| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng 'công cụ cân đong' cho chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thứ Hai 15/08/2022 , 19:24 (GMT+7)

Bộ chỉ tiêu giám sát thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn là công cụ quan trọng để đưa ra những đánh giá về chuyển biến của nông nghiệp, nông thôn.

Ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nghe báo cáo việc xây dựng bộ chỉ tiêu giám sát thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững tầm nhìn đến 2050.

Lượng hóa các chỉ tiêu giám sát

Phân tích tính cấp thiết của việc xây dựng bộ chỉ tiêu giám sát thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Chiến lược), Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: “Một trong những định hướng quan trọng của Chiến lược là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Do đó, hệ thống các chỉ tiêu phải được thay đổi để có thể đo lường được kết quả của sự chuyển dịch đó”.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nghe báo cáo về việc xây dựng bộ tiêu chuẩn giám sát hực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Minh Phúc.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nghe báo cáo về việc xây dựng bộ tiêu chuẩn giám sát hực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Minh Phúc.

Ông chia sẻ thêm, trên nghị trường Quốc hội, có đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ NN-PTNT: “Đến khi nào chúng ta thực hiện được các định hướng trong Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững theo Quyết định 150 của Thủ tướng Chính phủ, từ đó tháo gỡ các vấn đề nội tại để hướng tới nền nông nghiệp xanh, sinh thái, hiệu quả bền vững?”. Do đó, cần phải có hệ thống chỉ tiêu giám sát để Bộ NN-PTNT đánh giá định kỳ.

“Tôi vẫn nhớ câu nói của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng rằng, nếu không có thang đo thì không thể cải tiến được, cần phải có số liệu cụ thể để thấy chỗ nào chưa phù hợp với thực tiễn, cần cải tiến”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh thêm. Theo ông, bản thân Bộ NN-PTNT cũng như các địa phương vẫn giữ thói quen báo cáo các số liệu về năng suất, sản lượng, kim ngạch xuất nhập khẩu. Bởi vậy, chúng ta cần cụ thể hóa các chỉ tiêu về nông nghiệp và nông thôn.

Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố số liệu báo cáo từ GDP bình thường sang GDP xanh (còn gọi là tổng sản phẩm trong nước xanh). Đây là cách tiếp cận mới nhằm đánh giá GDP trên cả phương diện hiệu quả kinh tế và tác động đối với môi trường, xã hội. Nó gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: Minh Phúc.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: Minh Phúc.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng thường nhấn mạnh chủ trương “không đánh đổi môi trường để tăng trưởng kinh tế”. Bởi vậy, Bộ tiêu chuẩn giám sát, đánh giá này sẽ giúp các địa phương tự thấy năng lực cũng như sự chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp diễn ra như thế nào.

Đề xuất 109 chỉ tiêu đánh giá

TS Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết: Bộ tiêu chuẩn giám sát thực hiện Chiến lược sẽ dựa trên 3 nhóm (với 109 chỉ tiêu cụ thể) gồm kinh tế, xã hội và môi trường trên nguyên tắc S.M.A.R.T (nghĩa là cụ thể, dễ hiểu, đo lường được và có thể đạt được). Đồng thời phải gắn với mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân tri thức, văn minh.

Cụ thể, đối với nhóm chỉ tiêu về kinh tế và hiệu quả bền vững gồm có: Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, công nghiệp chế biến, năng suất lao động, giá trị sản phẩm thu được/ha, diện tích chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả trên đất lúa, diện tích vùng trồng (nuôi) được cấp mã số…

TS Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Minh Phúc.

TS Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Minh Phúc.

Bên cạnh đó là các chỉ tiêu liên quan đến cơ giới hóa (trang bị máy động lực bình quân/ha đất sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ diện tích cây trồng, nuôi trồng thủy sản chủ lực được cơ giới hóa…); nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khoa học và công nghệ; xuất nhập khẩu; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; thu nhập cư dân nông thôn; các chỉ tiêu về môi trường (lượng phát thải khí nhà kính từ hoạt động sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ xã phân loại rác thải sinh hoạt từ nguồn, diện tích cây trồng được áp dụng các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, diện tích cây trồng được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt VietGAP và tương đương…).

