Ông Lê Xuân Quang, Chủ nhiệm nhiệm vụ “Giám sát, dự báo chất lượng nước trong hệ thống công trình thuỷ lợi Liễn Sơn phục vụ lấy nước sản xuất nông nghiệp” của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường cho biết, từ các kết quả giám sát và dự báo chất lượng nước trong công trình thủy lợi Liễn Sơn cho thấy chất lượng nước trong hệ thống thủy lợi Liễn Sơn vẫn diễn ra khá phức tạp.
Nhìn chung về tình hình thu gom, phân loại và lưu chứa chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại của các cơ sở vẫn chưa thực hiện tốt.
Trong thời gian qua, tồn tại các vấn đề môi trường bức xúc trong lưu vực sông Phan như ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động sản xuất tại các KCN, làng nghề, ô nhiễm do chất thải phát sinh không được thu gom và xử lý, ô nhiễm nguồn nước do nước thải các khu đô thi, dân cư tập trung chưa có hệ thống thu gom và xử lý... Các vấn đề môi trường bức xúc tại các địa phương, liên vùng, liên hệ thống tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội đến môi trường lưu vực sông.
Để giảm thiểu ô nhiễm nước sông trong hệ thống Liễn Sơn, theo ông Quang, cần phải xử lý toàn bộ nước thải trước khi xả ra sông, kênh. Cần thiết có sự theo dõi thường xuyên chất lượng nước tại các vị trí đã được lựa chọn trong mạng giám sát và tại các điểm xả nước thải trực tiếp ra hệ thống, nhằm đánh giá đầy đủ và toàn diện những thay đổi thường xuyên và bất thường trên mạng quan trắc chất lượng nước của hệ thống thủy lợi Liễn Sơn.
Cùng đó, chính quyền các địa phương trong hệ thống cần quan tâm và phải có biện pháp mạnh trong việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến luật thủy lợi có hiệu lực từ 1/7/2017. Đề nghị các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong phạm vi hệ thống thủy lợi Liễn Sơn phải làm thủ tục cấp phép và nghiêm túc thực hiện theo đúng các nội dung trong quyết định cấp phép.
Ngoài ra, cần tăng cường trong công tác kiểm tra, cấp phép xả thải và giám sát các nguồn xả thải vào HTTL để nắm được quy luật xả thải cũng như tải lượng xả thải nhằm vận hành công trình trong hệ thống hợp lý nhằm giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tới từng địa phương về luật tài nguyên nước, pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, quy định thủ tục cấp giấy phép xả thải. Cấp có thẩm quyền thực hiện nghiêm việc xử phạt đối với các vi phạm về xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi.
Cũng theo ông Lê Xuân Quan, cần tiếp tục thực hiện Nhiệm vụ “Giám sát, dự báo chất lượng nước trong hệ thống thuỷ lợi Liễn Sơn phục vụ lấy nước sản xuất nông nghiệp” trong các năm tiếp theo để đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm quản lý các nguồn thải gây ô nhiễm, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do ô nhiễm chất lượng nước gây ra. Cần mở rộng phạm vi quan trắc để có dữ liệu đánh giá chất lượng nước trong hệ thống tại một số vị trí phát sinh ô nhiễm như: Vị trí trên sông Phan, sông Cà lồ, nơi tiếp nhận nước thải của thành phố Vĩnh Yên và khu công nghiệp.