Tỉnh Bến Tre là địa phương có nghề sản xuất cây giống lớn nhất cả nước. Mỗi năm tỉnh cung cấp cho thị trường ước chừng 20 triệu cây giống các loại. Để đảm bảo cây giống đồng bộ về chất lượng, nhất là cho sản phẩm đồng nhất, tỉnh Bến Tre đã tăng cường công tác quản lý cây đầu dòng.
Đến nay, trên lĩnh vực cây ăn quả, toàn tỉnh Bến Tre có 89 cây đầu dòng và 249 vườn đầu dòng được công nhận. Các loại cây được công nhận đầu dòng là mít, sầu riêng, bưởi da xanh, ngọt Thái Lan, nhãn, xoài, ổi, mận An Phước, sapoche, na, bơ, bòn bon. Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cũng thẩm định và công nhận 4 vườn măng cụt mẹ với 211 cây; 1 vườn cây cóc mẹ với 250 cây.
Riêng cây dừa, tỉnh Bến Tre đã công nhận 6.990 cây dừa mẹ và 78 vườn dừa đầu dòng. Các loại dừa phổ biến như: dừa xiêm xanh, dừa dâu, dừa ta và dừa đỏ giống mới.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bến Tre cho biết: Trong công tác quản lý cây đầu dòng, cây mẹ để sản xuất cây giống tỉnh Bến Tre quản lý theo tiêu chuẩn quốc gia đối với các giống cây có trong danh mục hoặc tiêu chuẩn cơ sở do cơ sở tự ban hành đối với các loại cây chưa có tiêu chuẩn quốc gia. Các chủ cơ sở sản xuất cây giống đều tuân thủ nghiêm ngặt quy định của ngành.
Hiện nay, tỉnh Bến Tre là tỉnh đầu tiên ban hành nghị quyết về việc thu phí và lệ phí bình tuyển, công nhận cây mẹ, cây đầu dòng được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua từ năm 2018. Tạo điều kiện cho tỉnh có thêm nguồn kinh phí để thẩm định, bình tuyển cây mẹ, cây đầu dòng từ đó đảm bảo công tác sản xuất cây giống của tỉnh ngày càng đạt chất lượng tốt hơn.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho biết việc quản lý cây đầu dòng cây mẹ hiện nay cũng còn nhiều bất cập, nhất là có nhiều loại cây ăn quả chưa có trong danh mục.
Còn ông Lê Văn Đơn, Phó Phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre cho biết: “Để bảo tồn những giống cây quý Phòng NN-PTNT Chợ Lách đang ghi nhận tất cả các cây đầu dòng mà người dân đăng ký để bình tuyển chọn ra cây có chất lượng tối ưu nhất để đại diện cho quần thể cây giống của huyện.
Như trên cây sầu riêng Mongthong, chúng tôi chọn lọc 5 cây để đánh giá chất lượng, sau đó chọn ra 3 cây để bảo tồn và nhân giống.
Trong công tác sản xuất cây giống, nhà vườn chỉ cần quan tâm vườn đầu dòng. Còn cây đầu dòng không nhất thiết phải có. Do đó, cây đầu dòng đại diện cho quần thể cây giống của huyện nên là cây có chất lượng nhất.
Các tiêu chí để đánh giá cây là hồ sơ lý lịch cây rõ ràng. Trong đó thể hiện cây ở độ tuổi cây, ưu tiên cây đầu dòng nhiều tuổi nhất, sức khoẻ tốt, không có bệnh, chất lượng trái ổn định,…So với tiêu chí cây đầu dòng của tỉnh thì những cây ưu tú lần này chúng tôi bình tuyển dựa trên các tiêu chí cao hơn của bộ tiêu chí đánh giá cây đầu dòng cấp tỉnh”.
Nhà vườn Nguyễn Công Thành ở xã Sơn Định huyện, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre có trên 30 năm kinh nghiệm trong nghề sản xuất cây giống ở địa phương. Tham gia bình tuyển cây đầu dòng ưu tú cấp huyện lần này, cơ sở sản xuất cây giống Tư Thành đã đăng ký với cây sầu riêng đầu dòng giống Mongthong.
Hiện nay, Làng nghề hoa kiểng, cây giống của huyện Chợ Lách có trên 6.000 hộ sản xuất trên 40 triệu sản phẩm mỗi năm. Trong đó, cây giống ước khoảng trên 20 triệu sản phẩm.
Được biết, sầu riêng Mongthong được ông Tư Thành mang về từ Thái Lan những năm 1990. Ông là nhà vườn đầu tiên ở Nam bộ có được cây giống này và ông tiến hành nhân giống cung cấp hầu hết cho nông dân trồng sầu riêng giống Mongthong của cả nước. Hiện trong vườn của ông Tư Thành còn 1 cây đầu dòng khoảng 30 năm tuổi.
Ông Lê Văn Đơn nhận xét: Cây sầu riêng Mongthong ở vườn của ông Nguyễn Công Thành là sầu riêng Mongthong đầu tiên ở huyện Chợ Lách. Thấy cây sinh trưởng khoẻ, không có dấu hiệu của bệnh Phytopthora, xì mủ,…
“Chúng tôi mong muốn thông qua việc bình chọn cây đầu dòng ưu tú sẽ giúp các nhà sản xuất quan tâm và nâng chất lượng cây giống của huyện lên cao nữa. Thông qua đó, phát triển mạnh mẽ Làng nghề cây giống hoa kiểng Chợ Lách thu hút khách du lịch sinh thái đến tham quan làng nghề”, ông Lê Văn Đơn cho biết thêm.