| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng ngành hàng nuôi biển: [Bài 2] Bước nhỏ ra biển lớn và lời giải ngoài vịnh Cam Ranh

Thứ Năm 04/04/2024 , 08:35 (GMT+7)

Khánh Hòa là tỉnh đầu tiên thu hút đầu tư nuôi biển quy mô công nghiệp và đưa người dân ra nuôi biển ở vùng biển hở ngoài 3 hải lý ở vịnh Cam Ranh.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh (ngoài cùng bên phải) - trong lễ phát động thí điểm nuôi biển công nghệ cao vùng biển mở. Ảnh: Kim Sơ. 

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh (ngoài cùng bên phải) - trong lễ phát động thí điểm nuôi biển công nghệ cao vùng biển mở. Ảnh: Kim Sơ. 

Gần tròn một năm trước, trong lễ phát động thí điểm nuôi biển công nghệ cao ở vùng biển mở của tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy, đã ví von sự kiện đó là một bước tiến nhỏ tiến ra biển lớn.

Hôm nay, có mặt ở vùng nuôi biển ở thành phố Cam Ranh, “bước tiến nhỏ” ấy đang không ngừng mở ra không gian nuôi biển rộng lớn và mang lại nhiều giải pháp hơn cho nuôi biển ở Khánh Hòa. Những con cá bớp, tôm hùm mà lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa thả xuống vùng biển hở năm trước đã cho thu hoạch vào dịp cuối năm. Hiệu quả kinh tế là một nhẽ, mô hình nuôi biển hở thành công bước đầu mở ra lối thoát cho vịnh Cam Ranh.

Cũng là lối thoát của nhiều vùng nuôi biển khác như vịnh Vân Phong, vịnh Nhà Trang, đầm Nha Phu, vùng Vạn Ninh... ở thủ phủ nuôi biển vùng Nam Trung bộ. 

Ghi ở vịnh Cam Ranh

Trên bản đồ nuôi trồng thủy sản quốc gia, vịnh Cam Ranh, thủ phủ nuôi biển của tỉnh Khánh Hòa giống như một bức tranh thu nhỏ. Ở đó có tiềm năng, lợi thế trời ban để nuôi biển và nhanh chóng phát triển thành vùng nuôi nổi tiếng bậc nhất khu vực Nam Trung bộ cùng với vịnh Vân Phong và Cam Ranh.

Từ những hộ nuôi manh mún, nhỏ lẻ ban đầu, đến nay trên vịnh có khoảng hơn 100.000 lồng của hơn 2.000 hộ dân, chiếm tầm 500ha mặt nước để nuôi tôm hùm xanh, cá mú, cá bớp, hàu, vẹm xanh và các loại sò... Tình trạng nuôi biển tự phát thành cả một phong trào, hàng nghìn lồng nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch, người nuôi biển tự ý gia tăng lồng bè dẫn đến xung đột với diện tích mặt nước đã quy hoạch du lịch, an ninh quốc phòng.

Mô hình thí điểm đưa người dân nuôi biển mở ở vịnh Cam Ranh. Ảnh: Kim Sơ.  

Mô hình thí điểm đưa người dân nuôi biển mở ở vịnh Cam Ranh. Ảnh: Kim Sơ.  

Và cũng chính vì nghề nuôi biển phát triển quá nóng mà trong các cuộc hội nghị, hội thảo, Cam Ranh luôn được nhắc đến như một vấn đề nhức nhối về hệ lụy của nuôi trồng thủy sản theo kiểu tự phát. Hàng chục vạn chiếc lồng nuôi biển bằng công nghệ thô sơ, nhiều hạn chế đã khiến vùng nuôi bị quá tải dẫn đến ô nhiễm môi trường, cá tôm bị dịch bệnh, hệ sinh thái biển biến dạng, người nuôi trồng lao đao…

Thậm chí, đã có những kết quả phân tích rằng ở những vùng nuôi biển vịnh Cam Ranh, vịnh Vân Phong và vịnh Nha Trang có lúc phát hiện trong mẫu nước chứa hàng nghìn con vi khuẩn, một số điểm các nhà khoa học còn cảnh báo rằng không đủ điều kiện để có thể nuôi trồng thủy sản được nữa. “Mấy chục năm nuôi biển, bao nhiêu thức ăn dư thừa, bao nhiêu rác thải đổ xuống, biển nào chịu cho nổi”, anh Nguyễn Văn Thơ, một người nuôi biển lâu năm trên vịnh, phân trần.

Anh Thơ là một trong số 3 hộ dân đầu tiên ở xã Cam Lập, thành phố Cam Ranh tham gia vào mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao ở vùng biển mở ngoài khu vực 3 hải lý ở vịnh Cam Ranh. Một dấu mốc mà lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa kỳ vọng sẽ mang lại kết quả trong cuộc cách mạng vươn khơi nuôi biển.

Anh Nguyễn Văn Thơ, một trong 3 hộ dân Khánh Hòa đầu tiên ra nuôi biển vùng biển mở. Ảnh: Kim Sơ. 

Anh Nguyễn Văn Thơ, một trong 3 hộ dân Khánh Hòa đầu tiên ra nuôi biển vùng biển mở. Ảnh: Kim Sơ

Cũng trầy trật, gian nan lắm, người đàn ông đã có mấy chục năm nuôi biển ven bờ mở lòng. Đầu tiên là suy nghĩ ra ngoài đó sóng gió như thế liệu có trụ nổi không, rồi chi phí đầu tư sản xuất bao nhiêu, chất lượng cá tôm liệu có hơn nuôi trong vùng vịnh… Rồi trước giờ chỉ thấy các doanh nghiệp lớn mới dám nuôi biển hở chứ có thấy người dân nào dám ra ngoài đó đâu. Tóm lại là trăm thứ phải lo, phải tính, nhưng nhờ sự vận động của chính quyền, anh Thơ cùng với ông Phan Văn Thành, ông Nguyễn Văn Cư đồng ý để trở thành những người đầu tiên “cùng nhau tiến ra biển lớn” ở Khánh Hòa.

Được sự hỗ trợ của Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup), 3 hộ nuôi biển trên vịnh Cam Ranh thay lồng gỗ truyền thống thành những chiếc lồng HDPE rồi kéo ra vùng biển hở ở ngoài cửa biển xã Cam Lập.

Ngày 24/5/2023 - cả 3 còn nhớ rất rõ ngày hôm ấy khi Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh cùng với lãnh đạo chính quyền ra biển thả cá, tôm đợt 1 xuống cho bà con. 2 bè nuôi cá, 1 bè nuôi tôm hùm xanh, độ hơn 8 tháng sau đến kỳ thu hoạch. “Tui nuôi tôm hùm trên bè HDPE ở 12 ô lồng theo kiểu 2 tầng với số lượng 600 con/ô lồng. Sau 8 tháng thu được 1,3 tấn tôm, bán giá hơn 1 triệu đồng/kg, tính ra lợi nhuận chỉ được hơn 300 triệu đồng. Mấy ông nuôi cá bớp mới trúng lớn”, anh Thơ cười khà.

Tôm hùm vùng biển mở. Ảnh: Hoàng Anh. 

Tôm hùm vùng biển mở. Ảnh: Hoàng Anh. 

Ông Phan Văn Thành cười tiếp, lãi có tầm 1 tỷ đồng chứ đáng bao nhiêu. 2 cái lồng tròn HDPE, mỗi cái đường kính 13m, thể tích 800m3/lồng, thả xuống mỗi ô lồng 2.000 con giống, sau hơn nửa năm thì thu mỗi ô lồng được khoảng trên 12 tấn cá. Đợt đó bán cá bớp giá 170 ngàn đồng/kg, sau khi trừ đi chi phí lãi được tầm 1 tỷ đồng.

Hộ ông Nguyễn Văn Cư cũng vậy. Cả 3 người tiên phong nuôi biển hở ở Cam Lập đúc rút, môi trường mới cá, tôm phát triển tốt, những lo ngại ban đầu bay biến đi đâu hết. Giờ vào vịnh, vào bờ mấy bữa lại thấy nhớ biển, nhớ lũ tôm cá ngoài này. Ngoài chuyện lãi lời, họ còn nhận ra rằng hóa ra nuôi biển xa bờ còn nhiều cái lợi khác.

“Trước nuôi trong vịnh lồng bè san sát, nguồn nước ô nhiễm nên mấy năm gần đây cá tôm cứ chết miết, bao nhiêu gia đình phá sản. Ra nuôi ở ngoài này, nguồn nước sạch, tỷ lệ sống từ 80-90%, cũng không phải lo nghĩ gì nhiều. Điều quan trọng nhất là mình thấy nuôi vùng biển hở cũng nhàn chứ không khó như nhiều người nghĩ”, những người vừa thu tiền tỷ sau vụ đầu tiên chia sẻ.

Sau thành công của 3 mô hình đầu tiên, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa tiếp tục được giao nhiệm vụ triển khai thêm 7 mô hình nuôi biển hở khác, cũng ở vùng biển hở ngoài vịnh Cam Ranh. Ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa thông tin: Cuối tháng 5 này sẽ tổng kết cụ thể mô hình thí điểm của 10 hộ dân ở vùng biển hở Cam Lập, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định đã thành công.

“So với lồng truyền thống, cá nuôi trong lồng HDPE lớn nhanh hơn, tỷ lệ hao hụt thấp hơn. Quá trình triển khai các mô hình nuôi biển hở trải qua một số đợt sóng gió do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới, tuy nhiên không bị ảnh ảnh hưởng nhiều do các lồng nuôi sử dụng vật liệu HDPE. Các mô hình đều được lắp đặt hệ thống giám sát định vị vệ tinh để xác định các hoạt động trên lồng nuôi, khi bão đến, bà con vào bờ tránh trú vẫn có thể quản lý tài sản ngoài biển hoặc giám sát quá trình nuôi thông qua hệ thống camera”, ông Khánh nói.

