Khu nhà lồng của chợ mới không có tiểu thương vào buôn bán |
Được khởi công xây dựng từ tháng 5/2016 với 4.500m2 ở vị trí chợ cũ, chợ Nghĩa Phương có số vốn gần 5 tỷ đồng, do UBND huyện Tư Nghĩa làm chủ đầu tư với các với 20 ki ốt, 32 ô sạp, nhà lồng và các công trình phụ trợ khác.
Giữa năm 2017, công trình hoàn thành và tiến hành tổ chức cho các tiểu thương đấu giá thì không ai đồng ý vào ngôi chợ mới. Lý do, cách bố trí khu nhà lồng nằm phía trong quá sâu; các lô ki ốt thì nằm rải rác không gần với nhau, không có cổng ra vào chợ... Ngoài ra, giá cho thuê ki ốt quá cao so với khả năng chi trả của người dân.
Các dãy ki ốt đóng kín cửa |
“Tôi và các tiểu thương ở chợ Nghĩa Phương chỉ buôn bán các mặt hàng vốn liếng ít, doanh thu mỗi ngày cũng chỉ khoảng 200- 300 ngàn. Thế nhưng, chủ dự án lại đưa ra giá thuê ki ốt 20 năm với số tiền khoảng 200 triệu đồng/1ki ốt và 30 triệu đồng/lô phải đóng một lần, là quá cao”, bà Nguyễn Thị Thới (44 tuổi), tiểu thương buôn bán trái cây chia sẻ.
Quan sát thực tế, chợ Nghĩa Phương có một dãy ki ốt nằm gần sát QL1A. Đi vào sâu bên trong khoảng 50m là dãy ki ốt thứ 2. Còn khu nhà lồng nằm cách dãy ki ốt thứ nhất khoảng 100m. Hiện người dân tận dụng khu nhà lồng của chợ để phơi lông gà, vịt. Các ki ốt thì khóa kín cửa. Tiểu thương thì dựng các lều tạm bợ gần chợ mới buôn bán.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, do nền diện tích chợ cũ quá hẹp lại sát với QL1A nên phải xây chợ sâu vào bên trong, nguy cơ mất an toàn giao thông. Việc trả giá thuê một lần, bà Lan cho rằng, chợ Nghĩa Phương xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa nên phải thu như vậy để hoàn trả cho chủ đầu tư. “Còn kiến nghị của tiểu thương là giá thuê cao thì huyện sẽ xem xét lại”, bà Lan nói.
Người dân tận dụng nhà lồng để phơi lông gà, vịt |
Các tiểu thương vẫn dựng lều bạt ngoài lề đường buôn bán |