| Hotline: 0983.970.780

Vượt qua mùa hạn mặn nhất lịch sử, những bài học cho hiện tại, tương lai

Thứ Bảy 20/06/2020 , 17:25 (GMT+7)

ĐBSCL đã trải qua một mùa hạn, mặn nhất trong lịch sử. Nhìn lại tổng thể mùa hạn mặn năm nay để đánh giá, rút ra những bài học cho hiện tại và tương lai.

Ngày 20/6, tại Long An, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị “Tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống hạn, mặn năm 2019-2020” với sự tham dự của các nhà khoa học, lãnh đạo địa phương và cơ quan chuyên môn.

Hội nghị tổng kết công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, câm nhập mặn mùa khô 2019-2020 vừa diễn ra tại tỉnh Long An vào sáng nay 20/6. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hội nghị tổng kết công tác phòng chống hạn hán, thiếu nước, câm nhập mặn mùa khô 2019-2020 vừa diễn ra tại tỉnh Long An vào sáng nay 20/6. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mùa hạn, mặn lịch sử

Theo Tổng cục Thủy lợi, mùa khô 2019-2020 xuất hiện sớm hơn so trung bình nhiều năm. Điểm khác thường nữa là thời gian hạn mặn kéo dài gấp đôi so với mùa khô năm 2016. Mức độ gay gắt và liên tục duy trì ở mức cao trong cả mùa khô. Độ mặn ở các sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông liên tục duy trì ở đỉnh, cao liên tục suốt từ tháng 2 đến tháng 5. Hầu như không giảm hoặc giảm không đáng kể trong các kỳ triều thấp. Xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 khu vực ĐBSCL ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử.

Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết: Long An là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của mùa hạn, mặn năm nay. Trước những dự báo của ngành chức năng, tỉnh đã triển khai đắp 2 đê kết hợp ngăn mặn tại huyện Thạnh Hóa, đắp 4 đập tạm ngăn mặn trên các kênh, rạch cắt ngang quốc lộc 62, kịp thời ngăn mặn cho 62.000 ha vùng dự án Bắc Đông của 2 tỉnh Long An và Tiền Giang. Bên cạnh đó, đắp 32 đập tạm trên các kênh nội đồng tại huyện Thủ Thừa, Tân Trụ, lắp đặt máy bơm và tổ chức bơm nước nhiều cấp chống hạn.

ĐBSCL vừa trải qua đợt hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong lịch sử. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

ĐBSCL vừa trải qua đợt hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt nhất trong lịch sử. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tỉnh Long An cũng lắp đặt 16 cửa cống ngăn mặn nằm dọc tuyến quốc lộ 62. Ngoài ra, ngay từ sau đợt hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2015-2016, tỉnh Long An đã chủ động rà soát, tổng hợp các danh mục ưu tiên, cấp bách để đầu tư nạo vét, tu bổ các công trình chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Ngoài việc xâm nhập mặn, Cà Mau còn bị sụt lún đất khá nặng nề với hơn 1.000 vị trí, tổng chiều dài hơn 30 km. Theo đó, chúng tôi đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ cho địa phương nghiên cứu quy hoạch, sắp xếp chuyển đổi sản xuất theo định hướng chung cả vùng. Đồng thời, đề nghị Trung ương đầu tư hệ thống thủy lợi liên vùng một cách đồng bộ. Cụ thể, dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 đã triển khai và cần sớm nghiên cứu cho giai đoạn 2.

Trong những năm tiếp theo dự báo tần suất hạn, mặn sẽ tiếp tục diễn ra phức tạp hơn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong những năm tiếp theo dự báo tần suất hạn, mặn sẽ tiếp tục diễn ra phức tạp hơn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre dẫn chứng: Tình hình hạn mặn ngày càng diễn ra gay gắt ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của bà con vùng ĐBSCL. Vì vậy, trong những năm tiếp theo dự báo tần suất hạn, mặn sẽ tiếp tục diễn ra phức tạp hơn. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ cần đưa ra những phải pháp phù hợp. Tuy nhiên, Bến Tre diện tích lúa không còn nhiều, nếu khép kín được hệ thống thủy lợi sẽ chủ động được nguồn nước phục vụ cho sản xuất và dân sinh. 

