| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng ngành hàng nuôi biển: [Bài 3] Sắp xếp không gian biển

Thứ Sáu 05/04/2024 , 11:53 (GMT+7)

Các tỉnh ven biển đang thực hiện dẹp bỏ lồng nuôi thả tự phát, sai quy hoạch… Không gian biển đang được sắp xếp một cách quy củ, bài bản để nuôi biển bền vững.

Lồng nuôi tự phát, mật độ dày đặc và trái phép trên vịnh Vũng Rô (tỉnh Phú Yên). Ảnh: Kim Sơ.

Lồng nuôi tự phát, mật độ dày đặc và trái phép trên vịnh Vũng Rô (tỉnh Phú Yên). Ảnh: Kim Sơ.

Phú Yên “dọn” biển

Ngay từ năm 2020, tỉnh Phú Yên đã triển khai các giải pháp để di dời lồng bè nuôi thủy sản tự phát để thực hiện dọn biển, tạo quỹ mặt nước “sạch” thực hiện đề án nuôi biển bền vững của địa phương. Các điểm nóng này nằm ở các khu vực nuôi biển của thị xã Đông Hòa, Sông Cầu và huyện Tuy An.

Tại vịnh Vũng Rô, giai đoạn năm 2016 mới chỉ có hơn 200 hộ nuôi thả. Thế nhưng sau một thời gian ngắn, số lồng bè nuôi đã lên tới gần 1,7 vạn. Mật độ nuôi thả quá nhiều khiến không gian nuôi trên biển chật hẹp, chất thải từ lồng bè nuôi biển thải ra môi trường không qua xử lý là nguồn lây lan dịch bệnh, đồng thời khó khăn cho công tác quản lý.

Theo rà soát kiểm đếm, hiện số hộ tham gia nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè tại Vũng Rô có 391 cơ sở nuôi với 16.852 ô lồng, trong đó, người nuôi là ngư dân địa phương khác tự phát kéo bè tới nuôi thả tại Vũng Rô là 190 cơ sở nuôi, với 9.106 ô lồng. Các bè nuôi tự tách ra, tranh thủ ngày nghỉ, ban đêm cơ quan quản lý không thể kiểm tra được để xây dựng mới hoặc xây dựng lồng bè từ địa phương khác rồi kéo vào vịnh Vũng Rô, chiếm giữ khoảng 400ha diện tích mặt nước tại các bãi Hương, Nhãn, Chùa, Chính, Lách, Ngà, Lau, Bàng…

Để ngăn chặn việc ngư dân làm lồng bè mới tự phát, địa phương phải tổ chức không cho tập kết vật liệu, tập kết gỗ xuống Vũng Rô; đã xử lý 7 trường hợp tập kết gỗ với số lượng 7,25m3…

Phú Yên đang nỗ lực dọn dẹp mặt biển...

Phú Yên đang nỗ lực dọn dẹp mặt biển...

... để sắp xếp lại không gian nuôi biển quy củ, bền vững. Ảnh: Kim Sơ.

... để sắp xếp lại không gian nuôi biển quy củ, bền vững. Ảnh: Kim Sơ.

“Các chủ bè nuôi thả không tự di dời ra khỏi khu vực vịnh Vũng Rô. Người nuôi trồng thủy sản ở các địa phương khác kéo bè đến vịnh Vũng Rô và chây ì, không tự giác kéo bè đi khỏi vịnh Vũng Rô mặc dù Đoàn tuần tra, kiểm soát của thị xã Đông Hòa yêu cầu di dời. Ngoài ra, người nuôi thả giống nhiều đợt, thời gian nuôi tôm hùm thương phẩm dài (từ 18-24 tháng) nên thu hoạch không đồng loạt, việc thả giống mới vào những ngày nghỉ và vận chuyển giống bằng đường thủy nên cơ quan quản lý khó phát hiện để xử lý kịp thời”, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch thị xã Đông Hòa, cho biết.

