Quyết định bổ nhiệm bà Mariam Sherman làm Giám đốc Quốc gia mới của Việt Nam, Campuchia và Lào, có hiệu lực từ ngày 1/5/2024.
Với trụ sở chính tại Hà Nội, bà Sherman sẽ điều hành các hoạt động hợp tác của World Bank với Chính phủ Việt Nam, Campuchia và Lào, các đối tác phát triển và các bên liên quan để hỗ trợ thực hiện những hoạt động phù hợp với ưu tiên của từng nước, cũng như tầm nhìn của World Bank, nhằm tạo ra một thế giới không còn đói nghèo trên một hành tinh đáng sống.
Bà Sherman có 30 năm kinh nghiệm. Theo World Bank, lãnh đạo người Anh có năng lực lãnh đạo cần thiết để tạo ra những tác động tích cực trong vị trí mới.
Gia nhập World Bank vào năm 1997 và đã đảm nhiệm nhiều vai trò và vị trí lãnh đạo ở nhiều khu vực bao gồm Đông Á và Thái Bình Dương, Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi, châu Âu và Trung Á, bà Sherman từng giữ chức vụ Giám đốc Quốc gia tại Myanmar, Campuchia và Lào với trụ sở chính tại Yangon, Myanmar.
Người tiền nhiệm của Sherman, bà Carolyn Turk vừa kết thúc nhiệm kỳ gần 4 năm tại Việt Nam. Trong giai đoạn bà Carolyn Turk là Giám đốc Quốc gia World Bank tại Việt Nam, tổ chức này đã hỗ trợ Việt Nam hoãn trả nợ nhanh các khoản vay Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA).
Qua đó, góp phần giúp Việt Nam phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế sau đại dịch; đồng thời cung cấp khoản viện trợ không hoàn lại để nâng cao năng lực y tế dự phòng của Việt Nam.
Cũng trong giai đoạn từ 2020 đến 2024, World Bank đã huy động nguồn lực dành cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn; huy động các khoản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam để mềm hóa khoản vay, hỗ trợ thực hiện tư vấn chính sách, cải thiện thể chế, nâng cao năng lực điều hành cấp trung ương và địa phương…
Dựa trên nền tảng quan hệ đối tác bền chặt kéo dài 30 năm, World Bank kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ các mục tiêu phát triển và khí hậu của Việt Nam, bao gồm đạt được mục tiêu là nước thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 .
Tính đến tháng 4/2024, danh mục các dự án đang hoạt động của World Bank tại 3 quốc gia Đông Dương lên tới gần 5 tỷ USD, với các khoản đầu tư trên nhiều lĩnh vực bao gồm giáo dục, y tế, năng lượng, giao thông, nước, nông nghiệp, phát triển đô thị, số hóa và thích ứng khí hậu.
World Bank cũng thực hiện các chương trình tư vấn chiến lược tại Việt Nam, Campuchia và Lào để hỗ trợ các nước thực hiện những cải cách quan trọng trong các lĩnh vực tài chính, kinh tế cũng như vốn nhân lực, quản lý tài nguyên thiên nhiên và các hành động về khí hậu.