| Hotline: 0983.970.780

Hợp tác xã nông nghiệp: Vấn đề sống còn để tổ chức lại sản xuất

Thứ Sáu 08/04/2022 , 08:25 (GMT+7)

Hợp tác xã nông nghiệp là giải pháp đầu tiên trong mọi giải pháp để cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất ở quy mô lớn hơn, sản lượng lớn hơn.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phát triển HTX là yêu cầu, quy luật khách quan

Ngày 7/4, nhân 76 năm Ngày Hợp tác xã (HTX) Việt Nam (11/4/1946 - 11/4/2022), Bộ NN-PTNT đã tổ chức Diễn đàn Nông dân hợp tác liên kết trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (KTHT-PTNT), 76 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bức thư gửi điền chủ nông gia, chặng đường phát triển của kinh tế tập thể nói chung và HTX nói riêng đã có sự biến chuyển trong từng giai đoạn.

“Sau đổi mới, có thời điểm kinh tế tập thể đi xuống, các HTX bị giải tán, do công tác quản lý, lạm phát nên không thể duy trì được tài sản. Tuy nhiên, những năm gần đây, tầm quan trọng của HTX trong nền kinh tế thị trường ngày càng được bộc lộ rõ. HTX là định chế, thiết chế quan trọng ở nông thôn. HTX tập hợp người nông dân để giúp họ tham gia thị trường một cách hiệu quả. HTX tăng tính đoàn kết, tương trợ của người dân nông thôn”, ông Lê Đức Thịnh cho hay.

Cục trưởng Cục KTHT-PTNT nhận định, 10 năm trở lại đây, đặc biệt từ khi khi Quốc hội ban hành Luật HTX năm 2012, Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX cũng như các chương trình, chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030 cho HTX, trong đó có HTX nông nghiệp, phong trào HTX nổi lên rất mạnh.

Đến cuối năm 2021, cả nước có trên 27.000 HTX, gấp 2,5 lần so với năm 2001 và tăng khoảng 41% so với năm 2013; khu vực HTX thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng dần qua các năm.

Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX tăng và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức 44,6 triệu đồng/người/năm, bằng 44,8% mức thu nhập của lao động trong khu vực doanh nghiệp năm 2017 đã tăng lên 52,8 triệu đồng/năm và đạt 47,3% năm 2019.

Ông Lê Đức Thịnh cho biết, với sự xuất hiện của các HTX, chất lượng nông sản của Việt Nam đã được nâng cao. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Lê Đức Thịnh cho biết, với sự xuất hiện của các HTX, chất lượng nông sản của Việt Nam đã được nâng cao. Ảnh: Phạm Hiếu.

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 13 NQ/TW về kinh tế tập thể, số lượng HTX nông nghiệp tăng 12.569, trung bình mỗi năm tăng gần 800. Riêng giai đoạn 2016 - 2021 tăng cao gấp 3 lần giai đoạn trước đó. Đến hết năm 2021, cả nước có 34.871 tổ hợp tác nông nghiệp và 18.327 HTX nông nghiệp, chiếm gần 70% tổng số HTX cả nước, với khoảng 3,2 triệu thành viên.

Không chỉ tăng nhanh về số lượng, chất lượng và hiệu hoạt động cũng được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ các HTX nông nghiệp được xếp loại khá, tốt tăng từ 10% (năm 2013) lên 33% (năm 2016) và hiện đạt trên 60%. Doanh thu hiện đạt bình quân 2,44 tỷ, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2013. Các HTX nông nghiệp cung cấp từ 7 - 16 dịch vụ ở nông thôn phục vụ cho cả sản xuất nông nghiệp và phúc lợi xã hội ở nông thôn.

Đến nay cả nước có 2.297 HTX nông nghiệp đã thành lập doanh nghiệp trong HTX, và 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất. Đặc biệt, có trên 4.339 HTX nông nghiệp đảm nhận bao tiêu nông sản, bằng 24,5% tổng số HTX nông nghiệp (tỷ lệ này trước năm 2015 chỉ là 5 - 7%).

