| Hotline: 0983.970.780

Xác định phạm vi vùng bờ biển theo luật pháp quốc tế và Việt Nam

Thứ Hai 23/11/2020 , 20:51 (GMT+7)

Xác định phạm vi vùng bờ là việc làm cần thiết để thực hiện hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo và vùng bờ.

Vùng bờ là khu vực giao thoa giữa đất liền hoặc đảo với biển, vùng bờ chiếm vị trí quan trọng trong cấu trúc lãnh thổ quốc gia và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việc xác định vùng bờ là nội dung đã được luật hóa trong các văn bản quy phạm của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới từ rất lâu về trước. Tại Việt Nam, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 được xem là văn bản quy phạm pháp luật đầu tiên quy định về xác định phạm vi vùng bờ.

 Theo Nghị định thư về quản lý tổng hợp vùng bờ ở Địa Trung Hải  (Nghị định thư) thì vùng bờ được định nghĩa như sau: “Vùng bờ là vùng địa mạo hai bên của bờ biển có sự tương tác giữa phần biển và đất liền, mà tại đây xuất hiện hình thái của các hệ thống tài nguyên và sinh thái phức tạp, cấu thành các thành phần sinh vật và phi sinh vật, cùng tồn tại và tương tác với cộng đồng dân cư và các hoạt động kinh tế - xã hội có liên quan” .

 Điều 1 Luật quản lý vùng bờ năm 1999 của Hàn Quốc, vùng bờ là một thuật ngữ dùng để mô tả vùng lãnh hải quốc gia lên đến 12 hải lý hướng ra biển và địa giới hành chính của các hạt và thành phố ven biển. Vùng bờ bao gồm vùng nước ven bờ và vùng đất ven biển.

 Tại Khoản 6 Điều 3 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 của Việt Nam quy định: “Vùng bờ là khu vực chuyển tiếp giữa đất liền hoặc đảo với biển, bao gồm vùng biển ven bờ và vùng đất ven biển”.

 Như vậy, khi so sánh với các quy định pháp luật quốc tế nêu trên, khái niệm vùng bờ theo pháp luật Việt Nam vừa có sự tương ứng nhất định lại vừa mang điểm khác biệt cơ bản khi vùng bờ được xác định cho cả trên đất liền và trên các đảo, do đó khu vực này là vùng chuyển tiếp giữa đất liền với biển hoặc giữa vùng đất trên đảo với biển. 

 Xác định phạm vi vùng bờ ở Địa Trung Hải, tại Điều 3 Nghị định thư về quản lý tổng hợp vùng bờ ở Địa Trung Hải đã đưa ra cách xác định phạm vi vùng bờ như sau:

 Vùng bờ ở Địa Trung Hải là vùng địa mạo nằm về 02 hai phía của bờ biển, phía hướng ra biển và phía hướng vào đất liền. Do đó, vùng bờ được xác định bởi 02 ranh giới, gồm ranh giới phía biển và ranh giới phía đất liền:

 Ranh giới phía biển của vùng bờ là ranh giới phía ngoài của lãnh hải của quốc gia thành viên. Ranh giới phía đất liền của vùng bờ là địa giới hành chính ven biển do quốc gia thành viên tự xác định.

 Trong phạm vi chủ quyền của mình, quốc gia thành viên có thể thiết lập các ranh giới khác với điều kiện:

 Ranh giới phía biển phải bé hơn ranh giới phía ngoài của lãnh hải; Ranh giới phía đất liền thì khác, có thể lớn hơn hoặc bé hơn ranh giới mà Nghị định thư quy định, phụ thuộc vào phương pháp tiếp cận hệ sinh thái, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và phải xem xét đến tình hình cụ thể của các đảo có liên quan đến đặc tính địa mạo của vùng bờ, đồng thời phải cân nhắc đến những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Theo pháp luật Hoa Kỳ, phạm vi vùng bờ được xác định:  Vùng biển ven bờ là vùng mở rộng hướng ra biển được xác định: (i) trong vùng Great Lakes là các vùng biển nằm trong lãnh thổ của Hoa Kỳ bao gồm Great Lakes, các vùng nước tiếp nối, bến cảng, vũng tàu và các khu vực cửa sông như vịnh, vùng nước nông và đầm lầy; (ii) tại các khu vực khác là những vùng biển tiếp giáp với bờ biển mà có thể ước lượng khối lượng hoặc tỷ lệ nước biển tại đó, bao gồm vịnh, đầm phá, vũng và cửa sông ….

Vùng mở rộng hướng vào đất liền: tính từ đường bờ biển chỉ mở rộng vào đất liền một vùng cần thiết để kiểm soát vùng đất ven bờ biển mà việc sử dụng vùng này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp nhất định đến vùng nước ven bờ, đồng thời để kiểm soát những khu vực địa mạo mà dễ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng.

Xác định phạm vi vùng bờ theo pháp luật Hàn Quốc, tại Điều 1 Luật quản lý vùng bờ năm 1999 của Hàn Quốc thì vùng bờ bao gồm vùng nước ven bờ và vùng đất ven biển, theo đó:

Vùng nước ven bờ: trải dài từ đường bờ biển ra tới ranh giới ngoài của lãnh hải. Có nghĩa là ranh giới hướng ra biển của vùng bờ là ranh giới phía ngoài của lãnh hải Hàn Quốc.

Vùng đất ven biển: bao gồm cả các đảo không có người cư trú, ranh giới hướng vào đất liền của vùng bờ là 500m tính từ đường bờ biển hoặc 01km tính từ đường bờ biển trong trường hợp có các cảng cá, cảng thương mại và các tổ hợp khu công nghiệp. 

Theo pháp luật Việt Nam, phạm vi vùng bờ được xác định: Tại khoản 1 Điều 22 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chỉ quy định nguyên tắc xác định phạm vi vùng bờ và giao Chính phủ quy định chi tiết về phạm vi vùng bờ tại Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Điều 8). 

Từ kinh nghiệm tham khảo được của một số nước trên thế giới, phạm vi vùng bờ của Việt Nam được xác định: Phạm vi của vùng bờ bao gồm vùng biển ven bờ và vùng đất ven biển, trong đó:

Vùng biển ven bờ có ranh giới trong là đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm (18,6 năm) và ranh giới ngoài cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm một khoảng cách 06 hải lý do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định và công bố. Vùng đất ven biển bao gồm các xã, phường, thị trấn có biển.

Ngày 06 tháng 6 năm 2018, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 1790/QĐ-BTNMT ban hành và công bố Danh mục các điểm có giá trị đặc trưng mực nước triều vùng ven biển và 10 đảo, cụm đảo lớn của Việt Nam; Bản đồ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiểu năm và đường ranh giới ngoài cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm một khoảng cách 03 hải lý vùng ven biển Việt Nam.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm