Những ngày này, huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng thời điểm huyện này đang bước vào thu hoạch sầu riêng chính vụ.
Ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, các thương lái, nhân công thu hoạch phải cách ly 7 ngày tại khu tập trung và có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính.
Sau đó các thương lái, nhân công được bàn giao xuống nhà vườn tiếp tục cách ly 7 ngày nữa do địa phương quản lý, nếu xét nghiệm âm tính sẽ cho tiến hành thu hoạch.
Đối với các xe vận tải nông sản đã đăng ký “luồng xanh” và được cấp mã QR Code, huyện không tiến hành kiểm tra xe, nhưng phải phun khử khuẩn trước khi vào địa bàn Khánh Sơn. Tuy nhiên các tài xế cũng phải có xét nghiệm âm tính.
Sau đó cho xe đi theo phân “luồng xanh” đến các điểm tập kết nông sản các xã. Hiện mỗi xã đều có điểm tập kết để thu mua và vận chuyển nông sản lên xe. Các tài xế yêu cầu phải ngồi trên xe và buộc quay đầu xe vì không ở trên địa bàn huyện quá 24 giờ.
Anh Nguyễn Thành Tín, một người trồng sầu riêng ở thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình cho biết, lâu nay sầu riêng Khánh Sơn chủ yếu các thương lái ở miền Tây và miền Nam đến thu mua tiêu thụ. Để đảm bảo phòng chống dịch, chính quyền đã thực hiện các giải pháp phòng chống dịch và trong 2 tuần qua chưa có vấn đề khó khăn xảy ra.
Hiện sầu riêng vẫn thu hoạch bình thường, song thương lái và nhân công thu hoạch vẫn còn ít. Giá sầu riêng thu mua tuy có giảm những vẫn giữ mức tương đối ổn, cụ thể sầu riêng Mongthong 45 ngàn đồng/kg, còn Ri6 từ 39-43 ngàn đồng/kg.
“Riêng gia đình tôi có 5 ha sầu riêng, trong đó 2 ha trong thời kỳ kinh doanh, dự kiến cho thu hoạch khoảng hơn 30 tấn. Thương lái lâu nay gia đình bán sầu riềng cũng đã liên hệ để thu mua và đang thực hiện cách ly. Nếu thuận lợi khoảng 5-7 ngày nữa, gia đình sẽ thu hoạch sầu riêng”, anh Tín chia sẻ.
Tại Phú Yên, ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, hiện hầu hết nông dân vẫn thực hiện thăm đồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch trên các cây trồng bình thường trên cơ sở đảm bảo thực hiện “5K” trong phòng chống dịch Covid-19.
Ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cũng hướng dẫn nông dân tham gia lao động, sản xuất tại gia đình và thu hoạch nông sản theo nhóm từng hộ gia đình tại vườn, vùng sản xuất của địa phương. Trường hợp cần huy động lực lượng lớn cho các hoạt động thu hoạch, phòng chống sinh vật hại cây trồng cần phối hợp với chính quyền địa phương để xây dựng phương án triển khai.
Mặc dù vậy theo ông Nhĩ, tại một số điểm bị phong tỏa, nông dân vẫn còn gặp khó khăn trong vấn đề di chuyển. Do vậy, họ đã chủ động nhờ người thân ngoài vùng phong tỏa để chăm sóc, bón phân, phun thuốc BVTV.
Đối với việc vận chuyển, lưu thông vật tư nông nghiệp, theo ông Nhĩ, ban đầu khi thực hiện giãn cách xã hội có gặp một số khó khăn bởi chưa có hướng dẫn về danh mục hàng hóa thiết yếu. Tuy nhiên sau khi có các văn bản hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh thì hiện nay việc vận chuyển, lưu thông vật tư nông nghiệp vẫn tương đối thuận lợi, đảm bảo cung ứng đầy đủ cho người dân.
Ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hoàng Long Vina, một doanh nghiệp sản xuất phân bón NPK ở Thị xã Đông Hòa (Phú Yên) xác nhận, hiện việc vận chuyển phân bón của công ty vào các tỉnh phía Nam, miền Tây đã diễn ra bình thường, không còn trở ngại.
Tuy nhiên để đảm bảo các quy định, các xe tải vận chuyển của công ty đã đăng ký “luồng xanh”. Bên cạnh đó, để đảm bảo phòng, chống dịch, các tài xế trước khi vận chuyển được công ty cho đi xét nghiệm có kết quả âm tính.