| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với tái cơ cấu nông nghiệp

Thứ Hai 07/11/2022 , 09:56 (GMT+7)

Song song với xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, TP Hải Phòng cũng đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn.

NTM KM

Đường nông thôn mới kiểu mẫu tại xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Tùng

Để nâng cao đời sống người dân nông thôn, song song với xây dựng nông thôn mới, Nghị quyết của HĐND TP Hải Phòng cũng đưa ra định hướng để phát triển sản xuất nông nghiệp là “Xây dựng NTM kiểu mẫu gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn”.

Thực hiện chủ trương này, song song với xây dựng NTM kiểu mẫu, các địa phương đã và đang triển khai tích cực, có hiệu quả trong cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tại xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, trước đây người dân chỉ loay hoay trồng hai vụ lúa trong năm, thu nhập thấp nên đời sống khó khăn quanh năm. Sau khi một số hộ được đi tập huấn mô hình xen canh lúa - dưa, ớt do Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng tổ chức ở một số nơi, các hộ thấy người dân trồng dưa hoàng kim, dưa lê, ớt hiệu quả trên nền đất lúa mùa vừa thu hoạch nên các hộ đã mạnh dạn về trồng theo.

Sau thời gian khoảng 55 - 60 ngày từ ngày gieo hạt, dưa đã cho thu hoạch, trong vụ đầu tiên, trung bình người dân thu về khoảng 100-150 triệu đồng/vụ. Từ hiệu quả mô hình, nhiều nông dân xã Kiến Thiết đang chuyển sang trồng dưa lê, trong đó có nhiều gia đình áp dụng thành công mô hình hai vụ lúa, một vụ màu.

Dưa

Người dân chuyển từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa. Ảnh: Đinh Tùng

Ông Vũ Văn Hương, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Kiến Thiết cho biết, dưa lê đặc điểm ít hao hụt, dễ trồng nên cho thu hoạch ổn định. Vì vậy trước đây nông dân đa phần còn khó khăn, từ khi chuyển sang mô hình trồng dưa lê đã vươn lên thoát nghèo và đã có nhiều hộ khá giàu. “Trồng dưa lê không đòi hỏi cầu kỳ, nhưng phải đúng kỹ thuật. Trước đây, nông dân xã Kiến Thiết cũng đã trồng, nhưng theo phương pháp truyền thống nên năng suất và chất lượng kém", ông Hương cho hay.

Tại xã Bát Trang, huyện An Lão, trước đây người dân chủ yếu trồng vải, theo thời gian hiệu quả kinh tế từ loại cây trồng này ngày càng giảm, từ sự định hướng của chính quyền địa phương người dân đã chuyển đổi sang trồng thanh long leo giàn đang mở ra một hướng đi mới cho người dân. Mặc dù chi phí cho việc làm giàn thanh long trên giàn sắt theo tính toán là cao hơn so với làm trụ bê tông, tuy nhiên hiệu quả mang lại rất cao, năng suất có thể tăng gấp 3 lần so với cách trồng cũ nếu được chăm sóc tốt.

“Hiệu quả nổi bật nhất là thanh long giàn có mật trồng tăng và cho số lượng cành và trái nhiều gấp 2- 3 lần so cách trồng trên trụ bê tông cũ. Bởi lẽ lượng hom giống ban đầu gấp đôi so với bình thường, ánh sáng được phân bố đều nên cành ra nhiều hơn, từ đó trái ra nhiều hơn  năng suất cũng cao hơn”, ông Phan Viết Huy – Phó Chủ tịch UBND xã Bát Trang cho biết.

Empty

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại xã Bát Trang, huyện An Lão. Ảnh: Đinh Mười.

Trong khi đó, tại xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đang diễn ra rầm rộ, cũng với đó chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng được chỉ đạo rất rõ nét.

Thực hiện tiêu chí số 13.3 trong xây dựng nông thôn mới, HTX đầu tư & Phát triển Sông Giá đã mô hình trồng dưa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại thôn A2 Trại Kênh xã Kênh Giang, có quy mô 6.800 m, trong đó sử dụng 3.300m, trồng dưa Kim Hoàng hậu và dưa Bạch Ngọc theo phương thức nông nghiệp hữu cơ. Mô hình nông nghiệp công nghệ cao áp dụng theo một quy trình chuẩn, được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi dưa được thu hoạch.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hà, giám đốc HTX cho biết, việc trồng dưa trong nhà màng có nhiều ưu điểm trong quản lý cây trồng, giúp che mưa và ngăn côn trùng xâm nhập, giảm chi phí do ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản phẩm sạch. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục tổ chức sản xuất an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc và liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp, nhằm nâng cao thu nhập, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Dưa HH

Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng luôn đồng hành với các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của người dân. Ảnh: Hà My.

TP Hải Phòng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 137 xã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu cũng như hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới nâng cao theo quy định của Trung ương. Khi hoàn thiện mục tiêu này, tại các xã, sẽ có ít nhất 70% đường trục chính từ đường huyện về trung tâm xã và đường liên xã được trải nhựa mặt rộng tối thiểu 9m, có vỉa hè hoặc lề đường, có rãnh thoát nước, điện chiếu sáng khu dân cư.

100% trường học các cấp trên địa bàn các xã đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt tối thiểu 85 triệu đồng/người/năm, không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia.

Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, thời gian tới, song song với xây dựng NTM kiểu mẫu, ngành nông nghiệp Hải Phòng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, theo chuỗi giá trị. Gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với du lịch và xây dựng nông thôn mới; ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, cơ giới hóa theo hướng hiện đại để nâng cao giá trị gia tăng, năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Mặt khác sẽ đẩy nhanh việc thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp quy mô lớn, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao và xây dựng các vùng nguyên liệu cung cấp nông sản cho chế biến và các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hải Phòng phấn đếu đến năm 2025, tăng trưởng GRDP nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đạt 2,0%/năm; tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 1,7%/năm. Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản là 55,90% - 0,20% - 43,90%. Giá trị gia tăng trên 1 đơn vị diện tích đất nông nghiệp đạt 180 triệu đồng/ha (giá hiện hành). Giá trị sản xuất trồng trọt đạt 245 triệu đồng/ha; tỷ lệ diện tích sản xuất trồng trọt được ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao đạt 62,4%.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát huy tiềm năng của các sản phẩm OCOP.