| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng bản đồ dịch để tiêm vacxin đón đầu ở các 'điểm nóng'

Thứ Tư 10/08/2022 , 14:42 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI Ở những 'điểm nóng', thường xuyên xảy ra dịch, ngành thú y tỉnh Quảng Ngãi sẽ ưu tiên bố trí vacxin dự phòng chuyển về cho các địa phương tiêm phòng trước.

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở tỉnh Quảng Ngãi vẫn diễn biến rất phức tạp. Trong đó đặc biệt là các bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Những tháng cuối năm, tỉnh Quảng Ngãi đang gấp rút công tác tiêm phòng vacxin cho gia súc, gia cầm. Ảnh: L.K.

Những tháng cuối năm, tỉnh Quảng Ngãi đang gấp rút công tác tiêm phòng vacxin cho gia súc, gia cầm. Ảnh: L.K.

Theo đó, 7 tháng qua, dịch bệnh viêm da nổi cục đã và đang xảy ra tại 930 cơ sở chăn nuôi nông hộ tại 222 thôn của 73 xã, 8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh này với tổng số 1.086 con bò mắc bệnh, làm chết 249 con. Đến thời điểm báo cáo đã có 750 con khỏi triệu chứng.

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi cũng đã và đang xảy ra tại 25 cơ sở chăn nuôi nông hộ tại 19 thôn trên địa bàn 16 xã thuộc 6 huyện, thị xã và thành phố ở Quảng Ngãi với tổng số con mắc bệnh và chết 459 con.

Ông Ngô Hữu Hạ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi cho biết, mặc dù thời gian qua dịch bệnh xuất hiện, ảnh hưởng đến kinh tế của các hộ dân, cơ sở chăn nuôi nhưng so với các năm trước, tỷ lệ động vật mắc bệnh có giảm đi. Trong đó, số lượng trâu bò mắc bệnh viêm da nổi cục chỉ bằng 15% so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, đến nay, dịch bệnh lở mồm long móng không xuất hiện trên địa bàn tỉnh. Trong khi năm trước đó có đến 2.400 con trâu bò mắc bệnh này. Theo ông Hạ, kết quả này nhờ việc nắm bắt được thực trạng chăn nuôi trâu bò trên địa bàn; kinh nghiệm rút ra từ những năm trước cũng như việc chủ động được trong việc tiêm phòng vacxin.

“Một số địa phương ở Quảng Ngãi có mô hình nuôi bò vỗ béo. Vào đầu năm, họ sẽ mua trâu bò ở vùng khác về, cuối năm bán đi. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã thống kê và xây dựng bản đồ dịch bệnh. Sau khi được cấp vacxin, chúng tôi sẽ xin UBND tỉnh trích khoảng 30.000 liều trở lên để dự phòng. Đến trước hoặc sau Tết Nguyên đán chuyển về các "điểm nóng" về dịch bệnh, đặc biệt ưu tiên ở các xã giáp ranh với tỉnh khác để các địa phương chủ động tiêm phòng trước”, ông Hạ nói.

Hiện nay, tại tỉnh Quảng Ngãi vẫn chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ theo quy mô nông hộ. Ảnh: L.K.

Hiện nay, tại tỉnh Quảng Ngãi vẫn chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ theo quy mô nông hộ. Ảnh: L.K.

Đối với dịch bệnh cúm gia cầm, ông Hạ thông tin, 2 loại bệnh chủ yếu xuất hiện ở địa phương trong những tháng đầu năm qua là bệnh cúm A/H5N8 và cúm A/H5N1 nhưng tỷ lệ cũng chỉ bằng 30% so với năm 2021. Bệnh Cúm A/H5N8 bắt đầu xuất hiện trở lại vào ngày 14/4 tại 2 hộ ở xã Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi), làm tiêu hủy bắt buộc 2.200 con gia cầm; bệnh Cúm A/H5N1 xảy ra vào ngày 18/4 tại 1 hộ ở xã Trà Bình, huyện Trà Bồng, làm tiêu hủy bắt buộc 2.425 con.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi nhận định, trong những tháng cuối năm nay, đặc biệt là thời điểm giao mùa sẽ tiềm ẩn nguy cơ bùng dịch và lây lan dịch rất cao. Cùng với đó, Quảng Ngãi hiện có tổng đàn vật nuôi lớn và tiếp tục gia tăng, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Ngoài ra, tỷ lệ gia súc, gia cầm trên địa bàn được tiêm phòng thấp, nhiều đàn chưa hoặc không được tiêm phòng; các mầm bệnh lưu hành với tỷ lệ cao, phạm vi rộng. Chưa kể một số loại bệnh chưa có vacxin phòng bệnh; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật tăng mạnh cũng sẽ tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh.

Các điểm nóng dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được ưu tiên tiêm phòng cũng như thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Ảnh: L.K.

Các điểm nóng dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được ưu tiên tiêm phòng cũng như thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Ảnh: L.K.

Trước tình hình này, ngành thú y tỉnh Quảng Ngãi xác định, không còn cách nào khác là phải đẩy mạnh việc tiêm vacxin. Trong đó, chú trọng 2 bệnh chủ yếu thường gặp trong giai đoạn cuối mùa là tụ huyết trùng và lở mồm long móng, ưu tiên trước cho các huyện miền núi.

“Số bò ở các huyện miền núi của tỉnh chiếm 20% còn trâu thì chiếm đến 80%. Đồng bào dân tộc ở các huyện miền núi thường có phong tục thả rông chứ không chăn thả rồi về nhốt chuồng. Thời điểm tháng 8 này họ sẽ đưa trâu bò về để thực hiện các nghi thức truyền thống. Do đó, chúng tôi sẽ tận dụng thời điểm này để khẩn trương tiêm phòng, đạt được hiệu quả cao nhất”, ông Ngô Hữu Hạ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi nói.

Cũng theo ông Hạ, mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ đảm bảo tiêm được 80% tổng đàn vật nuôi trên địa bàn. Theo cơ chế của tỉnh này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y chịu trách nhiệm tiêm 40% tổng đàn còn ngân sách huyện sẽ chi trả 40% kinh phí còn lại. Ngoài ra, ngành thú y tỉnh còn có trách nhiệm tư vấn cho các địa phương những loại vacxin hiệu quả để các huyện đặt mua và tiêm phòng.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi có số lượng đàn trâu khoảng 68.000 còn, đàn bò gần 283.000 con, đàn lợn 472.000 con và trên 5,3 triệu con gia cầm các loại. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đến nay đạt hơn 44.000 tấn. Ngành chăn nuôi của tỉnh chủ yếu theo quy mô nông hộ nhỏ lẻ, toàn tỉnh mới chỉ có 81 trang trại chăn nuôi tập trung.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.