| Hotline: 0983.970.780

Sử dụng thuốc sinh học quản lý tốt sâu đục cuống quả vải

Chủ Nhật 30/07/2023 , 07:14 (GMT+7)

HẢI DƯƠNG Mô hình sử dụng thuốc sinh học để quản lý sâu đục cuống quả vải tại Hải Dương cho thấy hiệu quả phòng trừ cao, đảm bảo yêu cầu về dư lượng thuốc BVTV.

Sau nhiều năm sử dụng, thuốc BVTV hóa học đã dần bộc lộ những mặt tiêu cực, nhất là đối với vấn đề về chất lượng nông sản và sức khỏe con người, môi trường sinh thái. Trong khi đó, thuốc BVTV sinh học lại an toàn hơn, ít độc đối với sinh vật có ích và môi trường, nhanh phân hủy trong tự nhiên, không ảnh hưởng tới đa dạng sinh học trong hệ sinh thái nông nghiệp, thời gian cách ly ngắn, ít để lại dư lượng trong nông sản.

Sâu đục cuống quả vải là đối tượng sâu hại rất khó nhận biết, khó phòng trừ và ảnh hưởng lớn đến năng suất, mẫu mã, giá trị quả vải.

Sâu đục cuống quả vải là đối tượng sâu hại rất khó nhận biết, khó phòng trừ và ảnh hưởng lớn đến năng suất, mẫu mã, giá trị quả vải.

Đổi mới phương thức quản lý, sử dụng và kinh doanh vật tư nông nghiệp hướng tới nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp, có trách nhiệm; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học... là một trong những định hướng, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp nông thôn của Chính phủ tại Quyết định số 150/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Nhằm thực hiện mục tiêu của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ và nhiều chương trình, kế hoạch khác của Chính phủ, của Bộ NN-PTNT, việc phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học được xem là một giải pháp tối ưu.

Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã ký kết hợp tác với doanh nghiệp thuốc BVTV chương trình “Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả; phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giai đoạn 2021 - 2025”. Một trong những mục tiêu của chương trình là xây dựng các mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học, từ đó nâng cao việc sử dụng các thuốc BVTV sinh học và nhân rộng mô hình trên nhiều địa phương trong cả nước.

Sâu đục cuống quả vải - “kẻ cứng đầu”

Cây vải hiện nay là một trong những cây trồng xuất khẩu rất có giá trị, tuy nhiên việc quản lý sâu bệnh hại, dư lượng thuốc BVTV trong quá trình canh tác là khâu rất khó với bà con nông dân.

Trong các đối tượng sinh vật gây hại chủ yếu trên cây vải, đối tượng sâu đục quả vải (Conopomorpha sinensis) là đối tượng xuất hiện phổ biến, khó nhận biết, khó phòng trừ và ảnh hưởng lớn đến năng suất, mẫu mã, giá trị quả vải nếu không được kiểm soát kịp thời.

Sâu non tuổi 1 - 2 đục cuống quả vải.

Sâu non tuổi 1 - 2 đục cuống quả vải.

Tại Hải Dương - một trong hai vùng trồng vải trọng điểm của Việt Nam (cùng với Bắc Giang), những năm gần đây, đối tượng sâu đục quả vải gây hại hầu hết trên các trà vải, nhất là trà vải sớm có giá trị kinh tế cao như u trứng trắng, u trứng gai, u hồng; thời gian gây hại từ khi đậu quả non đến khi thu hoạch.

Việc phải sử dụng thuốc BVTV hóa học để phòng trừ sâu đục quả vải vừa gây tốn kém, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất, nguy cơ tồn dư thuốc BVTV trên sản phẩm, gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, áp lực sử dụng thuốc BVTV cao cũng dẫn đến tình trạng kháng thuốc, giảm hiệu quả phòng trừ.

Hiện nay trên thị trường thuốc BVTV có hơn 100 sản phẩm thuốc BVTV đã đăng ký phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại trên cây vải nói chung. Mặc dù vậy với sâu đục quả vải, qua thực tế cho thấy bà con nông dân phòng trừ đối tượng này một cách bị động, thường chỉ phun thuốc BVTV theo định kỳ mà không có sự quan sát diễn biến đối tượng gây hại và cây trồng nên hiệu quả không cao…

Sâu đục quả “chào thua”, không lo dư lượng thuốc

Xuất phát từ thực tế trên, niên vụ vải năm 2023, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Công ty TNHH Syngenta Việt Nam phối hợp cùng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hải Dương đã triển khai mô hình “Quản lý sâu đục cuống quả vải và dư lượng bằng thuốc sinh học Proclaim 5WG” tại huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương). Đây là một loại thuốc BVTV đã có trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam và được đăng ký để phòng trừ sâu đục cuống quả vải.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV Hải Dương hướng dẫn điều tra và nhận biết sâu non tuổi 1 - 2 đục cuống quả vải.

