| Hotline: 0983.970.780

World Bank lạc quan về tăng trưởng của Việt Nam

Thứ Hai 01/04/2024 , 14:55 (GMT+7)

Trong số 23 quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, Việt Nam được dự báo tăng trưởng 5,5% trong năm 2024, cao hơn mức bình quân 4,5%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát tuyến cao tốc Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình đầu năm 2023. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát tuyến cao tốc Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình đầu năm 2023. Ảnh: VGP.

Báo cáo cập nhật Kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương (EAP) 2024 được Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố sáng 1/4, giờ Hà Nội. Theo đó, các nước trong khu vực tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn phần còn lại của thế giới nhưng vẫn chậm hơn so với trước đại dịch Covid-19.

Tăng trưởng của 23 quốc gia và vùng lãnh thổ tại EAP được dự đoán giảm từ mức 5,1% (theo dự báo cuối năm 2023) xuống còn 4,5%. Nguyên nhân chính nằm ở tình hình kinh tế của Trung Quốc, dự kiến giảm từ 5,2% xuống còn 4,5%. Nếu ngoại trừ nền kinh tế này, tăng trưởng của EAP sẽ nhích từ 4,4% lên 4,6%.

Động lực tăng trưởng chính của khối EAP tiếp tục là doanh nghiệp. Tuy nhiên, những doanh nghiệp có năng suất cao nhất khu vực lại chưa tận dụng được hết lợi thế của công nghệ mới, theo World Bank.

Chẳng hạn lĩnh vực điện tử, từ năm 2005 đến 2015, năng suất của 5% doanh nghiệp hàng đầu trên toàn cầu đã tăng 2,5 lần, nhanh hơn nhiều lần so với các doanh nghiệp hàng đầu ở Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Trong bức tranh chung ấy, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng. Cùng với Trung Quốc và Thái Lan, tính đến quý IV/2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã lấy lại nhịp tăng trưởng. Nhiều mặt hàng, đặc biệt là nhóm nông, lâm, thủy sản được dự báo sẽ lập kỷ lục trong năm 2024.

Theo dự báo được đưa ra hồi tháng 10/2023, World Bank cho rằng Việt Nam tăng trưởng tương ứng 4,7% và 5,5% trong năm 2023 và 2024. Tuy nhiên, sự hồi phục thần kỳ vào giai đoạn cuối 2023 giúp Việt Nam tăng trưởng 5% trong năm này, và được kỳ vọng đạt 5,5% vào năm 2024.

Không tính các quốc đảo Thái Bình Dương, Việt Nam là nước duy nhất được World Bank dự báo tích cực trong báo cáo phát đi ngày 1/4. Một số nước như Indonesia, Philippines, Lào không có bước đột phá, trong khi Malaysia, Thái Lan, Campuchia thậm chí tụt lại so với phân tích hồi cuối năm 2023.

Mông Cổ là quốc gia hiếm hoi tăng trưởng vượt dự báo, từ 5,1% lên 7,1% trong năm 2023, nhưng bị World Bank hạ kỳ vọng tăng trưởng năm 2024 từ 6,1% xuống 4,8%. Một trong những lý do nằm ở việc quốc gia Trung Á phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm và tương đối nhạy cảm trước những thay đổi của chính sách tiền tệ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Giám đốc World Bank tại Việt Nam Carolyn Turk. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Giám đốc World Bank tại Việt Nam Carolyn Turk. Ảnh: VGP.

Ông Aaditya Mattoo, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực EAP của World Bank cũng khuyến nghị 3 vấn đề về chính sách để các nước phát triển bền vững.

Thứ nhất, cải cách thị trường hàng hóa và dịch vụ, giúp thúc đẩy cạnh tranh và gia tăng hiệu quả. Ông lấy ví dụ, việc nâng cao dịch vụ tại VIệt Nam những năm qua đã góp phần tăng hơn 3% năng suất hoạt động của doanh nghiệp.

"Thị trường hàng hóa EAP tương đối mở. Linh hoạt các biện pháp phi thuế quan vừa làm tăng khả năng cạnh tranh trong nước, vừa tạo sức bật tại thị trường nước ngoài", ông Mattoo chia sẻ.

Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, rằng các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ có thêm tác động nếu được kết hợp với chính sách đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng. Trong một cuộc khảo sát tại Philippines, quốc đảo này đã kéo cáp quang về 12 tỉnh khó khăn, giúp các địa phương tiếp cận được dịch vụ băng thông rộng. Thương mại điện tử, từ đó, phát triển.

Vấn đề thứ hai được đại diện World Bank nêu là trang bị kỹ năng làm việc với công nghệ và đổi mới sáng tạo cho các cá nhân. Trên cơ sở đó, ông đề nghị các nước EAP tạo điều kiện để học sinh, sinh viên sớm tiếp xúc với công nghệ. Các bộ phận nghiên cứu tăng cường liên kết với doanh nghiệp, chủ động tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cuối cùng là nâng cao năng lực quản lý cho doanh nghiệp. "Sự khác biệt về chất lượng quản lý rất quan trọng, bởi chúng tạo ra năng suất rất khác nhau cho mỗi quốc gia", ông nói.

Trong khảo sát được thực hiện năm 2022, hơn 50% các công ty đổi mới sáng tạo tại Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam coi việc thiếu kỹ năng quản lý và lãnh đạo là một thách thức khi tuyển dụng lao động mới. Nhìn chung, năng lực quản lý của khối EAP còn một khoảng cách khá xa với các quốc gia phát triển. 

Cuối năm 2023, trong buổi làm việc với Giám đốc World Bank tại Việt Nam Carolyn Turk, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phía bạn ưu tiên tài trợ cho các dự án giao thông chiến lược như: Đường sắt cao tốc Bắc - Nam, TP.HCM  - Cần Thơ và đường sắt Khu công nghệ cao Hà Nội - Hòa Lạc.

Các ưu tiên khác bao gồm năng lượng tái tạo, nông nghiệp thông minh, phát thải các bon thấp, chuyển đổi số và thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện Việt Nam còn dư địa cho các khoản vay ODA mới do Chính phủ đang kiểm soát một cách hiệu quả nợ công, bội chi ngân sách trong giới hạn an toàn. 

Xem thêm
Xuất khẩu chè của Việt Nam 10 tháng tăng cả về khối lượng và giá trị

Tính chung 10 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt hơn 120 nghìn tấn, trị giá gần 212 triệu USD.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

10 năm Quỹ Vì tầm vóc Việt: Từ sự thấu hiểu, tạo sự thay đổi

Một thập kỷ qua, Quỹ Vì tầm vóc Việt đã kết nối và huy động sức mạnh cộng đồng để tạo nên những thay đổi tích cực, bền vững cho xã hội.

Độ nóng bất ngờ của căn phòng 3 ngủ tại Hanoi Melody Residences

Căn hộ 3 phòng ngủ (có diện tích từ 95-145m2) tại Hanoi Melody Residences đang được khách hàng rất quan tâm xuống tiền ngay giữa bối cảnh giá thị trường chung không ngừng gia tăng.