Thiệt hại giảm đáng kể

Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNTcho biết: Về sản xuất nông nghiệp, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng trực tiếp đến 10/13 tỉnh vùng ĐBSCL. Với vụ lúa mùa 2019, diện tích bị thiệt hại trên đất lúa tôm chủ yếu ở tỉnh Cà Mau 16.500/176.700 ha, trong đó mất trắng 14.000 ha.

Đối với vụ đông xuân 2019-2020, diện tích lúa bị ảnh hưởng khoảng 41.900 ha/1.541.000 ha tổng diện tích gieo trồng toàn vùng (chiếm tỷ lệ 2,7%). Trong đó, thiệt hại mất trắng 26.000 ha ở các tỉnh Trà Vinh 14.300 ha, Tiền Giang 4.500 ha, Sóc Trăng 4.100 ha, Kiên Giang 1.600 ha, Long An 800 ha, Cà Mau 600 ha. Diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn chủ yếu ở những nơi xuống giống muộn sau tháng 12/2019, do người dân tự phát thực hiện, không theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn.

Xâm nhập mặn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân ĐBSCL.  Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xâm nhập mặn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân ĐBSCL.  Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Riêng diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng do khô hạn, xâm nhập mặn khoảng 6.650 ha, gồm: Long An 2.397 ha, Tiền Giang 2.297 ha, Bến Tre 931 ha, Vĩnh Long 740 ha, Trà Vinh 267 ha, Sóc Trăng 18 ha, trong đó thiệt hại mất trắng khoảng 355 ha.

Cây rau màu, diện tích bị ảnh hưởng khoảng 1.241 ha, trong đó Long An 100 ha, Tiền Giang 810 ha, Bến Tre 168 ha, Trà Vinh 87 ha, Sóc Trăng 44 ha, Cà Mau 32 ha, trong đó thiệt hại mất trắng 541 ha.

Đối với nuôi trồng thủy sản, diện tích bị thiệt hại khoảng 8.715 ha nuôi cá truyền thống và tôm, tập trung ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang.

Ảnh hưởng nước sinh hoạt trong đợt hạn, mặn vừa qua khoảng 96.000 hộ. Mặc dù phạm vi ảnh hưởng của xâm nhập mặn cao hơn năm 2015-2016 nhưng số hộ thiếu nước sinh hoạt giảm khoảng 114.000 hộ so với năm 2015-2016.

Những bài học sâu sắc

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 ở khu vực ĐBSCL ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, mức độ gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh được giảm thiểu đáng kể. Từ mùa hạn mặn này chúng ta đúc kết được những bài học quý giá cho thời gian tới.

Thứ nhất, các cơ quan chuyên môn đã làm tốt công tác dự báo xâm nhập mặn. Việc nhận định sớm thời điểm xâm nhập mặn ảnh hưởng cực kỳ quan trọng trong việc bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình trạng nguồn nước.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nhận diện sớm và chủ động giúp giảm thiệt hại. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nhận diện sớm và chủ động giúp giảm thiệt hại. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thứ hai, sự chỉ đạo điều hành sớm, sát sao các giải pháp ứng phó từ Chính phủ đến địa phương và các cơ quan chuyên môn. Đặc biệt, việc khoanh vùng, cắt giảm, chuyển đổi thời vụ sản xuất để né mặn, giảm thiểu diện tích cây trồng bị ảnh hưởng.

Thứ ba, sự phối hợp tốt của các cơ quan truyền thông trong việc cảnh báo sớm và thường xuyên về tình hình nguồn nước, diễn biến xâm nhập mặn. Đa dạng hóa phương thức truyền thông, phổ biến thông tin mang lại hiệu quả tích cực.

Thứ tư, việc bố trí diện tích, cơ cấu thời vụ phù hợp với tình hình diễn biến xâm nhập mặn, nguồn nước là giải pháp hữu hiệu để ứng phó với xâm nhập mặn. Giải pháp này cần phải tiếp tục nghiên cứu, triển khai áp dụng cho ĐBSCL và các khu vực trên cả nước.

