Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ (thứ 2 từ trái qua) kiểm tra vùng sản xuất chè. |
Qua đó, tỉnh đã vượt qua nhiều trở ngại, khó khăn để chung sức xây dựng nông thôn mới, trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc.
Lấy người dân là trọng tâm
Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân được tỉnh quan tâm đặc biệt, Phú Thọ luôn đề cao việc xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, lấy người dân làm chủ thể, trọng tâm của xây dựng NTM. Bởi có một thực tế, ở giai đoạn đầu triển khai chương trình, sản xuất nông nghiệp của Phú Thọ còn manh mún, nhỏ lẻ; các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả thấp, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Chính vì vậy, những năm qua, Phú Thọ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực, có thế mạnh của địa phương. Giai đoạn 2011 – 2018, Phú Thọ đã chi hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất cây lương thực, cây chè, cây có múi, thủy sản, trồng rừng sản xuất, phát triển đàn lợn, bò chất lượng cao, nông nghiệp cận đô thị, đẩy mạnh cơ giới hóa, để hình thành những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, gắn với hợp tác liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Công tác thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực thế mạnh của tỉnh được quan tâm; trên địa bàn tỉnh hiện có hệ thống các cơ sở chế biến chè với dây chuyền, thiết bị chế biến hiện đại, các cơ sở chế biến gỗ cũng phát triển khá nhanh; đồng thời đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào ngành chăn nuôi.
Đó là Nhà máy sản xuất trứng gà sạch ĐTK, quy mô đàn gà đẻ 250 nghìn con, cung cấp 175 triệu quả trứng/năm; Dự án chăn nuôi gà giống và gà đẻ trứng thương phẩm sản xuất trứng gà sạch của Cty Hòa Phát với công suất thiết kế 170 triệu quả/năm; dự án đầu tư xây dựng khu chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm DABACO... Từ đó hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như vùng sản xuất chè, vùng sản xuất bưởi đặc sản Đoan Hùng, vùng chăn nuôi gà, lợn công nghệ cao.
Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao của HTX NN và dịch vụ Ngân Hà (thị xã Phú Thọ). |
Khu vực kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã nông nghiệp được đổi mới, nâng cao hiệu qua hoạt động; toàn tỉnh có 311 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, trong đó có 33 HTX tham gia liên kết sản xuất hàng hóa, 08 HTX đã đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và 12 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển các sản phẩm OCOP.
Các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp cũng được quan tâm phát triển, từng bước chuyển đổi theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa. Đến hết năm 2018, tỉnh Phú Thọ có 342 HTX nông nghiệp, có 471 trang trại hoạt động đảm bảo tiêu chí theo quy định. Trong đó, có 33 HTX, 58 trang trại, gia trại tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giá trị ước đạt trên 1.100 tỷ đồng.
Sự đầu tư, thu hút đầu tư, hỗ trợ trúng đích vào ngành nông nghiệp của Phú Thọ góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 29,8 triệu đồng/người/năm, tăng 8,3 triệu đồng so với năm 2015.
Có nhiều vùng quê đáng sống
Để đạt được những việc kể trên, tỉnh Phú Thọ luôn đề cao công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ chính người dân và sự chung tay của chính quyền các cấp. Trong từng giai đoạn, Phú Thọ luôn ban hành các văn bản, chỉ đạo điều hành linh hoạt, phù hợp với thực tế địa phương, huy động, tập trung mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, lúng túng cho các địa phương.
Từ đây, bộ mặt nông thôn của các xã trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến rõ nét, thể hiện qua hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã được đầu tư đồng bộ, hiện đại, lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao,... tiếp tục phát triển, các chính sách xã hội và an sinh được kịp thời thực hiện...
Thông qua đó, chất lượng cuộc sống của người dân ở nông thôn ngày một tốt hơn; các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy; ý thức cộng đồng, tình làng nghĩa xóm, các hoạt động nhân ái, từ thiện tiếp tục được khơi dậy và phát huy; cảnh quan nông thôn thay đổi theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Quang cảnh một vùng quê Phú Thọ. |
Bên cạnh những gì đạt được, quá trình xây dựng NTM tại Phú Thọ vẫn còn tồn tại, hạn chế. Đó là kết quả xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh còn có sự chênh lệch, chưa đồng đều giữa các địa phương, đặc biệt giữa các xã đồng bằng và các xã miền núi cao; công tác xã hội hóa trong huy động nguồn lực còn gặp nhiều khó khăn; tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn,việc thu gom xử lý chất thải rác thải, nước thải ở một số địa phương còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến cảnh quan và đời sống người dân.
Với mục tiêu dài hạn sau năm 2020, tỉnh Phú Thọ đề cao quan điểm “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; NTM là căn bản; Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt; Người nông dân là chủ thể”.
Phú Thọ quyết tâm xây dựng vùng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại kết nối đồng bộ với đô thị, kinh tế phát triển, cảnh quan và môi trường sạch đẹp, xã hội văn minh, đồng thời giữ gìn được bản sắc tốt đẹp của nông thôn Phú Thọ; người dân ở nông thôn có thu nhập khá, ổn định, có điều kiện sống văn minh; kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao.
Đến nay, toàn tỉnh Phú Thọ có 93 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm 37,7%), bình quân tiêu chí đạt 15 tiêu chí/ xã; dự kiến hết năm 2019 có 105 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có thêm thị xã Phú Thọ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2020, Phú Thọ phấn đấu có thêm ít nhất 10 xã và công nhận thêm huyện Thanh Thủy đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Việt Trì hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. |