| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới phủ kín thủy lợi nội đồng

Thứ Tư 23/10/2024 , 10:00 (GMT+7)

Để giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, Bình Định ban hành chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương…

“Cú huých” trong dây dựng nông thôn mới

Xác định nếu kênh mương xập xệ, dù hồ đập có nhiều và hiện đại đến mấy thì hệ thống thủy lợi cũng chẳng thể phát huy hiệu quả. Do đó, vào ngày 6/12/2020, HĐND tỉnh Bình Định đã ban hành Nghị quyết số 30/2020/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ kiên cố kênh mương, kênh mương nội đồng giai đoạn 2021-2025; tiếp đến, ngày 18/12/2020, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 85/2020/QĐ-UBND về quy định chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, kênh mương nội đồng giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh Bình Định đã kiên cố gần 440km kênh mương, đạt tỷ lệ 73% so với kế hoạch giai đoạn 2021-2025 (600km); nâng tổng chiều dài kênh mương, kênh mương nội đồng được kiên cố trên địa bàn toàn tỉnh Bình Định đến thời điểm này là hơn 2.700km.

Kênh mương của xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định) được kiên cố hóa. Ảnh: V.Đ.T.

Kênh mương của xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước, Bình Định) được kiên cố hóa. Ảnh: V.Đ.T.

Để hoàn thành gần 440km kênh mương, UBND tỉnh Bình Định đã hỗ trợ hơn 132 tỷ đồng; trong đó, hỗ trợ bằng tiền là hơn 81 tỷ đồng, hỗ trợ xi măng quy đổi thành tiền hơn 51 tỷ đồng.

“Chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương của UBND tỉnh đang được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định khẳng định.

Riêng năm 2024, Bình Định thực hiện kiên cố hóa được 137km kênh mương; tổng kinh phí hỗ trợ theo chính sách kiên cố hóa kênh mương của UBND tỉnh là hơn 55,6 tỷ đồng triệu đồng; bao gồm: Hỗ trợ xi măng 10.866 tấn, quy đổi thành tiền là hơn 17 tỷ đồng, hỗ trợ bổ sung bằng tiền là hơn 38,5 tỷ đồng.

Hiệu quả thiết thực

Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân (Bình Định), Nghị quyết số 30/2020/NQ của HĐND tỉnh Bình Định là “cú huých” giúp địa phương có điều kiện đầu tư, nâng cấp hệ thống kênh mương. Qua thực tế triển khai, từ nguồn hỗ trợ xi măng và hỗ trợ bằng tiền từ vốn ngân sách tỉnh từ năm 2021 đến nay, mỗi năm, huyện Hoài Ân đã đầu tư kiên cố hóa trên 20km kênh mương.

“Đến nay, trên địa bàn huyện Hoài Ân đã có 322km kênh mương nội đồng được bê tông hóa, đảm bảo tưới tiêu cho hơn 10.000ha đất canh tác, chiếm hơn 96% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn huyện”, ông Tín phấn khởi cho hay.

Ông Nguyễn Đô, Bí thư Đảng ủy xã Ân Thạnh (huyện Hoài Ân, Bình Định), thì chia sẻ: Chương trình kiên cố hóa kênh mương đã thực sự đem lại hiệu quả thiết thực cho sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Trên địa bàn xã đã có 30km kênh mương được kiên cố hóa, đảm bảo việc tưới tiêu cho 387ha đất sản xuất lúa, đạt 100% diện tích. “Nhờ có hệ thống kênh tưới đảm bảo, năng suất lúa và các loại cây trồng cạn trên địa bàn tăng hằng năm, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân”, ông Độ cho hay.

Hệ thống kênh mương của huyện Phù Cát (Bình Định) được kiên cố hóa, việc tưới tiêu được đảm bảo, nông dân rất phấn khởi. Ảnh: V.Đ.T.

Hệ thống kênh mương của huyện Phù Cát (Bình Định) được kiên cố hóa, việc tưới tiêu được đảm bảo, nông dân rất phấn khởi. Ảnh: V.Đ.T.

Những năm gần đây, huyện Phù Cát cũng tập trung kiên cố hệ thống kênh mương; góp phần giải quyết bài toán nước tưới, đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Võ Ngọc Thương, Chủ tịch UBND xã Cát Hưng (huyện Phù Cát, Bình Định), đến nay, xã Cát Hưng đã kiên cố hóa gần 24km kênh mương nội đồng, chủ động nước tưới cho 420ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có gần 370ha đất sản xuất lúa.

“Trước đây, vào vụ hè thu, các cánh đồng trên địa bàn thôn thường xuyên thiếu nước tưới do hệ thống kênh mương xuống cấp. Khi tỉnh triển khai chính sách hỗ trợ kiên cố hóa hệ thống kênh mương, việc tưới tiêu tại địa phương được đảm bảo, nông dân rất phấn khởi”, ông Trần Văn Bảo, nông dân ở thôn Mỹ Thuận, xã Cát Hưng (huyện Phù Cát) chia sẻ.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Mắm Lê Gia đạt OCOP 5 sao: Thành công là hành trình, không phải điểm đến

Sản phẩm nước mắm Lê Gia - Cốt đặc biệt 40N của Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.