơn. Nhưng thực tế, làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ mới thật sự tốt về lâu dài vì đất được nuôi dưỡng, không bị hóa chất làm bạc màu, cây có tuổi thọ lâu hơn, cho năng suất cao và ổn định. Cây sầu riêng càng lâu năm càng cho trái ngon, ngọt và có giá trị kinh tế cao”, ông Khương tự tin khẳng định.

Khỏe re nhờ hệ thống tưới tự động

Để cho ra những trái sầu riêng an toàn, chất lượng, ông Khương đã không ngừng áp dụng kỹ thuật tiên tiến, phương pháp trồng cây khoa học.

Theo đó, ông đã cải tạo đất, thiết kế đường lô, hệ thống tưới tiêu tự động. Đồng thời, thực hiện quy trình khoa học, kết hợp kinh nghiệm thực tế và các mô hình sản xuất tiên tiến của các nước phát triển như Mỹ, Israel… Qua thời gian vừa trồng, vừa nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc, đến nay, ông Khương đã sở hữu vườn sầu riêng hơn 7ha tốt tươi, với những quả sầu riêng có múi to, hạt nhỏ, vị ngọt thơm hấp dẫn.

Ông Khương cho biết năm 2020, ông bắt đầu lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm tự động cho vườn sầu riêng nhằm giảm công và thời gian tưới. Hệ thống bao gồm bồn xử lý nước, thuốc, đường ống và béc phun. Theo đó, các đường ống được dẫn thẳng lên ngọn cây sầu riêng, các đầu ống được gắn béc phun, đến thời gian thích hợp ông Khương chỉ cần ấn nút là nước, thuốc sẽ được phun đều khắp trên tán cây.

Theo ông Khương, để cỏ trong vườn sầu riêng giúp đất được giữ ẩm tốt hơn, đưa được nước và dinh dưỡng vào sâu hơn, hạn chế sự bốc hơi nước khi nắng nóng. Ảnh: Trần Phi.

Theo ông Khương, để cỏ trong vườn sầu riêng giúp đất được giữ ẩm tốt hơn, đưa được nước và dinh dưỡng vào sâu hơn, hạn chế sự bốc hơi nước khi nắng nóng. Ảnh: Trần Phi.

Theo ông Khương, trước đây khi tưới nước cho cây phải kéo dây đi hết cả vườn hết sức cực nhọc, cần có người phụ giúp. Từ khi áp dụng hệ thống tự động này, công việc nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Ngoài ra, việc tưới, bón phân, phun thuốc tự động đem lại hiệu quả rất cao so với việc đeo bình phun và phun áp suất từ dưới gốc lên như cách truyền thống, đồng thời có thể tránh thuốc tiếp xúc với người phun, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người trồng.

Hiệu quả lớn nhất là hệ thống tưới, phun thuốc này đã giúp gia đình ông bảo vệ vườn sầu riêng khỏi rầy, bọ xít trên đọt và rửa được sương muối trên lá. Từ ngày áp dụng hệ thống tưới, phun thuốc tự động, gia đình ông giảm được rất nhiều công lao động, thay vì tưới, phun cả buổi sáng mới hết vườn sầu riêng thì bây giờ chỉ cần 5 đến 6 phút là đã xong cả vườn.

Ông Khương phấn khởi cho biết thêm, với vốn đầu tư ban đầu chỉ vài chục triệu đồng nhưng chỉ trong vòng 1 năm từ khi lắp đặt, hệ thống tưới, phun tự động đã tiết giảm được tiền nhân công, tiền vật tư phân bón và đã thu hồi được vốn đầu tư. Điều quan trọng khi lắp đặt hệ thống này là diện tích vườn càng lớn thì sử dụng ống nước cũng phải càng lớn để thời gian cấp nước nhanh hơn, tăng hiệu quả khi sử dụng phân bón hoặc thuốc. Chưa dừng lại ở đó, hiện ông còn tiếp tục áp dụng hệ thống tưới tự động để phun thuốc, hỗ trợ cho người trồng sầu riêng tại địa phương.

“Sau gần 4 năm kể từ khi lắp đặt hệ thống tưới tự động này, kinh tế gia đình phát triển hơn rất nhiều so với trước đây do năng suất sầu riêng tăng cao, đồng thời giảm được chi phí ngày công lao động”, ông Khương phấn khởi.

Mới giữa năm 2024 nhưng vườn sầu riêng của ông Khương đã thu hoạch ước đạt hơn 50 tấn. Với giá cắt tại vườn hiện nay khoảng 50.000đ/kg, năm nay gia đình ông có doanh thu dự kiến khoảng 2,5 tỷ đồng.

Ông Khương tích trữ nước để ứng phó với thời tiết bất thường, do đó vườn sầu riêng của ông luôn xanh tốt, cho trái đều. Ảnh: Trần Phi.

Ông Khương tích trữ nước để ứng phó với thời tiết bất thường, do đó vườn sầu riêng của ông luôn xanh tốt, cho trái đều. Ảnh: Trần Phi.

Bà Huỳnh Ngọc Ánh - Trưởng Phòng Kinh tế huyện Phú Giáo cho biết thời gian qua, huyện đã tập trung quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp, hình thành nhiều mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương. Trong đó, có thể thấy rõ dấu ấn của các trang trại trồng sầu riêng. Trang trại của ông Đinh Ngọc Khương là một trong những mô hình điển hình tiên tiến về sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại, mang lại hiệu quả cao.

“Để cây sầu riêng Bình Dương phát triển, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục triển khai quy hoạch vùng trồng chuyên canh cây sầu riêng; đầu tư, phát triển hạ tầng nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, điện và thương mại; tích cực tuyên truyền, đưa các chủ trương, chính sách hỗ trợ trong nông nghiệp đến nông dân.

Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực triển khai các đề tài, dự án nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ sầu riêng; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các hội thảo về giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ cây ăn trái có múi trên địa bàn huyện”, bà Huỳnh Ngọc Ánh - Trưởng Phòng Kinh tế huyện Phú Giáo cho biết.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.