| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới ở xã đặc biệt khó khăn: Chậm nhưng chắc

Thứ Hai 02/12/2019 , 15:16 (GMT+7)

Sau gần một thập kỷ xây dựng nông thôn mới (NTM), bây giờ chẳng ai bảo ai, dân nhìn cán bộ, hàng xóm nhìn vào nhau tự giác hiến đất, góp công, góp của thực hiện bền vững 20 tiêu chí.

Phát huy tối đa hiệu quả chính sách hỗ trợ xi măng

Gần 60 km đường giao thông nông thôn ở Kỳ Thượng đã được bê tông hóa.

Bầu trời Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) những ngày cuối năm âm u, se lạnh nhưng những nông dân “đầu trần chân đất” vẫn đội mưa ra vườn cam, vườn tiêu vun xới, bón phân chăm sóc cây trồng. Ngày xưa hay nói chính xác, chừng hơn 10 năm trước, khi nhận thức của người dân còn hạn chế, mùa đông gần như cả làng, cả xã nghỉ việc đồng áng; vườn tược, đường sá chẳng ai buồn chỉnh trang, dọn dẹp gây nên cảnh nhếch nhác, ô nhiễm nghiêm trọng.

Năm 2010, cả tỉnh Hà Tĩnh bắt tay thực hiện Chương trình nông thôn mới (NTM) nhưng Kỳ Thượng vẫn chưa định hình được phải bắt đầu tư đâu. Rồi những cuộc họp Ban chỉ đạo ra đời, công tác tuyên truyền ra rả từ xã về đến xóm, tổ tự quản (tổ liên gia-PV) và từng hộ gia đình. Còn những công việc cụ thể trong bộ tiêu chí quốc gia phải đến năm 2014 Kỳ Thượng mới chuyển được từ văn bản sang hành động.

“Kỳ Thượng là xã đặc biệt khó khăn nên để hoàn thành các tiêu chí, chính quyền và người dân phải nỗ lực gấp 3 – 4 lần so với các xã khác”, ông Lê Văn Lãm, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Thượng nói.

Dọc các tuyến đường liên xã, liên thôn người dân trang trí hàng rào xanh với đủ hình dáng, kiểu chữ bắt mắt.

Theo ông Lãm, toàn xã có đến gần 75 km đường liên xã, liên thôn, hầu hết lại đang là đường đất, nhỏ hẹp, gồ ghề nên khối lượng công việc phải làm để đạt tiêu chí giao thông lớn hơn cả một số huyện chứ chưa nói cấp xã.

Để giảm gánh nặng cho người dân, Kỳ Thượng tận dụng tối đa chính sách hỗ trợ xi măng của Nhà nước. Theo đó, khoảng 3 năm nay, bình quân mỗi năm địa phương nhận từ 1.000 – 1.400 tấn xi măng hỗ trợ về bê tông hóa các tuyến đường và xây mới, chỉnh trang lại các nhà văn hóa thôn. Nguồn lực huy động từ dân là cát, sỏi và ngày công lao động.

“Cuộc sống của bà con đang khó khăn nên chúng tôi chuyển từ việc huy động tiền sang huy động ngày công. Sự tự giác của người dân đã giúp địa phương bê tông hóa được hơn 80% các tuyến đường liên xã, liên thôn; chỉnh trang, xây mới đạt chuẩn 6/12 nhà văn hóa thôn…, một khối lượng khổng lồ đến chính những cán bộ như chúng tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến”, ông Lãm tự hào.

Theo tìm hiểu của PV, rất ít địa phương ở Hà Tĩnh phát huy tối đa hiệu quả chính sách hỗ trợ xi măng như ở Kỳ Thượng. Bình quân khối lượng xi măng các xã chưa đạt chuẩn NTM hàng năm nhận hỗ trợ chỉ từ 300 – 500 tấn nhưng Kỳ Thượng “giải ngân” lên đến hơn 1.000 tấn/năm.
 

Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 45% xuống 4,92%

Xuất phát điểm thấp cả về nguồn lực và nhận thức của người dân nên việc xây dựng xã đạt chuẩn NTM, Kỳ Thượng xác định “không thể chạy theo thành tích”.

Người dân Kỳ Thượng đang tập trung phát triển cây chè hàng hóa.

Năm 2014 khi Hà Tĩnh “khai sinh” tiêu chí 20 - khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu thì hàng nghìn vườn hộ ở Kỳ Thượng đang nhếch nhác, lộn xộn đủ các loại cây trồng nhưng không đem lại thu nhập cụ thể cho người dân. Hay nói đúng hơn, bà con chỉ sản xuất mang tính tự cung tự cấp là chính.

Khái niệm hàng rào xanh cũng là một điều xa xỉ với bà con nơi đây, vườn hộ không rào chắn hoặc nhà nào có điều kiện thì xây nên những khối bê tông “chết”, đánh mất “bản chất” nông thôn ở mỗi làng quê.

“Thay vì hô hào rầm rộ, chúng tôi phát động phong trào cải tạo vườn tạp rồi đến xây dựng khu dân cư mẫu, vườn mẫu. Bây giờ toàn xã đã có hơn 170 vườn mẫu cho thu nhập từ 50 – 150 triệu đồng/năm. Góp phần, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 45% (năm 2010) xuống 4,92% (năm 2019). Những vườn hộ còn lại về cơ bản đã sắp xếp bài bản, quy củ, không còn cảnh nhếch nhác của 5 năm về trước”, Bí thư Lê Văn Lãm nhấn mạnh.

Trồng tiêu cũng là một hướng đi mới nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Lê Minh Dũng, thôn Bắc Tiến - một trong những hộ dân đầu tiên xây dựng mô hình vườn mẫu ở Kỳ Thượng cho hay, sau khi gia đình ông phá bỏ cây sắn, lạc, riềng, sả… chuyển sang trồng 1.200 gốc tiêu và 250 gốc cam, thu nhập bình quân 3 năm nay luôn ổn định trên dưới 20 triệu đồng/năm, dự kiến năm tới diện tích cam và tiêu còn lại cho thu hoạch, ước doanh thu tăng lên đạt hơn 250 triệu đồng.

Tính đến thời điểm này xã Kỳ Thượng đã hoàn thành 13/20 tiêu chí. Địa phương đang phấn đấu đạt chuẩn NTM vào năm 2020.

Kinh tế phát triển, ý thức bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân cũng trở thành một “cuộc cách mạng”. 

Các thôn, làng xây dựng hương ước lấy ngày thứ 7, chủ nhật ra quân làm vệ sinh đường làng, ngõ xóm.

Lâu dần, quy định này thành thói quen hàng ngày, việc vệ sinh các tuyến đường công cộng trở thành một phần không thể thiếu của người dân.

Ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã nâng từ "nhà" ra "đường".

Theo ông Bùi Quang Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, người dân Kỳ Thượng làm hàng rào xanh cũng có nét riêng biệt. Họ như những nghệ nhân thực thụ, tự tạo chữ, cắt hoa ngay trước cổng nhà để bảo vệ cây xanh và xem đó là niềm vui, là sự cống hiến, là cách hưởng thụ cuộc sống yên bình ở làng quê. Điều này rất đáng quý, đáng nhân rộng.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.