“Trong số hơn 18.000 HTX nông nghiệp, gần 20% HTX được đánh giá hoạt động tốt, 38% hoạt động ở mức độ khá, 37% ở mức độ trung bình, chỉ 8,5% HTX yếu kém. Tuy nhiên tất cả những điều đó đều không có nhiều ý nghĩa bằng việc với sự xuất hiện của các HTX, chất lượng nông sản của Việt Nam đã được nâng cao”, Cục trưởng Lê Đức Thịnh chia sẻ.

Theo ông Thịnh, thông qua lực lượng HTX, các doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư và trở thành đối tác của người nông dân mà không cần phải tới từng hộ như trước kia. Nhiều HTX đã xây dựng được vùng nguyên liệu, thương hiệu sản phẩm để phát triển tại cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Không ít HTX đã vươn ra thế giới, thậm chí tự trực tiếp xuất khẩu.

Cho rằng mô hình HTX phát triển một cách đa dạng và thích ứng tốt với tất cả các điều kiện, trong đó có cả những khủng hoảng về xã hội, Cục trưởng Lê Đức Thịnh nêu ví dụ: “Như trong 2 năm vừa qua, dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát nhưng lực lượng HTX vẫn tăng trưởng. Thậm chí đã có hơn 2.400 HTX thành lập doanh nghiệp trực thuộc để cung ứng đầu vào, liên kết đầu ra cho các thành viên HTX.”

Sau 76 năm, chặng đường phát triển của kinh tế tập thể nói chung và HTX nói riêng đã có sự biến chuyển trong từng giai đoạn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sau 76 năm, chặng đường phát triển của kinh tế tập thể nói chung và HTX nói riêng đã có sự biến chuyển trong từng giai đoạn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sự xuất hiện của các HTX tại nông thôn đã giúp các chương trình của Nhà nước có địa chỉ để hướng đến. Điển hình như trong công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các HTX đã trở thành những địa chỉ, đối tượng cụ thể trong phương án hành động. Việc phát triển HTX song hành với các chương trình là hướng đi đúng đắn để có thể hiện đại hóa ngành nông nghiệp, phát triển một cách bền vững.

“Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, HTX và chuỗi giá trị của HTX đã được định hình rõ ràng. Phát triển HTX là một yêu cầu, quy luật khách quan để phát triển ngành nông nghiệp một cách hiện đại, bền vững, phát triển khu vực nông thôn một cách hài hòa, nâng cao phúc lợi cho người dân”, ông Lê Đức Thịnh nhấn mạnh.

Mong một Nghị quyết mới cho các HTX nông nghiệp

Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều loại hình HTX, trong đó HTX nông nghiệp chiếm đa số với tỉ lệ hơn 70%. Nhấn mạnh vai trò quan trọng của HTX nông nghiệp trong khu vực kinh tế tập thể, theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, nền nông nghiệp Việt Nam có đặc điểm manh mún, nhỏ lẻ, tự phát với hơn 10 triệu hộ nông dân. Sự manh mún, nhỏ lẻ, tự phát như một lời nguyền làm nền nông nghiệp Việt Nam phát triển chưa tương xứng như những gì chúng ta mong muốn.

“Và kinh tế tập thể, trong đó có HTX là giải pháp đầu tiên trong mọi giải pháp để cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất ở quy mô lớn hơn, sản lượng lớn hơn. Từ đó người nông dân có thể tạo ra giá trị cao hơn, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp thay vì những nông sản thô như hiện nay; đồng thời sẽ biến HTX trở thành chuỗi ngành hàng nhỏ trong chuỗi ngành hàng lớn”, Bộ trưởng phân tích.

HTX Mỳ Chũ Xuân Trường tại xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. Ảnh: Tùng Đinh.