Cán bộ Chi cục Trồng trọt và BVTV Hải Dương hướng dẫn điều tra và nhận biết sâu non tuổi 1 - 2 đục cuống quả vải.

Mô hình được thực hiện nằm trong chương trình hợp tác giữa Cục BVTV và Công ty TNHH Syngenta Việt Nam về nội dung “Hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả; phát triển sản xuất và sử dụng thuốc BVTV sinh học giai đoạn 2021 - 2025”. Mô hình được thực hiện tại vùng vải thôn Hạ Vĩnh, xã Thanh Quang (huyện Thanh Hà, Hải Dương) từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2023.

Trong vụ vải năm 2023, tại vùng vải Thanh Hà, một số đối tượng sinh vật gây hại đã phát sinh gây hại như rệp sáp, sâu đục hạt - cuống quả, bệnh sương mai trên quả, bệnh thán thư, mã mực (chàm quả)… hại rải rác. Trong đó, đối tượng sâu đục cuống quả gây hại từ đầu tháng 4/2023 và gây hại chủ yếu trong tháng 5 đến đầu tháng 6/2023 (từ giai đoạn phát triển quả đến thu hoạch).

Triển khai mô hình, cán bộ kỹ thuật của Chi cục Trồng trọt và BVTV Hải Dương cùng với cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam đã hướng dẫn các hộ trồng vải trong mô hình và khu vực xung quanh nhận biết, điều tra phát hiện sớm một số loài sinh vật gây hại chính trên cây vải, trong đó tập trung hướng dẫn bà con nhận biết các giai đoạn sinh trưởng, phát sinh, phát triển của sâu đục quả vải.

Đồng thời, tập huấn cho bà con sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động khi phun thuốc, nắm bắt được nguyên tắc sử dụng thuốc “4 đúng”, kỹ thuật pha thuốc và xử lý thuốc BVTV cũng như nắm bắt được kỹ thuật cơ bản lấy mẫu kiểm tra dư lượng quả trước thu hoạch…

Mô hình quản lý sâu đục cuống quả vải năm 2023 được triển khai có hiệu quả cao tại Hải Dương.

Mô hình quản lý sâu đục cuống quả vải năm 2023 được triển khai có hiệu quả cao tại Hải Dương.

Mô hình đã sử dụng thuốc sinh học Proclaim 5WG (emamectin benzoate) để phòng trừ sâu đục cuống quả vải. Khi sâu non (tuổi 1- 2) đục cuống quả ra rộ, vượt ngưỡng gây hại kinh tế thông qua hướng dẫn điều tra mật độ và kết quả dự tính dự báo của trưởng thành, cán bộ Chi cục hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc Proclaim 5WG (Emamectin benzoate) để phun

Kết quả cho thấy, mô hình đã đạt hiệu quả trong quản lý sâu đục cuống quả vải. Tỷ lệ quả vải bị sâu đục cuống gây hại có sự khác biệt rất lớn giữa xử lý thuốc Proclaim 5WG và không xử lý thuốc. Cụ thể, tại thời điểm 7 ngày sau lần phun thứ 2, khu sử dụng thuốc sinh học Proclaim 5WG có tỷ lệ hại chỉ gần 4%, trong khi khu vực đối chứng không phun thuốc lên tới 24,7%.

Kết quả cũng cho thấy, hiệu lực phòng trừ sâu đục quả vải của thuốc sinh học Proclaim 5WG không có sự khác biệt lớn so với loại thuốc hoá học mà nông dân ở mô hình (xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà) đã dùng.

Đánh giá ảnh hưởng của thuốc BVTV đối với cây vải trong và sau quá trình xử lý thuốc là một trong các tiêu chí quan trọng. Kết quả cảm quan từ mô hình cho thấy xử lý thuốc bằng thuốc Proclaim không gây ảnh hưởng xấu đến mẫu mã quả. Không có hiện tượng đốm rám quả, mẫu quả đẹp hơn so với đối chứng.

Nông dân tham gia mô hình được hướng dẫn trang bị phòng hộ lao động khi sử dụng thuốc BVTV. 

Nông dân tham gia mô hình được hướng dẫn trang bị phòng hộ lao động khi sử dụng thuốc BVTV. 

Theo nhận xét của chủ vườn, trước đây xử lý thuốc BVTV hoá học, khi phun gặp điều kiện bất thuận về thời tiết thường gây hiện tượng nám quả, quả chín không đều làm ảnh hưởng rất lớn đến giá bán trong quá trình thu hoạch.

Tuy nhiên khi xử lý sâu đục cuống quả vải bằng thuốc sinh học Proclaim 5WG, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật pha thuốc đúng liều lượng, nồng độ, đúng kỹ thuật phun thuốc nên đảm bảo cho hiệu quả phòng trừ tốt, đặc biệt không có hiện tượng ảnh hưởng đến mẫu mã quả.

Tại mô hình, sử dụng thuốc sinh học Proclaim 5WG để quản lý sâu đục cuống quả vải cho thấy không ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng, phát triển của cây vải và mẫu mã quả vải (cụ thể đối với giống vải sớm giống U hồng).

Đối với vấn đề dư lượng thuốc BVTV, đây là một trong những rào cản lớn trong việc đưa quả vải vào các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản… Do đó, việc lựa chọn được thuốc BVTV quản lý được hiệu quả sâu đục cuống quả, đồng thời đáp ứng được yêu cầu về dư lượng là hết sức cần thiết. Một loại thuốc BVTV có hiệu quả phòng trừ rất tốt nhưng lại để lại dư lượng quá lâu và vượt ngưỡng sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ người tiêu dùng và không thể xuất khẩu.

Việc sử dụng thuốc BVTV sinh học đã giúp quản lý hiệu quả sâu đục cuống quả vải. 

Việc sử dụng thuốc BVTV sinh học đã giúp quản lý hiệu quả sâu đục cuống quả vải. 

Nhận thức được tầm quan trọng đó, mô hình đã tiến hành lấy mẫu quả vải được phun thuốc thí nghiệm (phun bằng Proclaim 5WG) để kiểm tra, đánh giá mức độ tồn dư của thuốc trong quả vải sau khi phun. Thời điểm lấy mẫu là ngày thứ 10 sau phun thuốc lần 2 (ngày 26/5/2023) - tương đương trước thu hoạch khoảng 5 ngày, kết quả phân tích cho thấy: Dư lượng hoạt chất Emamectin benzoate (hoạt chất của thuốc Proclaim 5WG) trong sản phẩm quả vải chỉ còn 0.01mg/kg, đạt ở ngưỡng an toàn theo quy định của một số quốc gia.

Bên cạnh các tiêu chí quan trọng của mô hình về hiệu lực, hiệu quả phòng trừ sâu đục cuống quả vải, đảm bảo được dư lượng thuốc BVTV đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, mô hình còn hướng dẫn nhận biết, phòng trừ, sử dụng thuốc “4 đúng”, sử dụng bảo hộ lao động, kỹ thuật phun thuốc đảm bảo an toàn và thu gom bao gói sau sử dụng… cho chủ hộ và khoảng 15 hộ trồng vải trong khu vực xung quanh.

Qua đó, giúp thay đổi nhận thức của nông dân về sản xuất hữu cơ, sử dụng thuốc BVTV sinh học thân thiện với môi trường và sức khỏe con người…

Vải tại mô hình sử dụng thuốc sinh học để quản lý rất sạch sâu bệnh, đặc biệt là sạch sâu đục cuống quả.

Vải tại mô hình sử dụng thuốc sinh học để quản lý rất sạch sâu bệnh, đặc biệt là sạch sâu đục cuống quả.

Theo đánh giá, năm 2023, sâu đục quả vải có áp lực không quá cao và mô hình mới chỉ tiến hành trên giống vải u hồng. Hiện trên địa bàn Hải Dương (đặc biệt huyện Thanh Hà) đang có nhiều giống vải như: Vải u trứng trắng, vải u trứng gai, vải u hồng, vải tàu lai và vải thiều chính vụ. Mỗi giống vải thường có những phản ứng với thuốc BVTV khác nhau. Mặt khác, mức độ gây hại của sâu đục quả đối với từng giống vải cùng không giống nhau. Thường thì giống vải u trứng trắng bị sâu đục quả gây hại nặng hơn so với giống vải khác.

Vì vậy, để nâng cao nhận thức, hiệu quả của người sử dụng thuốc BVTV, bảo đảm an toàn môi trường và phát triển mở rộng diện tích sử dụng thuốc sinh học tại Việt Nam, thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc BVTV cần tiếp tục phối hợp thực hiện thêm một số mô hình trên diện rộng…

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.