| Hotline: 0983.970.780

Vườn thanh long èo ọt vì tuyến trùng 'hồi sinh' nhờ thuốc sinh học

Thứ Năm 14/09/2023 , 08:20 (GMT+7)

TIỀN GIANG Sản phẩm sinh học Manecer 200WP của Công ty Cổ phần Nông dược HAI xử lý hiệu quả tuyến trùng, giúp phục hồi tốt vườn thanh long đã từng teo tóp, èo uột.

Mới đây, đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật đã có chuyến khảo sát, đánh giá mô hình “Nông dược HAI cùng nông dân sử dụng thuốc BVTV sinh học Manecer 200WP để phòng trừ tuyến trùng gây hại trên thanh long năm 2023 - 2025” tại vườn thanh long ruột đỏ 5.000m2 của hộ ông Nguyễn Văn Bửu (Năm Bửu) ở ấp Long Thạnh, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Đây là chương trình hợp tác giữa Cục Bảo vệ thực vật với các doanh nghiệp về hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả, phát triển sản phẩm và sử dụng thuốc BVTV sinh học.

Cành thanh long trước khi xử lý tuyến trùng có biểu hiện vàng vọt. Ảnh: Minh Đảm.

Cành thanh long trước khi xử lý tuyến trùng có biểu hiện vàng vọt. Ảnh: Minh Đảm.

Xử lý hiệu quả tuyến trùng    

Tham quan vườn thanh long mượt mà đang trong thời điểm mang trái xanh, các đại biểu không ngớt lời khen ngợi về kỹ thuật chăm sóc của chủ vườn. Theo chia sẻ của lão nông Năm Bửu, cách đây gần một năm, vườn thanh long này có biểu hiện èo ọt. Cành bị vàng, nhiều bệnh, teo tóp không phát triển. Tiến hành đào xới quanh gốc thấy rễ cây bị thối, một số rễ nổi u sần.

Với kinh nghiệm gần 20 năm trồng thanh long, ông Năm quả quyết vườn thanh long bị tuyến trùng gây hại. Bởi thanh long cũng như nhiều loại cây lâu năm khác được trồng trong thời gian dài, không có điều kiện luân canh nên dễ mắc bệnh này.

Vào đầu mùa mưa, những vườn cây lâu năm thường dễ bị tuyến trùng xâm nhập. Tuyến trùng sinh sống và phát triển trong đất. Chúng chích hút bộ rễ của cây ký chủ, làm cho rễ nổi u sần, không hút được chất dinh dưỡng dẫn đến cành cây bị vàng, èo ọt, nặng hơn còn làm chết cây.

Ông Năm dự định dùng thuốc BVTV hóa học thông thường để tiêu diệt sinh vật gây hại này. Thuốc hóa học dù diệt được tuyến trùng nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy như hệ vi sinh vật có lợi, giun đất… cũng bị tiêu diệt theo. Đất đai vì thế cũng cằn cỗi, mất đi sức sống.

Xới đất quanh gốc kiểm tra rễ cây. Ảnh: Minh Đảm.

Xới đất quanh gốc kiểm tra rễ cây. Ảnh: Minh Đảm.

Qua giới thiệu của người quen, ông biết đến sản phẩm phòng trị tuyến trùng Manecer 200WP của Công ty Cổ phần Nông dược HAI và tham gia mô hình trình diễn đánh giá hiệu quả của sản phẩm từ tháng 11/2022 đến tháng 6/2023.

Theo anh Lê Hoàng Tân, kỹ sư bảo vệ thực vật đang công tác tại Công ty Cổ phần Nông dược HAI, để xử lý tuyến trùng, Công ty đã hướng dẫn chủ vườn xới nhẹ vùng đất quanh gốc cây, bón thêm phân bò khô đã hoai mục và tưới sản phẩm sinh học Manecer 200WP với liều lượng 2g/5 lít nước cho 1 trụ thanh long. Phân bò hoai mục bón sau 3 - 4 tháng tạo môi trường dinh dưỡng cho vi sinh vật có lợi phát triển.

