| Hotline: 0983.970.780

Tăng lưu trữ nông sản, kịp thời xuất khẩu sau giãn cách

Thứ Ba 03/08/2021 , 12:14 (GMT+7)

Do nhu cầu tiêu thụ nông sản xuất khẩu của các nước có xu hướng tăng, Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương chủ động, đảm bảo việc xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam. Ảnh: Minh Sáng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam. Ảnh: Minh Sáng.

Ngày 3/8, Bộ NN-PTNT tổ chức họp trực tuyến với 2 Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản. Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì đầu cầu Hà Nội. Thứ trưởng Trần Thanh Nam ở đầu cầu TP. HCM.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm tại các tỉnh, thành phố phía Nam hiện đảm bảo. Việc tổ chức sản xuất bình thường nhưng tiêu thụ đầu ra còn gặp nhiều khó khăn. So với trước khi giãn cách, nhu cầu của người dân tại TP. HCM có xu hướng giảm.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo nguồn cung nông sản, sau hơn hai tuần quyết liệt vào cuộc, cho đến nay, Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT đã giải quyết về cơ bản khâu ách tắc tại các trạm kiểm soát, giúp tăng lưu thông hàng hóa. 

Tổng tiêu thụ trước giãn cách của TP. HCM là 979 tấn thịt lợn, 1.500 tấn rau. Trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận, các cơ sở giết mổ lớn vẫn mở cửa. Nhu yếu phẩm đảm bảo đủ. 

Đề xuất của các doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn, là muốn tiếp tục kết nối với Tổ công tác 970 cũng như Bộ NN-PTNT để kịp thời triển khai, mở rộng sản xuất, tiêu thụ sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Tại một số địa phương có những ca dương tính với Covid-19, lưu thông hàng hóa được siết chặt. Những khu vực còn lại, hàng hóa không còn hiện tượng ách tắc như thời gian đầu. 

Để đảm bảo tiến độ sản xuất cho vụ kế tiếp, Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT đề nghị chính quyền địa phương giao quyền chủ động cho các Sở NN-PTNT. Trên cơ sở phân loại, hướng dẫn danh mục các vật tư nông nghiệp được lưu thông, Sở NN-PTNT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, các Sở NN-PTNT cần chủ động lập đường dây nóng. Đây là giải pháp cần thiết để Tổ công tác 970 liên hệ tháo gỡ những vấn đề chung.

Sản xuất, cung ứng nông sản ổn định nhưng hoạt động của các cơ sở chế biến vẫn là vấn đề nan giải. Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT cho biết, 103 trong số 449 cơ sở chế biến thủy sản ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang giãn cách xã hội đã phải đóng cửa.

Một số đơn vị không đảm bảo được các biện pháp phòng dịch như "3 tại chỗ", đã gây ra hiện tượng lây nhiễm. Một số tỉnh, như Tiền Giang, vừa ban hành tiêu chí hoạt động cho các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn. Trong đó, nếu đơn vị nào đáp ứng được "3 tại chỗ" thì mới được phép hoạt động.

Thu hoạch lúa vụ hè thu, thả tôm vụ 2 cũng là những khó khăn chờ Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT tháo gỡ trong những ngày tới. Hiện nguồn lao động tại đồng ruộng và ao tôm thiếu. Thương lái cũng khó tiếp cận địa bàn, trong khi các sản phẩm đều đã đến thời điểm thu hoạch.

Để khôi phục sản xuất, Tổ công tác 970 đề nghị các tỉnh, thành phố gấp rút thực hiện một số giải pháp. Một, là đảm bảo nguồn giống cây trồng vật nuôi, vốn đang bị ách tắc nguồn giống.

"Sau dịch dễ xảy ra thiếu giống, giá giống tăng cao, ảnh hưởng đến người nông dân. Chúng ta cần gấp rút có một chương trình giống sát với thực tế", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Thứ trưởng yêu cầu các Cục trong Bộ NN-PTNT liên hệ chặt với những nơi cung cấp giống. Ông lưu ý, khi nhu cầu tăng đột biến, doanh nghiệp, hợp tác xã có thể "rơi vào tình trạng bị động" vì không dự trù được.

Do đó, Tổ trưởng Tổ công tác 970 đề nghị soạn thảo chương trình đón đầu, nhằm tránh hiện tượng lợi ích nhóm và đảm bảo bình ổn giá cho nhu cầu sản xuất.

"Chỉ một tháng nữa, khi hết giãn cách, nhu cầu tiêu thụ chắc chắn sẽ tăng lên. Chúng ta không thể chạy theo mà cần chủ động ứng phó trước", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Hai, là ổn định tâm lý cho bà con nông dân. Qua khảo sát thực tế, nhiều người dân đang lo lắng về nguy cơ lây lan dịch bệnh, khiến hàng hóa khó tiêu thụ. Một số nơi còn băn khoăn về thời điểm sản xuất vụ tới, thậm chí lo ngại về biểu hiện đầu cơ trục lợi trong tình hình dịch bệnh.

Ba, với riêng TP. HCM, sau khi 3 chợ đầu mối ngừng hoạt động, Tổ công tác của Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương đề xuất thành lập các điểm tập kết hàng và khớp nối thời điểm vận chuyển nông sản, bởi rau củ quả khó để lâu ngoài trời.

"Khu vực nào, doanh nghiêp nào than khó, chúng ta cần chỉ đạo giải quyết luôn. Không thể nói chung chung được", Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ. 

Bất chấp khó khăn về nhiều mặt, ngành nông nghiệp vẫn đón những tín hiệu mừng trong thời gian qua. Đầu tiên, là chuỗi giá trị hoạt động bình thường, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cụ thể, Công ty San Hà thu mua cho nông dân bình thường, dù lỗ gần 1 tỷ đồng/ ngày. Một số doanh nghiệp khác vẫn thu mua hàng nông sản cho nông dân và trữ vào kho.

Kế đến, là tình hình xuất khẩu. Qua khảo sát thực tế, các đơn vị tại các tỉnh, thành phố giãn cách xã hội vẫn đảm bảo các đơn đặt hàng để giữ mối lâu dài, dù hoạt động chỉ còn 30-40% công suất.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề xuất cơ chế để kết nối các địa phương, đảm bảo công tác xuất khẩu thanh long, tránh hiện tượng ùn ùn kéo hàng lên biên giới.

Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT nhận định, nhu cầu tiêu thụ hàng xuất khẩu của các nước đang tăng lên. Do đó, chủ trương mà Tổ công tác đặt ra, là lưu trữ và bảo quản hàng hóa, để xuất khẩu ngay bằng đường thủy khi hết giãn cách xã hội. 

Xem thêm
Ông Nguyễn Đình Việt giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La

SƠN LA Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn La nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.