Tính đến tháng 6/2022, cả nước có trên 19.000 hợp tác xã nông nghiệp. Các hợp tác xã (HTX) này trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, thời gian qua, hợp tác xã nông nghiệp lại chưa thật sự trở thành nền tảng vững chắc cho nền kinh tế. Nguyên nhân bắt nguồn từ quy mô hợp tác xã nông nghiệp chủ yếu nhỏ, trình độ năng lực quản lý của ban lãnh đạo còn hạn chế, hơn nữa mối liên kết giữa hộ nông dân và doanh nghiệp chưa thật sự hiệu quả.
Theo xu hướng phát triển chung, thị trường ngày càng rộng mở với tính cạnh tranh cao, đặt ra yêu cầu trong quá trình sản xuất phải liên kết và đảm bảo an toàn, có thương hiệu, để thực hiện việc truy xuất nguồn gốc. HTX trở thành địa chỉ tin cậy cho các doanh nghiệp tìm đến liên kết. Do đó, kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn, bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) là hướng đi tất yếu. HTX với vai trò là tổ chức dẫn dắt kinh tế hộ nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp vô cùng hiệu quả nên không thể đứng ngoài xu hướng này.
Tại diễn đàn hợp tác xã nông nghiệp với chủ đề “Phát triển kinh tế xanh và nông nghiệp tuần hoàn trong các hợp tác xã nông nghiệp” tổ chức ngày 17/11 tại TP Cần Thơ, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) khẳng định, muốn phát triển nền nông nghiệp bền vững, tích hợp đa giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất thì vai trò của hợp tác xã nông nghiệp đặc biệt quan trọng.
ĐBSCL là vùng sản xuất hàng hóa phát triển lớn, mạnh của cả nước. Trước bối cảnh ứng phó với BĐKH, thời gian qua các Nghị quyết của Trung ương, Bộ NN-PTNT đều tập trung “Làm thế nào để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn?”
“Nếu phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chỉ với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp từ 5 – 10% thì không nên làm. Các HTX nông nghiệp phải đặt mục tiêu gấp hàng trăm lần thậm chí là năm trăm lần so với thực tế hiện nay, mới có thể tạo động lực phát triển bền vững, kéo dài chuỗi giá trị nông sản”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng dự thảo Nghị quyết về phát triển HTX thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu của dự thảo là tạo điều kiện thuận lợi để HTX tổ chức lại sản xuất theo định hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Hướng đến mục tiêu đến năm 2025, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp, thu hút đông đảo các hộ nông dân tham gia.
Xoay quanh vấn đề xây dựng mối quan hệ đối tác - chính quyền cơ sở - hợp tác xã nông nghiệp, các đại biểu cũng như HTX chỉ ra rằng, vẫn còn tồn tại tình trạng chính quyền cơ sở can thiệp sâu vào hoạt động của HTX.
Lý giải cho vấn đề này, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phân tích ở hai khía cạnh. Nhìn ở góc độ chính quyền cơ sở, HTX được xem như “đứa con tinh thần”, nằm trên địa bàn quản lý. Đối với các HTX, những ngày đầu thành lập còn thiếu tự tin, trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền cơ sở.
Hai khía cạnh này cần phải được thay đổi một cách đồng bộ, một mặt ban lãnh đạo HTX phải mạnh mẽ, kiên quyết hơn nữa trong hoạt động và bộ máy nhân sự, với những HTX ban đầu thành lập cần có tính độc lập. Tất nhiên, chính quyền cơ sở với vai trò quản lý sẽ hỗ trợ về mặt chính sách, xây dựng mối liên kết và giúp HTX tìm kiếm thị trường.
Hiện nay đã có nhiều chương trình, chính sách, thể chế hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của HTX, quan trọng là các địa phương phải thay đổi cách nghĩ về sự phát triển HTX trên địa bàn, để can thiệp ít hơn vào hoạt động của HTX. Những yếu tố này sẽ quyết định vận mệnh của các HTX trong thời gian tới.