Tại thị xã Sông Cầu, công tác sắp xếp lồng, bè nuôi trồng thủy sản mặt nước biển được triển khai theo hướng quản lý chặt chẽ số lượng lồng, bè nuôi và môi trường vùng nuôi; khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi biển; tập trung chỉ đạo xử lý các trường hợp nuôi trồng thủy sản (NTTS) không đúng quy định.

Năm 2023, Sông Cầu triển khai thực hiện quản lý, sắp xếp lồng bè nuôi trồng thủy sản trong đó có kế hoạch tháo dỡ bè, cọc (cây, sắt, bê tông…) nuôi hàu, vẹm, rớ khai thác thủy sản trên vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông; xây dựng phương án sắp xếp, giao mặt nước NTTS, thành lập các Tổ cộng đồng NTTS.

Nuôi biển bền vững không thể bắt đầu bằng những hạ tầng nhỏ lẻ, manh mún, tự phát..., điều quan trọng là cần có một lộ trình đồng bộ, dài hạn. Ảnh: Kiên Trung.

Nuôi biển bền vững không thể bắt đầu bằng những hạ tầng nhỏ lẻ, manh mún, tự phát..., điều quan trọng là cần có một lộ trình đồng bộ, dài hạn. Ảnh: Kiên Trung.

Qua rà soát, thị xã có hơn 4.000 hộ đủ điều kiện giao mặt nước; gần 1.500 hộ không đủ điều kiện giao mặt nước để nuôi trồng thủy sản lồng, bè. Các hộ nuôi trồng thủy sản này đã được UBND các xã, phường lập danh sách, phân nhóm để quản lý. Trên cơ sở đó, thị xã Sông Cầu đã xây dựng kế hoạch giao khu vực biển NTTS bằng lồng, bè trên vịnh Xuân Đài và kế hoạch sử dụng đất để thực hiện giao đất có mặt nước để NTTS trên đầm Cù Mông.

Tại huyện Tuy An, năm 2023, đã quyết liệt xử lý tình trạng các hộ dân thường xuyên kéo bè nuôi thủy sản trái phép tập kết tại khu vực mặt nước danh thắng gành Đá Đĩa (xã An Ninh Đông). Tại khu vực biển Hòn Yến (xã An Hòa Hải) triển khai nhiệm vụ bảo vệ, bảo tồn rạn san hô; tổ chức khảo sát thực địa tại vị trí vùng nuôi, đảm bảo theo các tiêu chí vùng nuôi với quy mô diện tích 20ha, dịch chuyển về phía Đông - Nam Hòn Yến, độ sâu đảm bảo trên 6m, cách bờ tối thiểu 400m và cách khu vực bảo tồn rạn san hô, di tích Hòn Yến tối thiểu 200m.

Đối với các vùng nuôi biển khác, triển khai thống kê hiện trạng, xây dựng kế hoạch sắp xếp và cho thuê mặt nước nuôi trồng sau khi có quy hoạch chính thức của tỉnh đối với 650ha mặt nước biển được đề nghị.

Hội cộng đồng quản lý bảo vệ thủy sản tại Bình Thuận

Sáng 26/3, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật đã phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội thảo “Nhân rộng đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ tỉnh Bình Thuận”. Ngoài ra còn có đại diện các Hội cộng đồng ngư dân các xã Thuận Quý, Tân Thành, Tân Thuận, Phước Thể, Chí Công, Hòa Thắng.

Thu hoạch cá chim vây vàng. Ảnh: Hoàng Anh.

Thu hoạch cá chim vây vàng. Ảnh: Hoàng Anh.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Lương Thanh Sơn đánh giá: "Việc bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái, cải thiện chất lượng môi trường sống của các loài thủy sản là việc quan trọng, cần được ưu tiên. Theo đó, cần phải cân bằng giữa khai thác, nuôi trồng và bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Để làm được điều đó, cần có sự chia sẻ trách nhiệm của cơ quan quản lý, của cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp".