Thứ năm, việc thu thập thông tin từ thượng nguồn để hỗ trợ thực hiện việc dự báo xâm nhập mặn là rất cần thiết. Cụ thể, diễn biến dòng chảy thượng nguồn sông Mê Công, thủy triều do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Do đó, cần tiếp tục tăng cường trong thời gian tới, đặc biệt là nâng cao chất lượng dự báo dài hạn.

Vừa qua, tại ĐBSCL bên cạnh hạn mặn nguồn nước sụt giảm còn gây sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vừa qua, tại ĐBSCL bên cạnh hạn mặn nguồn nước sụt giảm còn gây sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thứ sáu, công tác thủy lợi như nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao, giếng, đắp đập tạm ngăn mặn, lắp đặt trạm bơm dã chiến, đầu tư xây dựng các công trình kiểm soát mặn đóng vai trò rất quan trọng. Thực tế, trong đợt xâm nhập mặn vừa qua, diện tích ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp giảm nhiều nhờ sự đóng góp không nhỏ của các công tác thủy lợi.

Thứ bảy, công tác dự báo xâm nhập mặn, nguồn nước đã được các cơ quan chuyên môn thực hiện tốt. Việc đo đạc độ mặn trước khi lấy nước được các đơn vị chuyên môn ở địa phương và người dân thực hiện tốt.

Thứ tám, việc nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ, diễn biến, ảnh hưởng tác động của xâm nhập mặn là rất cần thiết. Người dân chủ động ứng phó, tuân thủ theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn sẽ làm giảm thiệt hại rất nhiều.

Thứ chín, chủ động tích trữ nước sớm, tại chỗ của người dân ngay trong mùa mưa mang lại hiệu quả cao trong việc duy trì nước sinh hoạt tối thiểu cho người dân.

Thứ mười, thực hiện mở rộng tuyến ống cấp nước theo hình thức xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cung cấp vật tư, nhân công kỹ thuật lắp đặt ống nước, người dân tham gia ngày công lao động đào đường rãnh đặt ống nước là kinh nghiệm có thể triển khai mở rộng. Thực tế tại Sóc Trăng đã tiết kiệm khoảng 30% kinh phí thực hiện.

Mười một, hiện nay chưa có quy định pháp luật cụ thể về việc công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn ở các địa phương. Do vậy, khó khăn cho việc thống nhất chỉ đạo, điều hành các giải pháp ứng phó.

Cuối cùng, sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, trong nước, các cá nhân trong việc đóng góp sáng kiến, kinh nghiệm ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Nhiều DN hỗ trợ các trang thiết bị trữ, lọc nước sinh hoạt đóng góp quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của hạn hán, xâm nhập mặn.

"Chúng tôi đã rút ra một số kinh nghiệm"

Thứ nhất, chúng ta nhận dạng sớm các thách thức này. Ngay từ tháng 9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai một hội nghị đến các đồng chí lãnh đạo 13 tỉnh ĐBSCL bàn những nhóm giải pháp để ứng phó. Vì vậy, khi xảy ra hạn mặn chúng ta đã giảm thiểu được thiệt hại.

Thứ hai, chúng ta đồng bộ nhóm giải pháp các công trình ứng phó hạn, mặn. Đẩy nhanh tiến độ thi công và kịp thời đưa vào sử dụng ngay trong mùa hạn mặn này.

Thứ ba, áp dụng các giải pháp lịch thời vụ, đẩy sớm hơn một tháng và giảm thiểu trồng lúa ở những vùng khô hạn. Đặc biệt, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân có kinh nghiệm từ năm 2016 nên rất chủ động ứng phó.

(Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường).

Tại hội nghị, Bộ NN-PTNT đã tuyên dương 22 tập thể, 24 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống hạn, mặn nói chung. Trong đó, có Văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam khu vực ĐBSCL.

Tại hội nghị, Bộ NN-PTNT đã tuyên dương 22 tập thể, 24 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống hạn, mặn nói chung. Trong đó, có Văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam khu vực ĐBSCL.

  • Tags:
Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...