HTX Mỳ Chũ Xuân Trường tại xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. Ảnh: Tùng Đinh.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, chỉ với quy mô HTX đủ lớn, ngành nông nghiệp mới có thể xây dựng được thương hiệu nông sản cho từng vùng nguyên liệu; ngành nông nghiệp mới có thể liên kết một cách bình đẳng với các doanh nghiệp; đồng thời giải được bài toán giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng đầu ra với quy trình sản xuất đồng bộ, tạo sự đồng điệu và nâng cao chất lượng của nông sản, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản, của nền nông nghiệp trên thị trường.

Theo đó, Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã dành riêng một khu vực để hình thành một hệ sinh thái hỗ trợ cho các HTX từ nguồn vốn, khả năng quản trị, khoa học kỹ thuật, công nghệ, thông tin thị trường…

“Chúng ta sẽ không thể hỗ trợ cho 10 triệu hộ nông dân riêng lẻ mà bắt buộc phải thông qua HTX”, người đứng đầu ngành nông nghiệp khẳng định.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, hiện nay một số địa phương vẫn đang thiếu sự quan tâm đến HTX. Và dịp kỷ niệm 76 năm ngày HTX Việt Nam cũng là dịp Bộ NN-PTNT chuẩn bị trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về HTX nông nghiệp.

Bộ trưởng cho hay, Nghị quyết mà Chính phủ ban hành về HTX nông nghiệp sắp tới sẽ định vị lại vai trò, tầm quan trọng cũng như thay đổi nhận thức của xã hội, của cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp về giá trị, sứ mạng của HTX, của kinh tế tập thể trong tiến trình chuyển đổi của nền nông nghiệp Việt Nam.

“Bởi HTX chính là vấn đề sống còn để tổ chức lại sản xuất và cần phải nhận thức được rằng muốn có được thị trường thì cần tổ chức lại từ khâu đầu tiên là sản xuất. Chúng ta không thể cứ mãi để nông dân mỗi người một kiểu sản xuất tự phát, trôi nổi; mỗi người một thời điểm, chi phí khác nhau…”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích.

Ngoài ra, Nghị quyết sẽ được giao cho các cơ quan để nghiên cứu từng chính sách cụ thể, ví dụ như chính sách về đất đai, tín dụng, khoa học công nghệ, phát triển thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo quản trị cho các HTX…

Trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới có riêng một khu vực dành cho kinh tế nông thôn, trong đó có HTX. Việc huấn luyện, đào tạo, nâng cao năng lực cho nông dân và cộng đồng dân cư, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, HTX… chính là xác định lại vai trò chủ thể.

Vì theo Bộ trưởng, một khi người dân đã làm chủ cần có năng lực thích ứng với rất nhiều sự đứt gãy của thị trường, điển hình như ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc các cửa khẩu dừng thông quan, xung đột giữa Nga - Ukraine…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta đang sống trong bối cảnh có 3 sự biến động tác động tới nông nghiệp, tới các HTX, tới nông dân. Đó là biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới.

Hiện nay một số địa phương vẫn đang thiếu sự quan tâm đến HTX. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay một số địa phương vẫn đang thiếu sự quan tâm đến HTX. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

“Biến động thị trường chính là một cánh cửa mở ra, cánh cửa khác sẽ đóng lại. Chúng ta gia nhập rất nhiều hiệp định thương mại, đó là cơ hội mở ra nhưng đi kèm theo những yêu cầu kỹ thuật, vấn đề bảo hộ. Nếu người nông dân không được nâng cao năng lực thích ứng, chủ động thì sẽ rơi vào trạng thái bị động với thị trường. Một khi đã bị động ắt sẽ xảy ra ùn ứ, tắc nghẽn”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT nêu quan điểm.

