| Hotline: 0983.970.780

Đẩy mạnh liên kết vùng, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho HTX

Thứ Tư 26/10/2022 , 16:12 (GMT+7)

Trên cơ sở hướng mũi nhọn vào một, vài loại cây, con thế mạnh, phù hợp thị trường, các HTX sẽ liên kết và hình thành những vùng sản xuất tập trung, chuyên canh.

Toàn cảnh diễn đàn ngày 26/10 do Tạp chí Kinh Doanh, Liên minh Hợp tác xã tổ chức.

Toàn cảnh diễn đàn ngày 26/10 do Tạp chí Kinh Doanh, Liên minh Hợp tác xã tổ chức.

Phát biểu tại Diễn đàn "Đẩy mạnh liên kết vùng - Tăng tốc phát triển kinh tế: Kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã”, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, Thủ tướng vừa phê duyệt Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2022-2025.

Trên phạm vi 46 huyện, thành phố của 13 tỉnh, đề án sẽ xây dựng 5 vùng nguyên liệu gắn với quy hoạch, quản lý quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, với quy mô 166.800 ha.

Bên cạnh việc tái cơ cấu cây trồng, tổ chức lại sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, đề án còn đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất thông qua việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ giữa doanh nghiệp, HTX và người nông dân.

"Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu giảm chi phí sản xuất đầu vào từ 5-10%; giảm tổn thất sau thu hoạch 5-10% và gia tăng giá trị từ 10-20% tại vùng thực hiện đề án. Đồng thời, các chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi, bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ liên kết sẽ được thực hiện đồng bộ", ông Toản nói.

Xác định người dân là chủ thể chính để xây dựng liên kết vùng, Bộ NN-PTNT sẽ có những kế hoạch đi kèm như phát triển khuyến nông cộng đồng, phát triển các chuỗi liên kết. Địa phương sẽ không còn bị ràng buộc bởi địa giới hành chính và được tham gia sâu, rộng khi xây dựng 5 trung tâm chế biến: Lúa gạo (Thoại Sơn – An Giang); Lúa – tôm hữu cơ (An Minh – Kiên Giang), Chế biến tôm (Cù Lao Dung – Sóc Trăng), Trái cây (Mỹ Hiệp – Đồng Tháp); Cà phê (Gia Lai).

Người dân sẽ được hưởng lợi khi liên kết vùng được đẩy mạnh.

Người dân sẽ được hưởng lợi khi liên kết vùng được đẩy mạnh.

Theo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cả nước có khoảng 3,28 triệu hộ lao động, với hơn 7 triệu thành viên trong khu vực kinh tế tập thể, chiếm khoảng 38% tổng số hộ dân. 1.600 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, với sự tham gia của hơn 300 công ty, 150 HTX đã hình thành.

Tỷ lệ nông sản chủ lực tiêu thụ thông qua liên kết sản xuất tăng từ 10% (năm 2017 - trước khi triển khai Nghị định số 98/2018/NĐ-CP) lên tới hơn 30% như hiện nay. Trong đó, tỷ lệ HTX nông nghiệp thực hiện liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân đạt 37%, tăng 25%.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đánh giá, trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới còn nhiều biến động, liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm trở thành vấn đề cấp bách. 

"Thông qua diễn đàn, hy vọng nhiều tổ chức quản trị - điều hành cấp vùng được đề xuất đảm bảo công tác điều tiết, điều hành cho các nhu cầu cấp vùng và thực hiện quản lý nhà nước", ông Thịnh bày tỏ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã kêu gọi thắt chặt liên kết “4 nhà” (trong đó có mô hình liên kết HTX). Theo ông Thịnh, đây là cơ sở để khắc phục những hạn chế hiện nay trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc, phát huy lợi thế từng địa phương, vùng miền, xóa bỏ các khâu trung gian không cần thiết.

Chung quan điểm với ông Thịnh, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho rằng, các tổ hợp tác, HTX và khu vực kinh tế tập thể cần đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa đặc biệt là các mặt hàng nông sản.

Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với địa phương, doanh nghiệp tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại nông sản để trao đổi, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, xúc tiến mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và nước ngoài.

Thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã chủ trương tập trung các HTX, hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành từng nhóm để đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa cũng như kiểm tra, giám sát hay thu mua nông sản.

Thay vì đầu tư dàn trải, các HTX được khuyến cáo tập trung sản xuất vào một loại cây, con thế mạnh nhất định như năng suất, chất lượng cao, giá thành hợp lý, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Từ đó, hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.