Nuôi cá bớp vùng biển mở, lãi hơn 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: Kiên Trung. 

Nuôi cá bớp vùng biển mở, lãi hơn 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: Kiên Trung. 

Đặc biệt, theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa, những mô hình này đã chứng minh cho người nuôi biển thấy họ hoàn toàn có thể tiến ra biển lớn. Bài toán lớn nhất của nuôi biển Khánh Hòa hiện nay là tình trạng nuôi trồng tự phát ở ven bờ, dẫn đến sức tải quá quá lớn gây ảnh hưởng đến môi trường.

Việc vận động bà con vươn khơi ra ngoài khu vực 3 hải lý không hề dễ vì họ đã quen với tập quán và lo ngại chi phí đầu tư cao. Tuy nhiên những mô hình này đã chứng minh hiệu quả kinh tế, bởi tính ra lồng HDPE còn rẻ hơn lồng gỗ. Đồng ý là chi phí đầu tư ban đầu có lớn hơn so với làm kiểu truyền thống nhưng tuổi thọ của lồng HDPE cũng cao hơn, khoảng 20 năm, trong khi lồng gỗ của bà con chỉ được 5 năm.

“Theo chiến lược phát triển nuôi biển của tỉnh Khánh Hòa, vươn khơi nuôi biển sẽ là xu thế bắt buộc để vừa khai thác tiềm năng lợi thế vừa giải quyết bài toán nhỏ lẻ, tự phát và tránh các xung đột với các lĩnh vực khác. Từ những bước đi đầu tiên ở Cam Lập, sẽ là căn cứ, cơ sở khoa học để nghề nuôi biển ở Khánh Hòa tiến ra xa bờ”, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa khẳng định.

Sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời ở mô hình nuôi biển mở. Ảnh: Kim Sơ. 

Sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời ở mô hình nuôi biển mở. Ảnh: Kim Sơ. 

Bước tiến nhỏ tiến ra biển lớn

“Ra biển lớn” cũng là cụm từ mà ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa, liên tục nhắc đi nhắc lại trong cuộc trò chuyện với chúng tôi xung quanh chiến lược nuôi biển của tỉnh Nam Trung bộ này.

Cùng với Quảng Ninh, Kiên Giang, Khánh Hòa là một trong 3 địa phương được Chính phủ quy hoạch trở thành trung tâm nuôi biển của từng khu vực. Đây cũng là tỉnh duy nhất đến thời điểm này được Thủ tướng giao xây dựng Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao. Ngoài 4.000ha nuôi biển nước lợ sẽ là 2.700ha nuôi biển công nghệ cao, theo quy mô công nghiệp.

Cuộc cách mạng nuôi biển hở ở Khánh Hòa bắt đầu từ những mô hình như Công ty TNHH Thủy sản Australis Việt Nam nuôi cá chẽm tại vịnh Vân Phong với 70 lồng tròn HDPE, sản lượng hằng năm đạt từ 6.000-8.000 tấn. Mô hình của Trung tâm nuôi biển công nghệ cao đang nuôi cá chim vây vàng tại vịnh Vân Phong với 42 lồng HDPE, sản lượng hằng năm đạt 250-300 tấn. Mô hình của Công ty Cổ phần Nuôi trồng Thuỷ sản Phương Minh nuôi cá chim vây vàng với 11 lồng HDPE, sản lượng 150 tấn/năm...

Mô hình nuôi biển mở mở ra nhiều giải pháp cho nuôi biển ở Khánh Hòa. Ảnh: Kim Sơ.  

Mô hình nuôi biển mở mở ra nhiều giải pháp cho nuôi biển ở Khánh Hòa. Ảnh: Kim Sơ.  

Nhưng, theo quan điểm của Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa, song song với mục tiêu thu hút đầu tư các doanh nghiệp nuôi biển theo quy mô công nghiệp, Khánh Hòa cũng đặc biệt chú trọng hỗ trợ chuyển đổi người dân tiến đến nuôi biển xa bờ. “Không thể nuôi biển manh mún, tự phát, nhỏ lẻ và muốn tiến ra biển lớn phải chứng minh được cho người dân thấy họ có thể thành công”, ông Quang nói.

Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Khánh Hòa có khoảng 74.550 lồng nuôi biển với các loài nuôi chủ yếu là cá biển và tôm hùm, sản lượng ước đạt hơn 10.000 tấn mỗi năm.

Câu chuyện nuôi biển ở vịnh Cam Ranh, Vân Phong, Nha Trang và nhiều khu vực khác không đơn thuần là giá trị kinh tế mà còn liên quan đến sinh kế của hơn 4.000 lao động nông thôn ven biển. “Cùng với người dân đang nhỏ lẻ, tự phát tích lũy dần để đi lên quy mô công nghiệp là một trong những mục tiêu nuôi biển của Khánh Hòa và những mô hình như ở vịnh Cam Ranh sẽ là giải pháp”, ông Nguyễn Duy Quang khẳng định.   

Xem thêm
Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.