| Hotline: 0983.970.780

Nghề gõ và ngửi sầu riêng lên ngôi

Chủ Nhật 26/05/2024 , 09:45 (GMT+7)

TÂY NINH Thủ phủ sầu riêng Tây Ninh những ngày này bước vào chính vụ, cùng với sự phấn khởi của nhà nông, đây cũng là lúc nghề gõ và ngửi sầu riêng lên ngôi.

Vất vả, nhưng kiếm tiền triệu mỗi ngày

Được mệnh danh là "vua của các loại trái cây", dù gây nhiều tranh cãi về hương thơm và mùi vị nhưng không thể phủ nhận sầu riêng được nhiều thực khách ưa chuộng. Những năm gần đây, sầu riêng được giá giúp người làm nghề thu hoạch sầu riêng được cả thương lái và các nhà vườn săn đón.

Thủ phủ sầu riêng Tây Ninh đang rộn ràng vào chính vụ thu hoạch. Ảnh: Trần Trung.

Thủ phủ sầu riêng Tây Ninh đang rộn ràng vào chính vụ thu hoạch. Ảnh: Trần Trung.

Xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu (Tây Ninh) có đến trên 1.000ha sầu riêng, trong đó 800ha trong độ tuổi thu hoạch, đây được xem là thủ phủ sầu riêng của tỉnh Tây Ninh. Những ngày này, thương lái cùng các đội nhóm chuyên cắt thuê sầu riêng từ khắp nơi nườm nượp đổ về Bàu Đồn, tạo nên không khí mùa vụ rộn ràng khắp nẻo. Các vườn sầu riêng đông vui, người cắt quả, người đẩy xe rùa, người chạy xe máy chở sầu riêng tập kết lên xe tải..., tất cả cùng vui cười hạnh phúc.

Mới 7ha sáng, vườn sầu riêng hơn 1ha của ông Nguyễn Hoài Thịnh ở ấp 7, xã Bàu Đồn đã vang tiếng lọc cọc xen lẫn tiếng nói cười rộn rã. Trên cây là anh Hoàng Trọng Hiếu đang dùng cán dao gõ xung quanh quả sầu riêng, rồi dùng dao cắt ở phần cuống. Quả già rơi xuống được một người khác đứng phía dưới dùng giỏ nhựa hứng bắt.

Từ sáng sớm, nhóm anh Hiếu bắt đầu đi từng cây, gõ từng quả để thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Trần Trung.

Từ sáng sớm, nhóm anh Hiếu bắt đầu đi từng cây, gõ từng quả để thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Trần Trung.

Anh Hiếu cho biết quê ở Vĩnh Long, nhờ có cái mũi thính và cảm nhận âm thanh tốt, cái duyên đến với nghề thẩm định sầu riêng trên cây đến với anh như một cơ duyên. Hiện anh Hiếu được các thương lái và nhà vườn đánh giá là chuyên gia thu hoạch sầu riêng.

Theo anh Hiếu, do đặc tính có nhiều gai nhọn cùng lớp vỏ dày và mọc trên những tán cây cao khiến việc thu hoạch quả sầu riêng không hề đơn giản. Bởi người trèo cây không có bất kỳ dụng cụ bảo hộ nào, trong khi người bên dưới chụp sầu riêng cũng đối diện với nhiều mối nguy do sầu riêng có thể rơi vào người, thậm chí vào đầu. Bởi vậy, cảnh thu hoạch sầu riêng có thể khiến nhiều người giật mình "thót tim" vì sợ.  

Sau khoảng 4 giờ, anh Hiếu cùng nhóm 5 - 6 người đã thu hoạch xong gần 5 tấn sầu riêng vừa tới độ chín. Dù có găng bảo vệ, hai bàn tay anh Hiếu vẫn chi chít vết sẹo do gai sầu riêng đâm sau nhiều năm. Hai cánh tay, cẳng chân không được bảo vệ bị gai cào rách da, nhiều chỗ rướm máu nhưng bù lại nghề này đem lại thu nhập cho anh Hiếu gần 1 triệu đồng/ngày.

Theo anh Hiếu, tuỳ vào nhiệm vụ, thông thường người đảm nhiệm gõ và cắt sầu riêng sẽ được nhận mức thu nhập cao nhất. Ảnh: Lê Bình.

Theo anh Hiếu, tuỳ vào nhiệm vụ, thông thường người đảm nhiệm gõ và cắt sầu riêng sẽ được nhận mức thu nhập cao nhất. Ảnh: Lê Bình.

“Tùy vào nhiệm vụ được phân công, thông thường người đảm nhiệm gõ và cắt sầu riêng sẽ được nhận mức thu nhập cao hơn vì bên cạnh kinh nghiệm, nếu hái sầu riêng không đạt sẽ phải hoàn tiền cho chủ, chưa kể mất uy tín, mất việc. Tiếp đến là người chụp sầu riêng, phải chụp chuẩn xác, tránh sầu riêng rơi thẳng xuống đất sẽ không đảm bảo chất lượng quả khi chín, sau cùng là người vận chuyển”, anh Hiếu chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thu, thương lái từ Tiền Giang chia sẻ, dự kiến, vụ mùa sầu riêng tại xã Bàu Đồn kéo dài đến giữa tháng 6/2023. Mỗi ngày đoàn của bà cắt khoảng 30 - 40 tấn sầu riêng tại các nhà vườn. Để đạt được sản lượng đề ra, bà Thu đem theo 10 nhân công, chủ yếu là người miền Tây có nhiều kinh nghiệm thu hái những quả chất lượng.

Nhóm công nhân của bà Thu đi thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Trần Trung.

Nhóm công nhân của bà Thu đi thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Trần Trung.