Đối với biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, hiện nay người dân ngày càng tiêu dùng một cách có trách nhiệm hơn. Người tiêu dùng sẽ không chỉ yêu cầu sản phẩm phải có chất lượng cao mà họ còn quan tâm để khâu sản xuất nông sản có đánh đổi môi trường sinh thái, sự đa dạng sinh học, sức khỏe cộng đồng hay không…? Xu thế tiêu dùng hiện nay không hề đơn giản. Người tiêu dùng có trách nhiệm sẽ lựa chọn sản phẩm của người nông dân có trách nhiệm.

Nâng tầm giá cả lên giá trị

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nếu như Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn trước chú trọng nhiều đến đầu tư cơ sở hạ tầng thì giai đoạn 2021 - 2025 sắp tới, Chương trình sẽ chú trọng đầu tư phát triển khu vực kinh tế nông thôn.

“Bởi xét cho cùng nông thôn mới chính là thu nhập của người dân và chỉ có phát triển kinh tế và việc làm nông thôn thì người dân mới ở lại với thôn quê để tạo ra các giá trị từ nông sản”, Bộ trưởng lưu ý.

Kinh tế nông thôn bao gồm HTX, tổ hợp tác, làng nghề, sản phẩm OCOP và du lịch nông nghiệp, nông thôn. Chúng ta cần phải xác định HTX là một thành phần chủ chốt của kinh tế nông thôn để nâng cao thu nhập của người nông dân. Phải làm sao để thu nhập đó không chỉ đến từ nguồn nông sản mà các HTX sản xuất ra mà còn đến từ các hoạt động dịch vụ cũng như nguồn khác của HTX như phân loại, bảo quản, sơ chế, đóng gói, bao bì, thương mại điện tử…

“Những kết tinh từ nhiều công đoạn của một chuỗi ngành hành chính là giá trị thành quả của người nông dân. Nếu chúng ta bán nông sản thô là chúng ta đang bán sản phẩm với giả cả. Còn nếu chúng ta bán nông sản đã qua chế biến đi kèm với ý nghĩa từ địa danh, văn hóa đến câu chuyện cụ thể là chúng ta đang bán sản phẩm với giá trị. Giá trị đó cao hơn giá cả rất nhiều lần và đó cũng là thu nhập tăng thêm cho người nông dân”, người đứng đầu ngành nông nghiệp chia sẻ.

HTX là một thành phần chủ chốt của kinh tế nông thôn để nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

HTX là một thành phần chủ chốt của kinh tế nông thôn để nâng cao thu nhập cho người nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo đó, để có thể nâng tầm giá cả lên giá trị là một hành trình cần sự tham gia từ các chuyên gia, nhà khoa học, viện, trường đến các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp… hợp thành một hệ sinh thái để hỗ trợ các HTX. Hành trình đó không chỉ cần nguồn lực của Nhà nước mà cần cả nguồn lực từ xã hội để tạo ra chất kết dính cho HTX. Để khi người nông dân tham gia sẽ thấy rằng không chỉ như việc góp vốn cổ đông để nhận lại cổ tức mà còn nhận được nhiều giá trị khác.

Ví dụ như nếu người dân cùng mua chung vật tư đầu vào sẽ giảm được chi phí sản xuất, cùng được các nhà khoa học chứng nhận quy trình canh tác, qua đó nâng cao chất lượng nông sản. Hay như nếu người dân thông qua HTX để cùng nhau liên kết với các doanh nghiệp, việc tiêu thụ nông sản sẽ ổn định hơn, không còn cảnh “bấp bênh”, trông ngóng thương lái, trông ngóng doanh nghiệp mỗi vụ thu hoạch.

“Chúng ta phải vừa tổ chức lại sản xuất thông qua hình thức HTX và tổ chức lại thị trường thông qua sự liên kết giữa các doanh nghiệp, các trung tâm xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản với các HTX. Tổ chức sản xuất phối hợp với tổ chức thị trường sẽ tạo ra được chuỗi ngành hàng từ đồng ruộng ra tới thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.