| Hotline: 0983.970.780

Chuỗi liên kết mạ khay, máy cấy và tiêu thụ thóc tươi ở huyện Phú Xuyên

Thứ Bảy 01/07/2023 , 06:23 (GMT+7)

Trong khi tỷ lệ mạ khay cấy máy ở Hà Nội hiện nay chỉ vào khoảng 2-3% thì huyện Phú Xuyên đã đạt khoảng 14-15%, cao nhất thành phố. Vậy đâu là bí quyết?

Sản xuất mạ khay là giải phóng sức lao động cho nông dân. Ảnh: NNVN.

Sản xuất mạ khay là giải phóng sức lao động cho nông dân. Ảnh: NNVN.

Đó chính là nhờ Phú Xuyên triển khai chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, nông hộ áp dụng mạ khay, cấy máy trong sản xuất lúa và tiêu thụ sản phẩm để hình thành các chuỗi liên kết mà chủ lực là các HTX. HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Phú Hưng có địa chỉ ở thôn Thụy Phú, xã Nam Tiến là Trung Tâm mạ khay theo tiêu chuẩn Kubota làm tốt nhất Hà Nội hiện nay.

Số lượng khay mạ đơn vị này sản xuất mỗi vụ từ 15 – 17 vạn, số lượng máy cấy hiện có 11 cái công suất lớn (Kubota 6 CMD máy cấy ngồi lái, 6 hàng và 12 tay cấy). Hàng vụ đơn vị đã tổ chức sản xuất mạ khay, cấy máy và tiêu thụ thóc tươi cho không chỉ các thành viên mà còn lan ra nhiều khu vực ở huyện Phú Xuyên và các huyện lân cận như Thanh Oai, Thường Tín, Mỹ Đức với hệ thống máy sấy thóc 200 tấn/ngày. Ông Phạm Minh Đức, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Phú Hưng cho biết, đơn vị có 7 thành viên nhưng vụ xuân cấy 800 - 900 mẫu, vụ mùa 400-500 mẫu.

Cấy máy giúp đồng ruộng thông thoáng, ít sâu bệnh. Ảnh: NNVN.

Cấy máy giúp đồng ruộng thông thoáng, ít sâu bệnh. Ảnh: NNVN.

Cấy máy có nhiều ưu điểm hơn cấy tay truyền thống như giảm 15 - 20 kg thóc/sào, nhờ cấy thưa mà ruộng đồng thông thoáng nên giảm sâu bệnh, hạ giá nhân công 50%. Tuy nhiên, cơ giới hoá đồng bộ phụ thuộc vào độ phẳng của đồng đất và hệ thống thủy lợi phải chủ động được việc tưới tiêu. Thường thì máy cấy chỉ thích hợp chân ruộng cao. Nhờ vào cơ giới hoá đồng bộ cấy, cày, thu hoạch, sấy lúa nên HTX thu nhập bình quân đạt 1 tỷ đồng/năm và hàng ngàn hộ dân trong và ngoài xã được giải phóng sức lao động nhưng việc tái đầu tư cho máy móc, trang thiết bị cũng phải thường xuyên nên khá tốn kém.

Một điểm sáng khác trong phát triển liên kết theo chuỗi sản xuất mạ khay, cấy máy và tiêu thụ sản phẩm là HTX Nông nghiệp Phú Thắng ở xã Đại Thắng. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc HTX cho biết đơn vị có 151 thành viên, được huyện và thành phố quan tâm hỗ trợ trong cơ giới hóa đồng bộ nên ngay từ năm 2012 Phú Thắng đã thành lập 3 tổ dịch vụ gồm làm đất;  sản xuất giá thể, làm mạ khay và máy gặt. Tổ sản xuất giá thể, làm mạ khay với 10 máy cấy và 18.000 khay mạ, giàn gieo hạt liên hoàn 800 khay/giờ, xưởng sản xuất giá thể trên 600m2. Tổ sản xuất giá thể gieo mạ khay với giá 200.000 đồng/sào cấy máy hoàn chỉnh.

Cơ giới hóa khâu làm đất và bón phân. Ảnh: NNVN.

Cơ giới hóa khâu làm đất và bón phân. Ảnh: NNVN.

Ưu điểm mạ khay cấy máy là giảm chi phí công lao động; mật độ cấy thưa, giảm sâu bệnh; lúa trổ tập trung, số nhánh hữu hiệu nhiều hơn, năng suất bằng hoặc cao hơn 5 - 10% so cấy truyền thống. Bởi thế mà chi phí giảm được 4,1 triệu đồng/ha. Tuy nhiên trong quá trình phát triển cách làm mới này, HTX vẫn còn gặp không ít khó khăn như: Việc dồn điền đổi thửa tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn chưa nhiều. Bởi sản xuất còn nhỏ lẻ nên diện tích cấy máy, cấy tay còn xen kẽ, ảnh hưởng đến tính hiệu quả của máy móc cũng như điều hành tưới tiêu và gặt máy. Ở những vùng đất cao cơ giới hóa dễ dàng hơn vùng chiêm trũng do máy xuống hay bị lầy thụt.  

Nhờ chuỗi liên kết trong sản xuất mạ khay, áp dụng cấy máy đã giúp giải phóng được một số lượng lớn lao động trẻ trong nông nghiệp, giúp họ có cơ hội chuyển sang phát triển dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Và khi làng quê thiếu vắng lao động trẻ nhưng huyện Phú Xuyên vẫn giữ được màu xanh trên các cánh đồng, hạn chế được tình trạng ruộng bỏ hoang.

Toàn huyện Phú Xuyên hiện có 73 HTX nông nghiệp. Hằng năm, huyện vẫn hỗ trợ kinh phí cho kinh tế tập thể ở các nội dung như tập huấn kỹ thuật, cấp vật tư giống, phân bón, thiết bị, vay vốn để thúc đẩy. Song song với đó tạo “mồi” để thành lập các HTX kiểu mới mang tính chuyên ngành để thực hiện có hiệu quả hơn việc tổ chức sản xuất cho bà con. Phổ biến Luật HTX, các chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết cho cán bộ, thành viên nhận thức rõ hơn về HTX kiểu mới, thấy rõ được tính cấp thiết phải đi chung với nhau, liên kết với nhau trong làm ăn.

Lắng nghe ý kiến phản hồi từ cơ sở để tập trung tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoạt động của các HTX, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cho vay vốn tạo môi trường thuận lợi cho các HTX phát triển bền vững.

Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Ra mắt bộ giống chè mới và giải pháp canh tác chè bền vững

PHÚ THỌ Bộ giống chè mới và các kỹ thuật canh tác chè đã được giới thiệu tại Diễn đàn 'Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao' tổ chức sáng 5/11.