“Có những chỉ tiêu sẽ được cập nhật hàng tháng, một số chỉ tiêu được theo dõi hàng quý”, từ đó Bộ NN-PTNT có cơ sở để đánh giá, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành linh hoạt trong từng thời điểm, từ đó thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững theo lộ trình đặt ra”, ông Trần Công Thắng cho biết.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, Tổ soạn thảo bộ tiêu chuẩn cần rà soát lại các đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm tổng hợp và báo cáo các số liệu liên quan đến các chỉ tiêu để tránh chồng chéo, cùng một nhóm nội dung nhưng địa phương phải báo cáo nhiều cơ quan trong Bộ NN-PTNT.

Ngành nông nghiệp Việt Nam đang thiếu những dữ liệu thống kê, giám sát đảm bảo tính chính xác, đáng giá sát thực tình hình tăng trưởng, phát triển. Ảnh: TL.

Ngành nông nghiệp Việt Nam đang thiếu những dữ liệu thống kê, giám sát đảm bảo tính chính xác, đáng giá sát thực tình hình tăng trưởng, phát triển. Ảnh: TL.

Còn ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản chia sẻ: Sắp tới, chúng ta cần ứng dụng các phần mềm để cập nhật và xử lý số liệu một cách nhanh chóng, còn nếu để các địa phương báo cáo bằng văn bản giấy thì rất khó trong công tác thống kê”. Bên cạnh đó, có những chỉ tiêu mang tính “trừu tượng” như diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng các biện pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu thì rất khó đánh giá, cần xem xét có nên đưa vào bộ chỉ tiêu hay không.

Theo Vụ Thống kê Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản (Tổng cục Thống kê), muốn giám sát và đánh giá hiệu quả kinh tế, chúng ta cần thu thập đầy đủ các dữ liệu về quan hệ sản xuất và tư liệu sản xuất. Tư liệu sản xuất nông nghiệp quan trọng nhất là đất đai, chúng ta đã thu thập được dữ liệu nhưng các chỉ tiêu về chuyển đổi tư duy kinh tế thì chưa có. Ví dụ, dữ liệu về chuyển đổi đất kém hiệu quả sang cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; diện tích luân canh cây trồng, thu nhập người lao động… Chỉ khi nào tính đầy đủ chi phí sản xuất sản phẩm thì mới tính được hiệu quả kinh tế thực sự của nông dân, tránh tình trạng bà con sản xuất rất nhiều nhưng thu nhập lại kém đi.

Cần “quốc tế hóa” các chỉ tiêu giám sát, đánh giá

Tham vấn về việc xây dựng bộ chỉ tiêu giám sát thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho rằng: “Không nên để dàn trải 109 chỉ tiêu mà cần gom thành các nhóm lớn, sau đó chia thành các nhóm tiểu ngành để dễ theo dõi, đánh giá.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

Thứ hai, cần tham khảo kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế và quốc gia phát triển có kinh nghiệm để “quốc tế hóa” các chỉ tiêu cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Thứ ba, ngoài các chỉ tiêu, số liệu do Tổng cục Thống kê và các đơn vị trong Bộ NN-PTNT thu thập hàng năm, chúng ta cần bổ sung thêm các chỉ tiêu mới để giám sát quá trình chuyển sang nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh.

Ví dụ, cần có chỉ tiêu giám sát về giá sản phẩm đầu ra; giá sản phẩm tại cửa trại và giá bán lẻ trên thị trường; giá nhập khẩu và giá xuất khẩu. Những số liệu này có thể cập nhật hàng tháng.

Nhóm chỉ tiêu thứ hai liên quan đến chi phí sản xuất (sử dụng vật tư đầu vào như phân bón, thuốc BVTV, chi phí thức ăn, công lao động, lãi suất vay vốn ngân hàng…) thì mới có thể tính toán được hết chi phí sản xuất, trên cơ sở đó đánh giá được hiệu quả sản xuất nông nghiệp của nông dân.

Đặc biệt, đối với các ngành hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực, cần xây dựng các chỉ tiêu giám sát về cung – cầu sản phẩm, ví dụ năng lực sản xuất trong nước, thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, lượng hàng tồn kho, năng lực chế biến trong nước… Có như vậy, chúng ta sẽ điều hành sản xuất các ngành hàng chủ lực dễ dàng hơn.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Tưới ẩm cho cây mận Phiêng Khoài

Hệ thống tưới ẩm tại 'thủ phủ mận hậu' Phiêng Khoài (huyện Yên Châu, Sơn La) không chỉ giúp tiết kiệm nước mà còn tối ưu hóa quá trình tưới và chăm sóc cây trồng.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.