Một ủy ban khẩn cấp đã họp trước đó trong ngày 14/8 để tư vấn cho Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus về việc liệu đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ ở châu Phi có cần phải ban bố "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm" (PHEIC) hay không.
PHEIC là mức cảnh báo cao nhất của WHO và nhằm mục đích đẩy nhanh nghiên cứu, tài trợ và các biện pháp y tế cộng đồng quốc tế và hợp tác để ngăn chặn một dịch bệnh.
"Rõ ràng là một phản ứng chung của cộng đồng quốc tế là điều cần thiết để ngăn chặn những đợt bùng phát này và cứu sống nhiều người", Tedros nói.
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan qua tiếp xúc gần. Bệnh này thường có triệu chứng nhẹ, song cũng gây tử vong trong một số trường hợp. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hoặc biến chứng bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch. Triệu chứng điển hình về bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu giật, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, tăng bạch huyết.
Đợt bùng phát dịch ở Congo bắt đầu với sự lây lan của một chủng cũ, được gọi là nhánh I. Nhưng một biến thể mới, nhánh Ib, đã xuất hiện và dường như lây lan dễ dàng hơn thông qua tiếp xúc gần thông thường, bao gồm cả quan hệ tình dục.
Dịch bệnh này đã lan từ Congo sang các nước láng giềng, bao gồm Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda, buộc WHO phải có hành động khẩn cấp.
"Việc phát hiện một chủng đậu mùa khỉ mới ở miền đông Congo, phát hiện đậu mùa khỉ ở các nước láng giềng trước đây chưa từng ghi nhận bệnh này và khả năng lây lan rộng hơn ở châu Phi và lan sang các châu lục khác là rất đáng lo ngại", ông Tedros nói thêm.
Ông Tedros cho biết rằng WHO đã giải ngân 1,5 triệu USD trong quỹ dự phòng và có kế hoạch giải ngân thêm trong những ngày tới. Kế hoạch ứng phó của WHO ban đầu sẽ cần đến 15 triệu USD và cơ quan này có kế hoạch kêu gọi các nhà tài trợ đóng góp.
Đầu tuần này, cơ quan y tế công cộng hàng đầu châu Phi đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với lục địa này sau khi cảnh báo rằng virus đậu mùa khỉ đang lan rộng với tốc độ đáng báo động, với hơn 17.000 ca nhiễm và hơn 500 trường hợp tử vong trong năm nay, chủ yếu ở trẻ em ở Congo.
Giáo sư Dimie Ogoina, chủ tịch ủy ban khẩn cấp bệnh đậu mùa khỉ của WHO, cho biết tất cả các thành viên đều nhất trí rằng sự gia tăng các trường hợp các ca mắc mới là một "diễn biến bất thường", với số ca mắc kỷ lục ở Congo.
Vacxin và thay đổi thói quen sinh hoạt đã giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan khi một chủng đậu mùa khỉ khác bùng phát trước đó trên toàn cầu, chủ yếu ở những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới. Hồi tháng 7/2022, WHO đã một lần ban bố PHEIC đối với bệnh đậu mùa khỉ. Đến tháng 5/2023, khi số ca nhiễm đậu mùa khỉ giảm mạnh, mức cảnh báo quốc tế cao nhất đối với căn bệnh này đã được dỡ bỏ.