| Hotline: 0983.970.780

Xanh - sạch - đẹp ở nông thôn theo hướng xã hội hóa

Chủ Nhật 29/11/2020 , 15:57 (GMT+7)

Xanh - sạch - đẹp ở nông thôn là bảo vệ môi trường, một trong những tiêu chí quan trọng của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Để thực hiện được tiêu chí này, thời gian qua đã có sự vào cuộc của các cấp, hội và nhiều doanh nghiệp. Cụ thể nhất là việc thu gom, xử lý chất thải, nước thải, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp để xây dựng nông thôn mới.

Hướng đến một vùng nông thôn môi trường trong lành xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hướng đến một vùng nông thôn môi trường trong lành xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo đánh giá tổng kết từ tiêu chí này, mặc dù mỗi nơi có những cách làm và sáng kiến khác nhau nhưng đều hướng đến một môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp hơn. Nổi bật nhất trong việc thực hiện công việc này của các cấp hội là đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động. Cụ thể như đối với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có thế mạnh trong việc tổ chức cuộc thi “Nông dân tìm hiểu kiến thức pháp luật về nước sạch và bảo vệ môi trường cấp xã theo hình thức sân khấu hóa”.

Theo báo cáo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, xây dựng mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn là hoạt động rất cụ thể và hiệu quả. Tuy nhiên, xây dựng mô hình khó một, duy trì mô hình khó hai và nhân rộng mô hình khó ba. Vì vậy, thời gian tới, đi đôi với giải pháp xây dựng là duy trì và nhân rộng mô hình.

Ngày 30/11, tại Sóc Trăng sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết, đánh giá các mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng xã hội hóa.

Đối với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nổi bật hơn là cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Trong đó, các tiêu chí “sạch nhà -sạch bếp - sạch ngõ” góp phần thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng NTM. Với thế mạnh hệ thống 4 cấp của Hội từ Trung ương tới cơ sở, cùng với mạng lưới cán bộ Hội tới tận chi, tổ nên các cuộc vận động này được cả bề rộng lẫn chiều sâu.

Riêng với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, hiện nay cả nước có hàng chục ngàn mô hình bảo vệ môi trường. Trong đó, có các mô hình câu lạc bộ, tổ, đội cựu chiến binh tự quản thu gom rác thải. Thực tế, nhiều cựu chiến binh tự nguyện hàng ngày làm sạch môi trường nơi cư trú, huy động cựu chiến binh ở cơ sở ra quân làm sạch môi trường nơi công cộng.

Một vùng quê yên bình, xanh - sạch - đẹp ở ĐBSCL. Ảnh: Trọng Linh.

Một vùng quê yên bình, xanh - sạch - đẹp ở ĐBSCL. Ảnh: Trọng Linh.

Cùng với đó, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nhiều nơi cũng có những sáng kiến độc đáo như mô hình “tái sử dụng lốp xe làm bồn hoa”. Mô hình này được phát triển mạnh ở các tỉnh Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Hậu Giang... Theo đó, thanh niên sử dụng các lốp xe ô tô cũ, sau khi gia công, sơn sửa, các lốp xe ô tô cũ được làm thành các bồn hoa đẹp mắt đặt ở ven đường.

Không ngoài cuộc, nhiều doanh nghiệp tham gia rất tích cực vào việc bảo vệ môi trường nông thôn. Điển hình như Công ty TNHH Trang Trại Việt xây dựng mô hình chăn nuôi gà khép kín hiện đại và công nghệ xử lý phân gà thành phân bón hữu cơ trong vòng 48 tiếng. Công ty TNHH Trang Linh tái sử dụng chất thải trong chăn nuôi. Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình tổ chức chăn nuôi tập trung và liên kết, sản xuất đệm sinh học làm nền chuồng trại để sử lý chất thải.

Cùng với những sáng kiến đó, ở nhiều địa phương người dân đã tự nguyện ký cam kết bảo vệ môi trường và đưa nội dung cam kết gắn với việc thực hiện quy ước nếp sống văn hóa. Đồng thời, chủ động thực hiện các hoạt động chung sức bảo vệ môi trường, tự giác đóng góp kinh phí để đầu tư cho việc thu gom, xử lý rác thải.

Thực tế, nước ta hiện nay có hơn 60 triệu dân sống ở vùng nông thôn, chiếm khoảng 76.5% số dân của cả nước. Trung bình mỗi ngày, khu vực nông thôn phát sinh khoảng hơn 31 nghìn tấn chất thải rắn sinh hoạt. Chất thải sinh hoạt chủ yếu là chất vô cơ và hữu cơ, trong đó chất hữu cơ chiếm phần lớn chủ yếu là từ thực phẩm thải.

Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt tại khu vực nông thôn chỉ mới đạt khoảng 40% đến 55% và hoàn toàn không phân loại chất thải rắn tại nguồn. Vì thế, chất thải không được tái chế mà xử lý bằng biện pháp chôn lấp, không hợp vệ sinh nên gây ô nhiễm môi trường.

Đối với nước thải sinh hoạt, mới chỉ xử lý một phần từ nhà vệ sinh thông thường bằng hệ thống bể phốt. Bên cạnh đó, nước thải từ các nguồn nhà tắm, máy giặt, nhà bếp và nhiều chất độc hại khác không được xử lý. Theo đó, đã đổ trực tiếp ra môi trường, hoặc đổ vào hệ thống thoát nước công cộng đã làm cho các kênh và sông thoát nước của các thành phố lớn và các khu dân cư tập trung bị ô nhiễm nghiêm trọng. (Theo Tổng Cục môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg đã đề ra nhiệm vụ “Xây dựng các công trình bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn xã thôn theo quy hoạch: thu gom, xử lý chất thải, nước thải, cải tạo nghĩa trang, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch -đẹp”.

Để cụ thể hóa các mục tiêu và nội dung về bảo vệ môi trường tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 16/8/2017 Phê duyệt Đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa, giai đoạn 2017 – 2020.

Theo đó, Quyết định 712/QĐ-TTg ngày 16/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp cụ thể để hỗ trợ triển khai thực hiện các mô hình về xử lý chất thải, nước sạch, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, chăn nuôi, trong đó có các ưu đãi hỗ trợ về nguồn vốn vay, về đất đai, thuế phí.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.

Bình luận mới nhất