Bên cạnh đó, khi tưới sản phẩm vi sinh Manecer 200WP, tuyến trùng bị tiêu diệt hoàn toàn nhưng không gây hại cho hệ vi sinh có lợi trong đất, từ đó đất màu mỡ hơn, rễ cây bắt đầu ra trở lại và tược non cũng phát triển sau khoảng 1 tháng. Trong quá trình này, chủ vườn tăng cường bón phân đạm, phân hữu cơ và bổ sung khoáng chất giúp cây nhanh chóng khôi phục. Sau khi xử lý tuyến trùng, vườn thanh long èo ọt đã được khôi phục, xanh mướt trở lại.

Rễ cây có biểu hiện u sần, thối. Ảnh: Minh Đảm.

Rễ cây có biểu hiện u sần, thối. Ảnh: Minh Đảm.

“Thuốc Manecer 200WP là thuốc sinh học chứa nấm Paecilomyces lilacinus có khả năng ký sinh, tiêu diệt tuyến trùng và trứng của chúng. Đối với tuyến trùng, nấm sẽ xâm nhập vào bên trong, phát triển làm cho tuyến trùng bị biến dạng hoàn toàn rồi chết. Đối với trứng tuyến trùng, nấm sẽ tiếp xúc, tiết enzyme phá hủy lớp vỏ làm cho trứng không thể nở được”, anh Tân lý giải.

Để tránh cho tuyến trùng xuất hiện gây hại trở lại, trước mùa mưa, có điều kiện bà con nông dân có thể dùng Manecer 200WP để phòng trừ. Cùng với đó, bổ sung thêm vi sinh tạo hệ sinh thái tốt cho cây phát triển.

“Sản phẩm sinh học chủ yếu phòng bệnh hơn trị bệnh. Thuốc phải dùng lâu chứ không phải một sớm một chiều, phải tạo được hệ vi sinh tốt để tăng cường phân giải chất hữu cơ bổ sung dinh dưỡng cho cây”, anh Lê Hoàng Tân cho thêm.

Sử dụng thuốc đúng, an toàn

Thanh long là cây trồng có năng suất cao, thâm canh mật độ dày nên đối mặt với rất nhiều sâu, bệnh hại buộc nhà nông phải sử dụng lượng lớn phân bón và thuốc BVTV. Điều này dẫn đến nguy cơ tồn dư hóa chất trên sản phẩm trái cây, bị các nước nhập khẩu cảnh báo, thậm chí cấm nếu như lạm dụng.

Đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật khảo sát mô hình xử lý tuyến trùng bằng thuốc sinh học. Ảnh: Minh Đảm.

Đoàn công tác của Cục Bảo vệ thực vật khảo sát mô hình xử lý tuyến trùng bằng thuốc sinh học. Ảnh: Minh Đảm.

Với lão nông Năm Bửu, ông đã nhận ra việc này đã từ rất lâu. Cách đây 5 năm, ông bắt đầu chú ý sử dụng phân hữu cơ cho vườn thanh long và chú trọng tìm kiếm các sản phẩm sinh học để phối hợp phòng, trị bệnh. Đặc biệt, từ khi tham gia mô hình sử dụng thuốc BVTV an toàn do Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Công ty Nông dược HAI triển khai đến nay, ông đã ý thức hơn về việc này. Hiện, ông dùng nhiều biện pháp, đặc biệt chú trọng biện pháp sinh học để phòng trị bệnh cho thanh long.

Đối với bệnh đốm nâu, bệnh hại này rất khó xử lý nên ông chủ yếu phòng bệnh. Theo kinh nghiệm, cây ra cành non vào mùa mưa thường dễ mắc bệnh này. Nếu cây có bệnh, ông sẽ phun vôi hoặc lựa chọn các thuốc ít độc tính để điều trị. Bên cạnh đó, đối với cành non, mùa mưa ông sẽ cắt bỏ, chờ đến mùa nắng mới giữ tược. 

Đối với việc phun thuốc BVTV, khi cây ra hoa, mới đậu trái bị sâu bệnh hại tấn công, ông sẽ chọn thuốc BVTV hóa học có trong danh mục cho phép, phun đúng liều lượng. Từ khi trái to ở giai đoạn vuốt ngoe đến chín sẽ dùng các thuốc BVTV sinh học, không dùng thuốc hóa học.

Đại diện chủ vườn chia sẻ về quá trình xử lý tuyến trùng trên thanh long với chuyên gia của Cục Bảo vệ thực vật. Ảnh: Minh Đảm.

Đại diện chủ vườn chia sẻ về quá trình xử lý tuyến trùng trên thanh long với chuyên gia của Cục Bảo vệ thực vật. Ảnh: Minh Đảm.

Nhờ canh tác theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và chịu khó học hỏi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nên trái thanh long vườn nhà ông Năm cho năng suất rất đạt. Từ khi tham gia mô hình đến nay, ông xử lý ra hoa nghịch vụ 2 lần và thu trái ra hoa tự nhiên gần 10 lần. Vụ nghịch đầu tiên, năng suất được 1 tấn/công, vụ thứ hai năng suất được 1,2 tấn/công. Lúc nào ông cũng có thu trái lai rai bởi hơn nửa tháng là cây ra hoa một lần. Bình quân, năng suất đạt từ 4 - 5 tấn/công/năm.

Nói về hiệu quả của mô hình, ông Năm Bửu tâm đắc: “Làm sinh học rất tốt cho bà con nông dân, người tiêu dùng. Tôi là thành viên của HTX Nông nghiệp tổng hợp Quơn Long. Tới đây, tôi sẽ vận động bà con thành viên tích cực nhân rộng mô hình này”.

Bà Bùi Thanh Hương, Trưởng phòng Thuốc Bảo vệ thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) nhận xét: "Qua tham quan mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học an toàn tại vườn của ông Nguyễn Văn Bửu, chúng tôi thấy sử dụng thuốc BVTV sinh học phòng trừ sinh vật gây hại trên thanh long có hiệu quả và an toàn, đặc biệt người dân cũng đã luân phiên sử dụng các thuốc BVTV sinh học, hóa học theo từng giai đoạn của cây trồng.

Cây thanh long sau khi xử lý tuyến trùng cho năng suất ổn định. Ảnh: Minh Đảm.

Cây thanh long sau khi xử lý tuyến trùng cho năng suất ổn định. Ảnh: Minh Đảm.

Thời gian tới, đề nghị ông Bửu chia sẻ với bà con nông dân trong hợp tác xã để nhân rộng mô hình nhằm nâng cao năng suất và chất lượng thanh long".

Cũng theo bà Hương, các thuốc trong danh mục đảm bảo an toàn nếu bà con sử dụng đúng liều lượng và thời gian cách ly như khuyến cáo của nhà sản xuất. Trong thời gian qua, các thuốc BVTV có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vật nuôi, hệ sinh thái, môi trường đã được loại bỏ khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, để một loại quả của nước ta được thị trường nhập khẩu chấp nhận phải mất rất nhiều thời gian và công sức đàm phán. Nếu không may trong quá trình xuất khẩu gặp vấn đề dư lượng thuốc BVTV, quốc gia nhập khẩu sẽ dừng nhập khẩu, giá cả giảm, bà con chịu thiệt. Hiện nay, trái cây xuất khẩu đều truy xuất được nguồn gốc thông qua mã số vùng trồng. Bà con cần ghi chép nhật ký sản xuất cẩn thận, đầy đủ. Các hợp tác xã phải quản lý chặt chẽ sản lượng để bảo vệ mã số vùng trồng, thương hiệu trái cây của địa phương.

Thời gian qua, chương trình hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả được Cục Bảo vệ thực vật triển khai đã được nhân rộng tại nhiều địa phương trong cả nước. Đến nay, có hơn 600 điểm trình diễn mô hình sử dụng thuốc sinh học và mô hình sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả. Người dân xung quanh mô hình đã thấy hiệu quả và tích cực nhân rộng.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.