“Sầu riêng là loại quả khó tính, thu hoạch quá sớm, hoặc quá muộn cũng không được, nếu không có nhân công kinh nghiệm để phục vụ các khâu trong thu hoạch thì không đạt yêu cầu của đối tác, nhất là đối tác nhập khẩu. Để kiếm được đúng người, đúng việc không phải dễ, chúng tôi phải tuyển chọn rất kỹ. Bên cạnh tiền thuê, chúng tôi còn nhiều đãi ngộ khác như bố trí nơi ăn ở, đồng thời hỗ trợ xăng xe để giữ chân công nhân”, bà Thu cho hay.

Thu hoạch sầu riêng phải đảm bảo đủ độ chín

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, trước năm 2021, tỉnh Tây Ninh có khoảng 2.000ha trồng cây sầu riêng. Do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh, giá sầu riêng luôn ở mức cao nên nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ hoa màu, lúa, cây ăn trái khác… hiệu quả kinh tế thấp chuyển sang trồng cây sầu riêng, cho năng suất và thu nhập cao. Từ đó, diện tích trồng sầu riêng của tỉnh đã tăng mạnh, đạt gần 3.000ha.

Cùng với nhiều địa phương khác, diện tích sầu riêng đang tăng nhanh tại Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Cùng với nhiều địa phương khác, diện tích sầu riêng đang tăng nhanh tại Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc sản xuất, xuất khẩu sầu riêng cũng đang đứng trước nhiều tồn tại và thách thức. Đó là nhiều đơn vị, doanh nghiệp và người dân nóng vội thu hoạch sầu riêng sớm, chưa đúng độ chín khiến sầu riêng xuất khẩu không đảm bảo đúng chất lượng, làm mất thương hiệu sầu riêng Việt Nam nói chung và sầu riêng Tây Ninh nói riêng.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, dự báo đến năm 2025, tổng diện tích trồng sầu riêng của Tây Ninh sẽ đạt khoảng 5.000ha, được sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi cung ứng sản phẩm phục vụ xuất khẩu.

Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh khuyến cáo nông dân, doanh nghiệp khi thu hoạch sầu riêng phải đảm bảo độ chín. Ảnh: Trần Trung.

Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh khuyến cáo nông dân, doanh nghiệp khi thu hoạch sầu riêng phải đảm bảo độ chín. Ảnh: Trần Trung.

“Mới đây, Bộ NN-PTNT ban hành quy trình kỹ thuật về việc cắt tỉa hoa, quả và thu hoạch sầu riêng. Để đảm bảo thương hiệu sầu riêng Tây Ninh đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, góp phần phát triển hiệu quả chuỗi giá trị cây ăn trái, Sở đã yêu cầu các địa phương tăng cường thông tin tuyên truyền, khuyến cáo nông dân khi thu hoạch sầu riêng phải đảm bảo đủ độ chín, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.

Ông Xuân cho biết thêm, đến tháng 3/2024, toàn tỉnh đã cấp được 51 mã số vùng trồng cây ăn trái xuất khẩu với tổng diện tích hơn 1.200ha. Trong đó, 19 mã số đã được nước nhập khẩu phê duyệt để xuất khẩu với các loại trái cây gồm chuối, mít, xoài, nhãn, sầu riêng, chanh không hạt; 32 mã số vùng trồng đang chờ nước nhập khẩu phê duyệt. Toàn tỉnh cũng có 5 cơ sở đóng gói được cấp mã số phục vụ xuất khẩu, trong đó 4 mã số đã được nước nhập khẩu (Trung Quốc) phê duyệt.

Việc thu hoạch sầu riêng đúng chuẩn và quản lý tốt mã số vùng trồng cho cây sầu riêng không chỉ đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu, mà còn góp phần tạo uy tín cho sầu riêng Việt Nam nói chung, Tây Ninh nói riêng. Ảnh: Trần Trung.

Việc thu hoạch sầu riêng đúng chuẩn và quản lý tốt mã số vùng trồng cho cây sầu riêng không chỉ đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu, mà còn góp phần tạo uy tín cho sầu riêng Việt Nam nói chung, Tây Ninh nói riêng. Ảnh: Trần Trung.

Thực tế cho thấy, quản lý chặt mã số vùng trồng trái cây nói chung và sầu riêng nói riêng đang là vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay để bảo đảm việc xuất khẩu bền vững. Từ nhiều năm nay, sầu riêng Tây Ninh chủ yếu phân phối và tiêu thụ ở thị trường trong nước. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch là cơ hội tốt cho sầu riêng Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Việc xây dựng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là điều kiện đặc biệt quan trọng để có sản phẩm an toàn, chất lượng phục vụ xuất khẩu và thị trường trong nước.

“Có thể khẳng định, việc thu hoạch sầu riêng đúng chuẩn và việc cấp mã số vùng trồng cho cây sầu riêng không chỉ đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân, hướng tới nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm”, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh chia sẻ.

 

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ mới có 9 trang trại đáp ứng 100% điều kiện chăn nuôi

Theo thống kê, toàn tỉnh Phú Thọ có 1.093 trang trại chăn nuôi và 233.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với 145.000 con trâu, bò; 749.000 con lợn và trên 15,7 triệu gia cầm.

Hanvet giới thiệu vacxin dịch tả lợn Châu Phi 'HANVET ASF VAC'

HẢI PHÒNG Công ty Cổ phần Dược và Vật tư Thú y Hanvet vừa tổ chức giới thiệu vacxin HANVET ASF VAC với những số liệu thử nghiệm khá ấn tượng.

Cần có hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất'

Cần triển khai trên toàn quốc hệ thống 'bệnh viện sức khỏe đất' với đội ngũ kỹ sư nông hóa thổ nhưỡng giỏi để kiểm tra sức khỏe đất nông nghiệp.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm