| Hotline: 0983.970.780

Xã kiện doanh nghiệp Hàn Quốc bội tín với người trồng chuối

Thứ Ba 15/08/2017 , 13:15 (GMT+7)

Ông Nguyễn Hữu Nhàn, Chủ tịch UBND xã Viên Thành (Yên Thành) cho biết, địa phương đang hoàn tất hồ sơ để khởi kiện một doanh nghiệp Hàn Quốc ra tòa vì doanh nghiệp này “bỏ chạy” sau khi dự án đổ bể và nợ tiền thuê đất người dân.

Chuối xuất khẩu ở… chợ quê

Năm 2010, Cty TNHH Globe Farm (Hàn Quốc) đầu tư 4 triệu USD triển khai Dự án trồng chuối xuất khẩu tại xã Viên Thành, quy mô dự kiến 200 ha, cung cấp 10.000 tấn chuối XK/năm. Do diện tích đất không đủ, Cty triển khai dự án với 54ha. Theo đó, hàng trăm hộ dân đã cho nhà đầu tư thuê đất theo Nghị định 64 thời hạn 20 năm, hy vọng sẽ được tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập.

16-57-50_du_n_trieu_do_chet_yeu
Dự án triệu đô chết yểu

Thông qua HTXNN xã Viên Thành, ngày 9/6/2010, Cty TNHH Globe Farm ký hợp đồng thuê 54 ha đất của 750 hộ dân thuộc các xóm 4, 5, 6, 7, 8, 9 và xóm Đình Hát, giá thuê đất là 600 USD/ha/năm. Đến nay, Cty đã 2 lần thanh toán tiền thuê đất với tổng số tiền 141.635,5 USD.

Trên diện tích đất thuê, Cty TNHH Globe Farm đầu tư khoảng 25 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, hệ thống treo chuối, nhập khẩu mô chuối từ Philippines về để ươm và trồng 140.000 cây giống.

Thời gian đầu, nhờ đầu tư quy mô, bài bản, dự án phát huy hiệu quả, chuối giống sinh trưởng phát triển tốt. Có những thời điểm, Cty sử dụng tới hơn 100 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân trên 2,5 triệu đồng/người/tháng.

Thế nhưng, một phần do thời tiết bất thuận, giống chuối từ Philippines chưa thích nghi với thổ nhưỡng Việt Nam; công tác quản lý, tổ chức sản xuất của nhà đầu tư chưa được quan tâm đúng mức nên dự án teo tóp dần; nhà đầu tư chỉ để lại một nhân viên kế toán, một chuyên gia người Hàn Quốc và một bảo vệ. Trang trại chuối hoang tàn, nhà xưởng bỏ hoang...

Từ năm 2012 - 2015, dự án triệu đô này chỉ mang về khoảng 750 tấn chuối. Trong số này, có 13 container (520 tấn) được xuất khẩu sang Hàn Quốc. Số còn lại khoảng 230 tấn phải bán lẻ cho tư thương hoặc đem ra các chợ quê trong huyện để tiêu thụ. Từ đầu năm 2016 đến nay dự án hoạt động cầm chừng, không có chuối xuất khẩu cũng không được đầu tư trồng thêm.
 

Khởi kiện doanh nghiệp

Đầu năm 2015, Cty TNHH Globe Farm đã trả lại trên 9 ha tại đồng Cây Trường và Sông Vang thuộc các xóm 5, xóm 8 và xóm Đình Hát.

Từ đó, trại chuối dường như bị bỏ bê, cây còi cọc, xơ xác, cỏ mọc um tùm; nhà xưởng vắng vẻ, hoang tàn. Dự án lâm vào tình cảnh khó khăn, nhà đầu tư trả đất kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế, khiến nhiều công nhân mất việc làm. Ngoài khoản nợ lớn tiền thuê đất gây nên những bức xúc thì việc Cty trả lại số diện tích đất không sử dụng cũng khiến người dân dở khóc, dở cười.

Xóm Đình Hát có hơn 8,5ha đất trồng màu cho thuê nhưng đến nay đã có hơn 3 ha của 30 hộ tại đồng Cây Trường được Cty Globe Farm trả lại. Xã và xóm đang tiếp tục vận động bà con làm bằng mọi cách để không bỏ hoang đất. Tuy nhiên, qua một số vụ làm xen canh lạc, ngô, đất đai rất khó canh tác, năng suất giảm so với trước nên bà con chán nản.

Trước tình hình trên, UBND huyện Yên Thành đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư thanh toán 70% tiền thuê đất trong năm 2015 trước ngày 30/4/2016, 30% còn lại của năm 2015 trả trước ngày 30/5/2016, tiền thuê đất của 6 tháng đầu năm 2016 thanh toán trước ngày 30/6/2016. Thế nhưng, đến cuối tháng 7/2016 đến nay, Cty TNHH Globe Farm vẫn chưa trả thêm được tiền thuê đất cho các hộ dân xã Viên Thành khiến người dân càng thêm bức xúc.

Theo ông Nguyễn Hữu Nhàn, Chủ tịch UBND xã Viên Thành, xã sẽ khởi kiện Cty TNHH Globe Farm ra tòa, buộc doanh nghiệp này thực hiện 3 nội dung, gồm: trả tiền thuê đất theo hợp đồng; trả tiền góp đất cho HTX Nông nghiệp Viên Thành (1.000 USD/năm); nếu không còn nhu cầu thuê đất nữa thì phải hoàn trả lại mặt bằng như ban đầu, để trả lại cho xã.

Hiện, doanh nghiệp đang nợ tiền thuê đất từ năm 2015 đến tháng 6 năm nay với số tiền nợ 80.212 USD.

Từ tháng 7/2016, Cty TNHH Globe Farm rút người đi hết, cả cánh đồng chuối bỏ hoang, trong khi người dân không có đất để sản xuất và cũng không thu được tiền cho thuê đất.

16-57-50_nh_xuong_hong_tn
Nhà xưởng hoang tàn

Nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân, ngày 21/12/2016, UBND tỉnh Nghệ An ra thông báo kết luận của ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu nhà đầu tư san gạt và khôi phục mặt bằng, hoàn thành trước ngày 15/1/2017 để trả lại đất cho dân sản xuất.

Số nợ tiền thuê đất trong 2 năm 2015 và 2016 là 53.754 USD, doanh nghiệp trả trước 50%, còn lại UBND huyện Yên Thành tạm ứng ngân sách cho doanh nghiệp vay để trả cho dân thông qua UBND xã Viên Thành. Đến nay, UBND huyện Yên Thành đã ứng ngân sách hơn 605 triệu đồng để chi trả cho người dân.

“Chúng tôi không muốn ép, dù Cty TNHH Globe Farm đã vi phạm hợp đồng. Tuy nhiên, xã đã nhiều lần liên hệ với đại diện doanh nghiệp để phối hợp giải quyết nhưng không được. Đất đai bỏ hoang từ 3 năm nay, trong khi người dân không có đất sản xuất và tiền cho thuê cũng không đòi được, nên người dân bức xúc, buộc chúng tôi phải khởi kiện” - ông Nhàn nói.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm