| Hotline: 0983.970.780

Xây bể chứa nước mưa

Thứ Tư 23/07/2014 , 10:10 (GMT+7)

Tại tỉnh Đăk Lăk, mô hình xây bể chứa nước mưa để sử dụng trong sinh hoạt trong thành phố đang được đông đảo người dân ứng dụng.

Đây là mô hình hiệu quả thiết thực, bởi đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước, chi phí ban đầu thấp, nước hoàn toàn miễn phí…

Ở các thành phố và đô thị, nhất là các khu chung cư, nước mưa được thu gom vào các bể chứa lớn, xây chìm dưới mặt đất (bên trên là các sân chơi, bãi cỏ…) để bổ sung cho nguồn nước sạch thành phố. Cách này vừa giảm được giá thành vừa có tác dụng chống ngập lụt đường phố mỗi khi có mưa.

"Nước mưa không mất tiền mua, có chăng chỉ phải bỏ chi phí ban đầu để xây bể, làm máng dẫn và sẽ “hòa vốn” sau 2 - 3 năm sử dụng, sau đó coi như được dùng miễn phí…". Đó là nhận xét của anh Lê Văn Long, trú tại phường Tân Hoà, TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) khi nói về việc mô hình xây bể chứa nước mưa để sử dụng.

Nước mưa được “trời ban”, không mất tiền mua, chỉ phải bỏ chi phí ban đầu để xây bể, làm máng dẫn. Nếu biết khai thác tốt, nguồn nước mưa không những thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân mà còn là nguồn nước ngọt phục vụ SX. Nước mưa cũng đặc biệt có ý nghĩa đối với người dân ở vùng núi cao và hải đảo.

Anh Long cho biết thêm: “Nhà mình có 4 người, trước đây vào mùa khô thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, nước máy thì bị cúp liên tục. Thấy vậy, mình tận dụng diện tích trong nhà xây bể 7 m3 chứa nước mưa, làm máng lấy nước từ mái tôn vào bể. Với tổng chi phí xây dựng ban đầu hết 4 triệu đồng, từ khi xây bể đến nay đáp ứng được nhu cầu nước sạch cho ăn, uống, rửa rau, vo gạo… quanh năm”.

Cũng giống như anh Long, anh Quang ở phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột vì tình trạng cúp nước máy thường xuyên diễn ra trong mùa khô gây khó khăn trong việc sinh hoạt, nên khi xây nhà mới anh đã xây thêm một bể chứa nước mưa 8 m3 dưới móng nhà, dùng máng dẫn nước mưa từ mái nhà vào bể. Từ đó gia đình anh không sợ thiếu nước sinh hoạt.

Anh Quang cho biết: “Hệ thống đường ống dẫn nước mưa từ trên mái nhà xuống bể lưu trữ và bề mặt mái nhà phải được xây dựng bằng các vật liệu trơ như gỗ, nhựa, nhôm, hoặc sợi thủy tinh để tránh ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước.

Nước được lưu trữ trong bể chứa. Bể cũng cần được xây dựng bằng chất trơ như bê tông cốt thép, sợi thủy tinh, hoặc thép không gỉ là vật liệu phù hợp”.

Cũng theo anh Quang, việc lấy nước mưa để sử dụng là rất tốt, tuy nhiên, do điều kiện môi trường không khí ngày càng bị ô nhiễm bởi khói bụi nên khi thu hứng nước mưa cần lưu ý bỏ qua một vài cơn mưa đầu mùa, làm thật sạch máng xối.

Gặp cơn mưa lớn cũng nên chờ 10 đến 15 phút sau mới bắt đầu hứng, chứa vào các lu vại sạch, đậy kín hoặc cho vào các bể chứa. Không hứng nước mưa từ các mái tôn fibro xi măng, mái tôn đã gỉ sét hoặc các mái lá nhiều rác bụi”.

Nước ta nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa, lượng mưa trung bình hàng năm lớn. Tuy nhiên, một nghịch lý đang xảy ra là khi mưa nhiều thì gây ra lũ lụt, ngập úng.

 Hết mưa lại hạn hán, ngay cả nước sạch dùng cho sinh hoạt cũng hiếm hoi, nhất là các tỉnh Tây Nguyên, nhiều nơi vẫn phải dùng nguồn nước ở ao hồ, sông ngòi hoặc thậm chí phải dùng cả nguồn nước ngầm đang nhiễm Asen nặng để ăn uống.

Xem thêm
Heo hơi tăng giá, người nuôi lãi 2 triệu đồng/tạ

BẾN TRE Heo hơi xuất bán tại chuồng ở huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đang có giá từ 64 - 67 nghìn đồng/kg, tăng 4 - 7 nghìn đồng/kg so với cách đây 1 tháng.

Xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật rộng đường

TÂY NINH Ngày 18/5, Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức hội nghị thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Tiền Giang tôn vinh nhiều trí thức tiêu biểu lĩnh vực khoa học và công nghệ

Năm 2023, Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiệm thu, kết thúc và trình ban hành quyết định công nhận 20 nhiệm vụ, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 10 nhiệm vụ.