| Hotline: 0983.970.780

Bài 2:

Vượt khó Covid-19, xã biên giới về đích nông thôn mới

Thứ Ba 14/12/2021 , 17:19 (GMT+7)

Với đặc thù là xã biên giới còn nhiều khó khăn và chịu tác động không nhỏ của đại dịch Covid-19, Hưng Phước vẫn hoàn thành đúng kế hoạch xây dựng nông thôn mới.

Linh hoạt giải pháp

Trở lại xã Hưng Phước vào những ngày cả nước vừa chung tay vượt qua đại dịch Covid-19, chúng tôi cảm nhận được niềm vui và phấn khởi của bà con nơi đây khi xã vừa được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM năm 2021. Không còn là một xã khó khăn, Hưng Phước hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới với những con đường bêtông trải dài vào từng xóm, ấp; trường học, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang; những ngôi nhà lầu của người dân cũng mọc lên san sát.

Người dân xã biên giới Hưng Phước phấn khởi khi địa phương về đích NTM. Ảnh: Trần Trung.

Người dân xã biên giới Hưng Phước phấn khởi khi địa phương về đích NTM. Ảnh: Trần Trung.

Ông Hồ Tấn Đắc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hưng Phước cho biết, xã nằm ở phía Bắc của huyện Bù Đốp, có trên 10 km đường biên giới tiếp giáp Campuchia với tổng dân số gần 6.000 khẩu, trong đó có hơn 30% là đồng bào dân tộc thiểu số. Được huyện chọn là xã về đích NTM 2021, với nhiều khó khăn bộn bề, thế nhưng, xã Hưng Phước đã linh hoạt trong cách làm, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Đến nay xã đã hoàn thành mục tiêu đề ra.

Tổ nghề nghiệp đan lát lục bình giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Tổ nghề nghiệp đan lát lục bình giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Theo đó, xác định là xã thuần nông, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn khiêm tốn, để về đích nông thôn mới thì đối với địa phương tiêu chí nào cũng không dễ thực hiện. Với phương châm “khó đâu gỡ đó”, xây dựng cơ sở hạ tầng, giải quyết bài toán thu nhập là chìa khóa để người dân tin và cùng với địa phương đóng góp sức người, sức của để chung tay xây dựng nông thôn mới.

UBND xã tập trung chỉ đạo ưu tiên các chính sách để hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn, triển khai các mô hình có hiệu quả như chăn nuôi dê thương phẩm, chăn nuôi bò; trồng cây ăn trái; chăm sóc tiêu theo hướng hữu cơ sinh học, khuyến khích liên kết, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa; thực hiện từng bước “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM”. Đồng thời, mở thêm các lớp tập huấn chuyển giao KHKT, hỗ trợ vật nuôi và cây trồng giúp người dân, trong đó có hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để thoát nghèo bền vững.

Mô hình lúa ST24 đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Mô hình lúa ST24 đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Qua việc triển khai các mô hình, các hộ nông nghiệp trên địa bàn đã thấy được hiệu quả của việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp góp phần làm giảm chi phí chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sống, dần hình thành tư duy sản xuất mới đảm bảo phát triển kinh tế hiệu quả, ổn định.

“Sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, cùng các chính sách của Đảng, Nhà nước với những dự án, giải pháp phù hợp với điều kiện sản xuất của người dân đời sống bà con dần được nâng lên. Minh chứng là, nếu như thu nhập bình quân đầu người năm 2011 của xã là 16.5 triệu đồng/năm thì nay là 44.11 triệu đồng/năm, tăng 27.61 triệu đồng. Tỉ lệ hộ nghèo của xã năm 2011 là 205 hộ thì nay chỉ còn 78/1.617 hộ, chiếm 4,82 %. Đời sống của người dân ngày càng cải thiện góp phần ổn định và phát triển”, ông Hồ Tấn Đắc phấn khởi nói. 

 Diện mạo nông thôn đổi thay

Dẫn chúng tôi đến thăm tuyến đường bê tông nông thôn vẫn còn thơm mùi bê tông xi măng mới tại ấp Bù Tam, đây là tuyến cuối cùng của xã vừa kịp hoàn thành đúng tiến độ để xét xã về đích nông thôn mới, ông Phạm Thanh Cần, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp cho biết: Từng là một trong những ấp được liệt vào diện đặc biệt khó khăn của tỉnh bởi tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số đông, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao. Thế nhưng, nhờ vào những công trình phần việc cụ thể sát với thực tế, từ đó đã khơi dậy được sức dân tham gia vào xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Ấp Bù Tam ngày một khởi sắc, hầu hết các tuyến đường tại ấp đều được nhựa hóa, bê tông hóa, nhà nhà người người hăng say thi đua lao động sản xuất.

Tuyến đường bê tông xi măng cuối cùng vừa hoàn thành kịp tiến độ giải quyết bài toán vận chuyển nông sản cho người dân ấp Bù Tam. Ảnh: Trần Trung.

Tuyến đường bê tông xi măng cuối cùng vừa hoàn thành kịp tiến độ giải quyết bài toán vận chuyển nông sản cho người dân ấp Bù Tam. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Cần, nếu như trước đây cây lúa được xem là cây trồng chủ lực tại địa phương, nhờ chương trình NTM, bên cạnh việc định hướng bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Đặc biệt, qua rà soát, ai đủ điều kiện nuôi bò nhà nước cấp bò, ai nuôi dê nhà nước cấp dê, ai trồng điều nhà nước cấp giống điều... Đến nay, bà con đã làm chủ trên chính mảnh đất của mình, khi thu nhập được nâng lên, bà con cũng sẵn sàng tham gia tất cả các hoạt động từ xã huyện đến thôn ấp tổ chức.

Bà Điểu Thị Đôi, ấp Bù Tam từng được liệt vào diện nghèo bền vững, sau khi được cấp bò dê, hiện bà đã vươn lên mức sống trung bình khá. Ảnh: Trần Trung.

Bà Điểu Thị Đôi, ấp Bù Tam từng được liệt vào diện nghèo bền vững, sau khi được cấp bò dê, hiện bà đã vươn lên mức sống trung bình khá. Ảnh: Trần Trung.

Chỉ tay vào tuyến đường bê tông xi măng vừa hoàn thành nằm lọt thỏm giữa 2 bên ruộng lúa, ông Cần cho biết thêm, đây là tuyến đường dẫn vào khu dân cư có đông đồng bào dân tộc sinh sống, trước đây tuyến đường này là một con đường mòn rộng chưa đầy 1m để bà con vận chuyển nông sản, nắng thì bụi bay mù mịt, mưa thì lầy lội, có thời điểm mưa lớn nước ngập đến ngang lưng khiến khu vực này gần như biệt lập thế giới bên ngoài. Nhờ những sinh kế hỗ trợ, bà con ý thức hơn về việc xây dựng NTM. Khi có chủ trương mở đường, bà con đã tích cực hiến đất, ngoài ra còn góp công, góp của.

“Mặc dù chiều dài chỉ 550 mét, nhà nước hỗ trợ cát đá ximăng, thế nhưng do nền hạ đường thấp, kinh phí xây dựng tuyến đường đã vượt 3 lần so với dự toán. Theo đó, để có tuyến đường đẹp như hôm nay, bà con đã đóng góp hàng trăm ngày công lao động và gần 100 triệu đồng để đổ đất, nâng cấp mở rộng, đây là số tiền không hề nhỏ so với bà con. Từ đó thấy được sự chung sức, đồng lòng của bà con khu vực này nói riêng và trong ấp nói chung”, ông Phạm Thanh Cần chia sẻ.

Một tuyến đường xanh - sạch - sáng tại xã Biên giới Hưng Phước. Ảnh: Trần Trung.

Một tuyến đường xanh - sạch - sáng tại xã Biên giới Hưng Phước. Ảnh: Trần Trung.

Sau 10 năm nỗ lực xây dựng NTM, xã Hưng Phước đã huy động tổng kinh phí trên 135 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách: 124 tỷ đồng, chiếm 91,86%, phần còn lại do người dân đóng góp. Hiện toàn xã đã nhựa hóa trên 27,130 km đường liên xã, bê tông hóa 19,300 km đường giao thông nông thôn đạt 100% chỉ tiêu. Ngoài ra, UBND xã và khối đoàn thể phối hợp 6/6 ấp làm đường điện chiếu sáng được 11,7 km, trồng được 2,9 km đường hoa, tạo cảnh quan và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường môi trường, cơ sở vật chất trường học khang trang, điện lưới quốc gia phủ khắp vùng biên...

“Địa phương xác định, xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Sau khi về đích NTM, thời gian tới, xã Hưng Phước tiếp tục đánh giá lại quá trình xây dựng nông thôn mới, để rút ra bài học, kinh nghiệm và xây dựng lộ trình xã nông thôn mới nâng cao. Theo đó, thông qua lợi thế của địa phương, tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, chú trọng công tác giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, chỉnh trang bộ mặt nông thôn...”

  • Tags:
Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.