Bình Thuận hiện có 4 tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, với 562 hộ gia đình đăng ký (Phước Thể; Thuận Quý; Tân Thành; Tân Thuận). Trong đó, cộng đồng Thuận Quý, Tân Thành và Tân Thuận đã được công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản với diện tích vùng biển đạt 43,4/12,38 km chiều dài bờ biển.

Bình Thuận là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản 2017. Quá trình thực hiện đồng quản lý cho thấy đã có sự thay đổi rõ rệt trong suy nghĩ, nhận thức, hành động của người dân; trách nhiệm bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản đã có sự chia sẻ và tham gia, hưởng ứng của cộng đồng, các bên liên quan tại địa phương.

Nuôi thủy sản lồng bè trên đảo Phú Quý. Ảnh: N.Lân.

Nuôi thủy sản lồng bè trên đảo Phú Quý. Ảnh: N.Lân.

Đại diện Hội Cộng đồng ngư dân Tân Thành, Tân Thuận, Thuận Quý nêu những khó khăn khi thực hiện như, việc thực thi quyền và trách nhiệm được Nhà nước giao, phương án bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản sau khi được công nhận và giao quyền quản lý còn hạn chế; vẫn chưa thể đảm bảo được tính tự chủ...

Trước đó, ngày 20/3, Bình Thuận tổ chức Hội thảo "Giải pháp phát triển nuôi biển bền vững" lấy ý kiến tham vấn của các nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân sẽ góp phần hoàn thiện nội dung Đề án “Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Định hướng phát triển ngành nuôi biển thời gian, Bình Thuận chủ trương đẩy mạnh nuôi xa bờ, tập trung các đối tượng có giá trị kinh tế cao; phát triển nuôi trồng thủy sản hữu cơ. Tải lượng ô nhiễm khu nuôi, diện tích nuôi biển tăng trong thời gian tới sẽ dẫn tới tải lượng ô nhiễm lớn hơn vào năm 2030, tăng cao tại các huyện Tuy Phong, TP Phan Thiết và Phú Quý.

Mô phỏng lan truyền ô nhiễm khu vực nam Tuy Phong, Phan Thiết, Phú Quý có giá trị lớn nhất nằm trong ngưỡng yêu cầu cho nuôi trồng thủy sản. Căn cứ trên kết luận đặc điểm sóng và dòng chảy ven bờ tham chiếu các quy phạm ngành về thủy sản để lựa chọn, bố trí khu vực nuôi phù hợp; Cần thực hiện giám sát môi trường để nắm được thông tin diễn biến môi trường khi thực hiện đề án; có hướng dẫn phù hợp trong việc lựa chọn thức ăn và xử lý thức ăn dư thừa, đặc biệt là ở khu vực nuôi công nghiệp.

Một điểm khó tại Phú Yên, đó là theo quy định, quá trình xử lý lồng bè trái phép phải đảm bảo an toàn tài sản vật nuôi (tôm, cá sống…) trong khi các địa phương chưa có nơi và các điều kiện để lưu giữ tôm, cá...

Các huyện, thị đã có văn bản đề Sở Tư pháp nghị hướng dẫn cách xử lý tôm, cá sống trong công tác cưỡng chế bằng hình thức thuê kho đông lạnh để quản lý. Tuy nhiên, biện pháp thuê kho đông lạnh để bảo quản hải sản nuôi là không phù hợp vì sẽ khiến tôm, cá bị chết dẫn đến giảm giá trị tài sản của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế. Do đó, phải thuê tổ chức, cá nhân đủ điều kiện trông giữ, bảo quản.

Giải pháp trước mắt, Phú Yên tổ chức thống kê, kiểm đếm, gắn bảng số và lập hồ sơ quản lý các lồng bè đang nuôi trồng thủy sản tại vịnh Vũng Rô; thực hiện tuần tra, kiểm soát sử dụng thiết bị bay flycam để phát hiện, ngăn chặn không cho phát sinh lồng bè mới. Đối với các bè sai phạm phát sinh, tiến hành lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, đồng thời thực hiện cưỡng chế di dời.

Xem thêm
Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển